Ngược thượng nguồn

Bình dị sông Loan

Ở Quảng Bình, sông Loan còn được gọi là sông Roòn, được ít người biết đến bởi sông nhỏ, bắt nguồn từ dãy Hoành Sơn hùng vĩ đổ ra biển. So với các dòng sông khác, sông Loan lặng lẽ trôi, ôm ấp bao phận người ven sông và dâng tặng những sản vật dân dã, hun đúc nên những vùng quê trù phú, văn vật bên mái đèo Ngang.
0:00 / 0:00
0:00
Sông Loan đoạn gần cửa Roòn.
Sông Loan đoạn gần cửa Roòn.

Nơi khởi nguồn sông

Quảng Bình có địa hình ngắn và dốc nên sông ngòi đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn rồi quanh co qua các bản, làng trước khi đổ ra biển. Sông Loan cũng vậy, chỉ dài hơn chừng 30km, khởi phát từ sơn hệ Hoành Sơn với hai nguồn chính là khe Đen, xã Quảng Hợp và khe Thai ở xã Quảng Kim (huyện Quảng Trạch).

Thông tin về sông Loan khá ít ỏi, chúng tôi tìm gặp nhà nghiên cứu lịch sử-văn hóa Quảng Bình, TS Nguyễn Khắc Thái. Ông chia sẻ, nếu sông Gianh hùng vĩ đi ngang qua lịch sử vùng đất Quảng Bình thì sông Loan như một cánh cửa dưới chân đèo Ngang tạo thành khung cảnh hữu tình, hữu ý. Tuy nhỏ hẹp nhưng sông là nhân chứng cho những thăng trầm của lịch sử thời cuộc, nơi diễn ra không ít khói lửa, binh đao trong hành trình mở cõi về phía nam của người dân đất Việt. Đặc biệt, sông Loan nằm dưới chân đèo Ngang tạo nên thế quân sự hiểm trở bởi như vừa thành cao, hào sâu để các bậc hào kiệt xưa mở cõi hoặc trấn giữ vùng đất phên dậu phía nam đất nước phong kiến xưa.

Với người dân địa phương sống ở đầu nguồn sông, họ tin rằng, sông Loan bắt nguồn từ đỉnh núi Phượng (ngọn núi cao nhất trên dãy Hoành Sơn), dòng chính chạy theo hướng đông nam qua các xã Quảng Hợp, Quảng Kim đến Quảng Châu thì gấp khúc chuyển hướng tây bắc qua các xã Quảng Tùng, Quảng Phú rồi đổ ra biển thông qua cửa Roòn. Trong cuốn “Ô châu cận lục”, tác giả Dương Văn An từng miêu tả: “Núi Hoành Sơn ở Châu Bố Chính gần xã Sơn Tiêu, tiếp giáp với Nghệ An. Núi này chạy dài từ núi tổ, thế như rồng cuốn hổ ngồi, trùng trùng điệp điệp kéo mãi ra đến tận biển. Vách đứng cao vạn nhận (cứ 8 thước là 1 nhận) nom giống như bức tường thành, án ngữ cả một vùng phương Nam”. Sông Loan nhìn từ núi Phượng tựa như một con rồng uốn lượn khắp dải phù sa, cảnh sắc sông núi đẹp như một bức tranh thủy mạc. Vì vậy, người dân xứ Roòn (cụm xã ở vùng bắc Quảng Bình, dưới chân dãy Hoành Sơn) thường nhắc đến cụm từ sông Loan, núi Phượng để tự hào về quê hương mình.

Trên lưu vực sông Loan, có một công trình thủy lợi cực kỳ quan trọng đối với người dân vùng bắc Quảng Bình. Đó là hồ thủy lợi Vực Tròn, thuộc xã Quảng Hợp. Những năm 80 của thế kỷ trước, hàng vạn người dân huyện Quảng Trạch được huy động để xây dựng công trình thủy lợi với dung tích hơn 50 triệu m3 và được coi là bể chứa nước của sông Loan, phục vụ tưới tiêu nông nghiệp cho cả khu vực hạ nguồn rộng lớn của huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn. Sau này, để ứng phó chủ động hơn với các trận hạn hán lịch sử, ngay khu vực sông Loan, tỉnh Quảng Bình còn xây dựng thêm các hồ chứa nước lớn như Tiên Lang, Trung Thuần và Sông Thai. Dòng sông này trở thành nơi tạo nguồn của rất nhiều hồ thủy lợi ở Quảng Bình. Vì thế, sông quanh năm đầy nước, quyện một mầu xanh ngắt, lặng lẽ về xuôi rồi hòa vào lòng biển cả.

Dù không dài, không rộng, không tích tụ, bồi đắp nên những dải đồng bằng trù phú như hệ thống sông Nhật Lệ, sông Gianh nhưng dòng chảy của sông Loan vẫn chất chứa bao hương vị, tạo những sản vật lưu danh đã nuôi sống bao thế hệ người xứ Roòn. Theo người dân địa phương, trước khi chuyển hướng đổ ra biển, sông Loan đi qua các xã Quảng Tùng, Quảng Phú gặp dòng nước mặn từ Biển Đông theo thủy triều dâng lên. Sự giao hòa giữa dòng nước tinh khiết từ mạch Hoành Sơn và vị mặn mòi của biển tạo thành nơi cư ngụ của nhiều loại sản vật nước lợ như hàu, sò, tôm, cua, cá. Đặc biệt, đoạn sông này còn có nhiều sò huyết - loài thủy sản thượng hạng. Tích xưa kể lại rằng, vào những năm được mùa sò huyết, các thuyền buôn thường ghé cửa Roòn thu mua để cống tiến vua chúa, quan lại triều đình. Dân vùng Roòn vì thế vẫn gọi đây là loại “sò huyết tiến vua” ...

Mưu sinh trên sông

Chớm đông nhưng trời vẫn hanh nắng, gió heo may thổi. Mới 9 giờ sáng mà các bãi bồi sông Loan, đoạn qua xã Quảng Châu, huyện Quảng Trạch có nhiều phụ nữ đến cạy hàu, bắt cua, cào si si (loài nhuyễn thể gần giống sò huyết)... Trong nhiều nghề đánh bắt thủy sản trên sông Loan, những người phụ nữ nghèo thường chọn nghề cạy hàu, cào si si trên các bãi đá ngầm và bãi bồi để mưu sinh. Công việc này không tốn tiền mua ngư lưới cụ mà chỉ đòi hỏi sự chịu khó, nhẫn nại để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Nghề cạy hàu, cào si si gắn liền với chu kỳ con nước thủy triều. Vì vậy, cứ nước ròng là họ đều có mặt bất kể đó là lúc sáng sớm, trưa nắng gắt hoặc đang đêm.

Gần trưa, chị Đàm Thị Hiền ở thôn Trung Minh, xã Quảng Châu mới chỉ cào được chừng 5 lon si si đựng trong cái thùng sơn nhỏ. “Chừng này bán chắc chưa được 100 nghìn, phải ráng thêm chút nữa. Nghề này xem có vẻ nhẹ nhàng nhưng cũng vất vả lắm. Chúng tôi phải cào hết lớp bùn này đến lớp bùn khác đến rạc cả tay nhưng không phải lúc nào cũng tìm được con si si”, chị Hiền trải lòng.

Giữa bãi bồi lòng sông, bóng chị Hiền nhỏ nhoi tựa như cây nấm giữa nắng trưa. Mỗi lần cào được ít con si si trong lớp bùn, khuôn mặt khắc khổ, rám nắng của chị lại thêm tươi tắn.

Hơn 30 năm làm nghề đánh bắt thủy sản trên sông Loan, tuy không giàu có nhưng cuộc sống của gia đình bà Đàm Thị Tình ở xã Quảng Châu cũng khá ổn định. Ngoài cạy hàu, cào si si, mò sò huyết là công việc hằng ngày nơi bến sông, bãi bồi, bà Tình còn đầu tư một giàn rớ để bắt cá, tôm. Bà Tình cho biết, trước đây mỗi ngày với giàn rớ trước cửa nhà, gia đình bà cũng thu được cả chục kg cá, tôm các loại, có ngày may mắn, bắt được cá to, bán được tiền triệu. Nhưng bây giờ cũng chỉ kiếm được vài trăm nghìn đồng, đủ cho gia đình chi tiêu trong ngày. Từ chỗ “sống khỏe” với nghề đánh cá trên sông Loan, đến nay, cuộc sống gắn liền với sông nước của người dân nơi đây dần trở nên chật vật. Theo bà Tình, điều đó là do nguồn lợi thủy sản trên sông Loan ngày càng cạn kiệt bởi cách đánh bắt trái phép bằng xung điện và nhiều nguyên nhân khác.

Chúng tôi hỏi bà Tình về chuyện bắt sò huyết - món đặc sản xứ Roòn. Bà Tình bảo, quê ở xã Quảng Châu, lớn lên nhờ dòng nước sông Loan nên từ thuở nhỏ, những đặc sản trên dòng sông này đều gắn bó cùng tuổi thơ của bà. Ngày xưa, con sò huyết sống dày đặc trên sông Loan ở đoạn giao thoa hai luồng nước mặn-ngọt, người dân thường bắt sò huyết rồi bóc ra ăn sống ngay tại chỗ. Bây giờ, sò huyết tự nhiên sông Loan chỉ có vào mùa hè, khoảng giữa tháng 4 đến tháng 5 và không phải năm nào cũng có. Kể cả vào mùa cũng không bắt được nhiều do thứ đặc sản này đang cạn kiệt dần.

Cô cán bộ Hội Phụ nữ xã Quảng Châu đi cùng quay sang hỏi chúng tôi: “Các anh biết vì răng sò huyết sông Loan ngon mà tương truyền là đặc sản tiến vua không?”. Tôi chỉ ậm ừ cho qua chuyện. “Sò huyết sông Loan nổi tiếng ở Quảng Bình này là do có vị ngọt như “ngậm” cả sự ngọt ngào của nước sông Loan lẫn vị đậm đà của biển cả”, cô giải thích với khuôn mặt tươi vui. Mà có khi đúng thật, sò huyết là món hải sản bán nhiều nơi ở Quảng Bình nhưng nghe nói không đâu ngon như sò huyết bắt ở sông Loan và phải ăn ở thị xã Ba Đồn, do chính tay người vùng Roòn chế biến nữa mới chính hiệu!

Ngược thượng nguồn sông Loan, chúng tôi được giới thiệu thêm một đặc sản “cháy lưỡi” đó là rượu Quảng Châu. Chị Đàm Thị Hồng Hợi, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Quảng Châu kể, nghề nấu rượu ở đây chẳng biết có từ bao giờ và điều thú vị là khắp vùng Roòn đều có nấu rượu nhưng không nơi nào ngon bằng rượu Quảng Châu - làng nằm đúng chỗ sông Loan gấp khúc trước khi đổ ra biển. Anh Đàm Thanh Hiền, Chủ nhiệm HTX rượu Châu Tiến, xã Quảng Châu chia sẻ, rượu được nấu ở thôn Tiền Tiến ven sông Loan là ngon hơn cả. Nhiều người ở địa phương khác cũng thường lên đây chở nước về nấu rượu, nhất là dịp gần Tết cổ truyền. Anh Đàm Thanh Hiền nói thêm rằng, nếu ai đến xứ Roòn, theo thuyền ngược theo dòng Loan, nếm rượu Quảng Châu cùng với đĩa hàu sữa, mớ cá sông vừa cất rớ hẳn sẽ có cảm giác bung biêng trong cảnh vật và dư vị cuộc sống ven bờ sông Loan chắc hẳn khó mà quên được.

Qua bao biến thiên của thời cuộc, bên mái Hoành Sơn hùng vĩ, dòng Loan vẫn một mầu xanh biếc, lúc nhẹ nhàng uốn lượn, khi mạnh mẽ gấp khúc qua các làng quê yên bình, ôm ấp và hun đúc nên những làng quê văn vật, trù phú bên sông.