Biến nguy thành cơ

Nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế đến nay đều đưa ra nhận định khá ảm đạm về tương lai phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong năm nay. Những biến động về địa-chính trị thế giới như xung đột, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại cũng như lạm phát tại nhiều nước gia tăng sẽ là những thách thức của năm 2023, song đó cũng chính là những khó khăn phải vượt qua để đưa nền kinh tế toàn cầu trở lại quỹ đạo tăng trưởng.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: ADAM
Biếm họa: ADAM

CNN dẫn nhận định của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva đưa ra ngày 17/1 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2023 đang diễn ra ở thành phố Davos (Thụy Sĩ) cho biết, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chạm đáy, ở mức 2,7% trong năm 2023, rồi phục hồi vào năm tới. Bà Georgieva nêu rõ, IMF sẽ không còn phải tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng trong năm 2023, dù rằng kinh tế thế giới sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2023, giảm từ mức 3,2% năm ngoái xuống còn 2,7% trong năm nay. Sau khi chạm đáy, kinh tế thế giới sẽ phục hồi vào năm 2024.

Kể từ tháng 10/2021 đến nay, IMF đã có ba lần điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tổng Giám đốc IMF Georgieva nêu ra ba thách thức lớn đối với kinh tế thế giới, đó là cuộc xung đột Nga-Ukraine, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và lãi suất cao ở mức chưa từng thấy trong nhiều thập kỷ. Theo đó, thế giới cần điều chỉnh để bảo đảm nguồn cung “một cách thông minh”.

Về khả năng các ngân hàng trung ương giảm lãi suất, bà Georgieva cho rằng, chưa đến thời điểm đó bởi lạm phát đang chậm lại nhưng vẫn ở mức tương đối cao. Người đứng đầu IMF cũng cảnh báo các ngân hàng trung ương không nên giảm lãi suất quá sớm.

Theo các số liệu chính thức được công bố tuần trước, lạm phát của Mỹ trong tháng 12/2022 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021, trong khi lạm phát của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) giảm tháng thứ hai liên tiếp. Còn theo kết quả khảo sát do công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) công bố ngày 16/1, niềm tin của các doanh nghiệp về triển vọng tăng trưởng đã giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2008 do lạm phát gia tăng, biến động kinh tế vĩ mô và xung đột địa-chính trị.

Theo PwC, khoảng 73% Tổng Giám đốc điều hành (CEO) các doanh nghiệp trên khắp thế giới cho rằng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm trong 12 tháng tới. Điều này cho thấy niềm tin của doanh nghiệp giảm mạnh nhất từ khi PwC bắt đầu tiến hành cuộc khảo sát này cách đây hơn một thập kỷ, khác hẳn so triển vọng lạc quan đối với năm 2021 và 2022. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy 60% CEO các doanh nghiệp không có kế hoạch giảm số lượng nhân viên trong 12 tháng tới, trong khi 80% không có kế hoạch cắt giảm tiền thưởng cho nhân viên để giữ chân nhân tài và giảm thiểu tỷ lệ tiêu hao lực lượng lao động.

PwC cho biết thêm, gần 40% trong số hơn 4.400 CEO các doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết, doanh nghiệp của họ sẽ không thể phát triển về mặt kinh tế trong thập kỷ tới nếu họ không đổi mới và chuyển đổi với tốc độ nhanh hơn. Theo PwC, khoảng 50% số CEO các doanh nghiệp cho biết họ đang giảm chi phí hoạt động, 51% đang tăng giá sản phẩm và 48% đang đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ. Theo khảo sát, rủi ro khí hậu không còn được coi là rủi ro ngắn hạn đáng chú ý trong 12 tháng tới so các rủi ro toàn cầu khác.

Phát biểu ý kiến bên lề Hội nghị WEF, Chủ tịch toàn cầu của PwC, Bob Moritz cho rằng, những doanh nghiệp hoạt động tốt trong năm 2022 có thể sẽ chứng kiến một năm nhiều thách thức hơn phía trước. Trong khi đó, kết quả cuộc khảo sát do các chuyên gia của WEF thực hiện cũng cho thấy, hơn 60% các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong lĩnh vực công và tư đều dự báo suy thoái kinh tế toàn cầu trong năm 2023.

Trước thềm WEF 2023, IMF cảnh báo tình trạng phân mảnh nghiêm trọng của nền kinh tế toàn cầu sau nhiều biến động có thể làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu tới 7%, thậm chí 8-12% ở một số nền kinh tế. Do đó, bên cạnh giải quyết các thách thức chung thì các quốc gia trên thế giới cũng cần đẩy mạnh hợp tác hơn nữa nhằm “biến nguy thành cơ”, giúp kinh tế toàn cầu trở lại quỹ đạo phát triển ổn định.