Mô hình nhóm đến lúc phải được thay đổi
- Mục tiêu ban đầu của nhóm là gây dựng và phát triển một tinh thần cộng đồng mới trong giới điêu khắc, đồng thời đưa nghệ thuật điêu khắc đến gần hơn nữa với đại chúng. Nhóm ĐKHNSG đã được khởi sự như thế nào, thưa anh?
- Năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm Ngày giải phóng miền nam, TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên tổ chức trại điêu khắc quốc tế ở Công viên Gia Định và tôi có dịp gặp gỡ với nhà điêu khắc Đào Châu Hải (Hà Nội). Hai chúng tôi cũng đã nói với nhau về việc nên có một triển lãm chung của các nhà điêu khắc hai thành phố. Nhưng sau trại, mọi chuyện cũng bẵng đi. Đến năm 2009, khi một nhóm điêu khắc TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội dự Đại hội Hội Mỹ thuật Việt Nam, gặp lại anh Hải và nhóm điêu khắc Hà Nội, lần này thì bàn tới luôn (cười). Cũng phải nói thêm là chúng tôi chưa bao giờ nhận là đại diện cho giới điêu khắc ở hai thành phố mà chỉ là một nhóm nghệ sĩ có cùng niềm vui công việc với nhau, cùng muốn làm với nhau một cái gì đó ý nghĩa hơn cho nghề nghiệp của mình.
- Thực tế trong nước cũng đã và đang có các mô hình triển lãm, hoạt động điêu khắc quốc tế và trong nước diễn ra khắp nơi. Phải chăng những mô hình đó còn thiếu hụt nhiều điều kiện tương ứng với mong muốn hoạt động nghề nghiệp của các anh?
- Ngoại trừ một, hai nơi, hầu hết các mô hình đó đều có nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước, với những khúc mắc khó nói cho nghệ sĩ chúng tôi. Tôi cũng là người tham gia nhiều trại điêu khắc ở cả trong và ngoài nước, nên tôi rất hiểu. Chính vì thế, chúng tôi muốn thử vận hành một mô hình sinh hoạt nghề nghiệp độc lập hơn, hướng đến sự học hỏi và phát triển nghề nghiệp của nhau một cách rõ ràng hơn. Tuy nhiên, phải nói là việc nghệ sĩ tự đứng ra tổ chức triển lãm cho mình cũng chỉ là vạn bất đắc dĩ mà thôi...
- Sau bốn lần diễn ra ĐKHNSG, anh có thể có một tổng kết tạm thời về tác động tích cực của hoạt động này đến nhận thức và sự phát triển nghề nghiệp của các thành viên trong nhóm?
- Tôi nói từ cá nhân mình thôi nhé. Phải nói là học được rất nhiều. Trước tiên là quan sát được những ưu thế của nghệ sĩ Hà Nội, như họ làm việc chuyên cần, trong khi nghệ sĩ TP Hồ Chí Minh thường bùng nổ nhưng không được bền bỉ. Các nghệ sĩ Hà Nội thường dành cho tác phẩm rất nhiều lý trí, sự suy tưởng, hàm nghĩa sâu sắc... trong khi người Sài Gòn lại thường làm nghệ thuật dựa nhiều vào cảm xúc, nên sáng tác cũng có sự đa dạng về sắc thái... Trước đây, tôi thấy là nghệ sĩ Hà Nội thường khá khép kín trong việc gây dựng quan hệ cho tác phẩm của mình với môi cảnh bên ngoài xưởng làm việc, ngược lại với sự cởi mở, thúc đẩy tác phẩm trong tương quan quan hệ với bên ngoài như chúng tôi. Nhưng nay, các nghệ sĩ Hà Nội đã rất năng động trong việc này, trẻ trung, tìm kiếm sự giao lưu giữa điêu khắc với không gian kiến trúc, không gian mới… trong khi phía nam dường như có sự chững lại. Cá nhân tôi vẫn nghĩ sau những triển lãm như thế này, hy vọng là nghệ sĩ từ hai thành phố có sự cân bằng giữa các ưu thế của hai nơi, được vậy thì quả rất thú vị.
- Lần triển lãm thứ tư này, ĐKHNSG có số lượng thành viên đông đảo nhất với một số gương mặt rất trẻ. Nhưng sự đông đảo này có vẻ như dự báo cho việc đến lúc phải chuyển đổi mô hình hoạt động của nhóm, bởi việc tự vận hành của một nhóm quá đông thành viên cũng rất khó kiểm soát. Anh suy nghĩ thế nào về điều này?
- Không sai. Trong nội bộ nhóm chúng tôi cũng đã nhận ra đến lúc phải thay đổi. Như tôi đã nói, việc nghệ sĩ tự đứng ra tổ chức triển lãm cho mình chỉ là vạn bất đắc dĩ. Chúng tôi đang tính đến một bước phát triển mới theo hướng một biennale điêu khắc tầm mức khu vực và quốc tế, chứ không dừng lại là một phiên triển lãm định kỳ của nhóm như hiện nay. Để làm được như vậy, sẽ phải có một đơn vị tổ chức trung lập, với giám tuyển chuyên nghiệp. Trong phiên triển lãm 2018 tại TP Hồ Chí Minh tới đây, chúng tôi sẽ bắt đầu chuyển đổi theo mô hình này. Còn nếu không thay đổi, cũng sẽ chẳng thoát được cái gọi là hình thức hoạt động phong trào, thứ mà chúng tôi từng muốn tránh.
Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn là giảng viên Đại học Kiến trúc TP Hồ Chí Minh. Anh đã có một triển lãm cá nhân (năm 2010) lấy cảm hứng từ hạt lúa quê hương đồng bằng sông Cửu Long, và nhiều lần tham gia các trại sáng tác điêu khắc quốc tế trong và ngoài nước. |
Nghệ sĩ nên tự bền bỉ với sáng tạo
- Tuy chưa có được một thị trường mỹ thuật nội địa đúng nghĩa nhưng để làm một phép so sánh bề mặt, hội họa Việt Nam vẫn có giao dịch mua bán mạnh hơn điêu khắc rất nhiều lần. Hoàn cảnh này tác động như thế nào đến tâm lý một người sáng tác điêu khắc như anh?
- Thú thực là từ trước đến nay, số sáng tác điêu khắc của tôi bán được không đáng kể gì so với số lượng “tồn kho”. Nhưng tôi nghĩ hoàn cảnh này không có tác động gì nghiêm trọng cả. Tôi cũng có những chuyến tham gia trại điêu khắc quốc tế ở nước ngoài, thấy là ngay cả ở những nước phát triển, không phải nghệ sĩ nào cũng sống được bằng nghề đâu, chẳng qua do mặt bằng xã hội chung của họ tốt hơn nước mình nên cảm thấy họ sống ung dung hơn mà thôi.
Về thị trường thì tôi nghĩ cách hay nhất là chính nghệ sĩ tạo nên thị trường cho mình, bằng cách làm việc thật tốt, bền bỉ với tình yêu nghề của chính mình, rồi mọi cái sẽ đến tự nhiên.
- Có thể hiểu điều anh vừa nói: Nghệ sĩ tự tạo nên thị trường cho chính mình, như thế nào được nhỉ?
- Nếu có thể so sánh, phải nói là thị trường của hội họa Việt Nam từng phát triển quá nhanh một cách bất thường và nay, hậu quả là sự đóng băng, mất giá thì ai cũng thấy rõ. Đó là một thị trường mà họa sĩ bị lệ thuộc. Còn điều tôi vừa nói, thì có thể hiểu đó là một thị trường mà ở đó, mọi mối quan hệ đều đến tự nhiên, và nghệ sĩ không bị mất quyền chủ động trên mọi phương diện. Chính vì thế, cứ bình tĩnh thôi!
- Nghệ sĩ điêu khắc ở Việt Nam nhìn chung đều phải làm rất nhiều nghề để có thể tự nuôi sống mình cũng như sự sáng tạo của mình. Chính vì thế, thật khó để có thể cứ “bình tĩnh sống”, nhất là với lớp trẻ hiện nay?
- Đúng vậy, nhưng nếu mình đã lựa chọn thì mình phải chấp nhận (cười). Thực tế là ở TP Hồ Chí Minh, lớp nghệ sĩ điêu khắc trẻ cũng dễ kiếm được các công việc, tạm gọi là việc làm ăn, kiếm sống liên quan đến nghề nghiệp, hơn so với ngoài Hà Nội. Thuận lợi là thế về mặt thực tiễn nhưng họ lại dễ bị cuốn theo việc làm ăn, xao lãng việc sáng tạo. Chính vì thế, tôi vẫn nghĩ tất cả là do sự bền bỉ của nghệ sĩ với nghề nghiệp thôi, không dựa vào lý do ngoại cảnh nào khác cả.
- Trong quan sát của cá nhân anh, thế hệ trẻ có gì để anh hy vọng?
- Tôi thấy rõ nhất là họ ý thức được về một nghệ sĩ điêu khắc thời đại mới này không chỉ thuần túy giỏi kỹ năng mà phải có một tri thức đầy đủ về xã hội, con người, sự phát triển của kiến trúc, không gian sống, nguyên vật liệu mới… Bạn thấy đấy, trong xu hướng nghệ thuật điêu khắc ngày càng vươn ra khỏi không gian trong nhà, sa-lon, tương ứng với các công trình xây dựng hiện đại hơn, nếu nghệ sĩ không ý thức được xu hướng vận động chung của nghề nghiệp để tự cải thiện trình độ của mình thì đến một lúc nào đó, lại bị mất vị thế ngay trên chính sân nhà.
- Chân thành cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!