Bất đồng tiếp diễn

Chính phủ Pháp đã vượt qua hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, song vẫn đối mặt khó khăn do làn sóng biểu tình liên quan cải cách chế độ hưu trí đang diễn ra tại nhiều thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: MARIAN KAMENSKY
Biếm họa: MARIAN KAMENSKY

Tuần trước, sau khi Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne thông báo chính phủ sẽ thực hiện kế hoạch cải cách chế độ hưu trí mà không cần Quốc hội bỏ phiếu thông qua, phe đối lập đã đệ trình hai kiến nghị bất tín nhiệm chính phủ. Ngày 20/3, Hạ viện Pháp đã bác bỏ kiến nghị đầu tiên do liên minh LIOT trung dung đưa ra và được cánh tả ủng hộ, với chênh lệch chỉ 9 phiếu. Sau đó, kiến nghị thứ hai do đảng cực hữu National Rally đưa ra cũng bị bác bỏ với số phiếu áp đảo, theo đó chỉ có 94 phiếu ủng hộ bất tín nhiệm trong tổng số 577 nghị sĩ hạ viện.

Việc hai kiến nghị đều bị bác bỏ đồng nghĩa kế hoạch cải cách chế độ hưu trí của Chính phủ Pháp đã được cơ quan lập pháp thông qua. Tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã công bố chi tiết kế hoạch cải cách chế độ hưu trí, theo đó tuổi nghỉ hưu nâng từ 62 lên 64 tuổi vào năm 2030, cũng như áp dụng một cơ chế lương hưu tối thiểu. Cũng theo kế hoạch này, từ năm 2027, người lao động sẽ phải làm việc ít nhất 43 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu đầy đủ. Chính phủ Pháp khẳng định cải cách hưu trí là cần thiết để tránh đẩy hệ thống lương hưu trượt sâu vào tình trạng thâm hụt, đưa độ tuổi nghỉ hưu tại Pháp lên mức tương ứng với các nước láng giềng ở châu Âu.

Tổng thống Emmanuel Macron đã đưa vấn đề cải cách hưu trí vào trung tâm chiến dịch tái tranh cử năm 2022. Tuy nhiên, đảng cầm quyền đã đánh mất thế đa số tại Quốc hội hồi tháng 6/2022 sau cuộc bầu cử. Vì vậy, Chính phủ Pháp đã viện tới Điều khoản 49.3 trong Hiến pháp để thúc đẩy dự luật, do lo ngại không đủ phiếu ủng hộ tại Hạ viện. Động thái trên đã vấp phải sự phản đối và dẫn tới nhiều cuộc biểu tình, gây ra một trong những thách thức lớn nhất với Tổng thống Macron sau chưa đầy một năm đảm nhận nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai.

Sau các cuộc bỏ phiếu trên, các cuộc biểu tình tự phát đã nổ ra tại trung tâm Thủ đô Paris cũng như ở các thành phố khác của Pháp, trong đó có Dijon, Strasbourg và Rennes. Những người phản đối cải cách cho rằng, việc này đặt gánh nặng không công bằng lên những người có thu nhập thấp, phụ nữ và lao động phổ thông. Theo hãng tin Reuters, lực lượng cảnh sát đã phải bắn hơi cay để giải tán người biểu tình tại Quảng trường Concorde ở Paris, nơi tập trung khoảng 7.000 người vào cuối tuần qua, trong đó nhiều người đã ném đá vào cảnh sát. Ngoài Thủ đô Paris, tại nhiều nơi khác trên khắp nước Pháp, người biểu tình cũng tập trung để phản đối chương trình cải cách chế độ hưu trí. Cảnh sát Pháp cho biết, tại Paris đã có 101 người bị bắt giữ trong các cuộc xung đột giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh.

Ngoài ra, các nghiệp đoàn đã kêu gọi một đợt đình công và biểu tình mới vào ngày 23/3. Dự báo sự kiện này sẽ khiến hệ thống giao thông công cộng lại bị đình trệ ở một số khu vực của nước Pháp. Trước đó, cuộc đình công liên tục của công nhân thu gom rác ở Paris khiến rác thải bị tồn đọng ở Thủ đô. Việc vận chuyển các sản phẩm từ các cơ sở lọc dầu chính của tập đoàn dầu khí TotalEnergies tại Pháp đã bị ngưng trệ khi cuộc đình công ở các cơ sở này đã bước sang ngày thứ 13. Một số cơ sở lọc dầu đã phải giảm công suất hoạt động. Thống kê cho thấy, khoảng 39% số lao động làm việc tại các nhà máy lọc dầu và kho hàng của TotalEnergies đã tham gia đình công trong ngày 20/3.

Làn sóng phản đối kế hoạch cải cách hưu trí cho thấy, dù Chính phủ Pháp đã vượt qua “cửa ải” khó khăn sau hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Hạ viện thì bất ổn vẫn còn ở phía trước. Tỷ lệ lạm phát dự báo đạt đỉnh trong những tháng tới và giá cả leo thang đang ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống người dân nước này. Các cuộc thăm dò được tiến hành trong những tuần gần đây cho thấy khoảng 70% số người được hỏi phản đối kế hoạch gây tranh cãi này.