Loay hoay những ngày giải cứu

Kỳ 2: Nông sản kêu cứu

Cải Đông Dư đã đến lúc thu hoạch nhưng không được giá.
Cải Đông Dư đã đến lúc thu hoạch nhưng không được giá.

“Năm nay thời tiết thuận lợi, rau lên đẹp thế mà từ chiều 30 Tết củ cải, su hào, dưa muối rẻ như bèo tây, chả còn bụng dạ nào ăn Tết”, chị Nguyễn Thị Thao, người dân thôn Tráng Việt (Mê Linh, Hà Nội) thở dài. Cải Đông Dư của chị trồng bốn tháng mới được thu nhưng giá rẻ, bán mấy sào cải chẳng đủ tiền đóng học cho con.

Tiền bán rau không bù nổi tiền công

Trên thửa ruộng rau xanh mướt đang độ thu hoạch, chị Thao cắm cúi cắt cải, cắt đến đâu thì úp thân cải xuống đến đấy, cả luống đều tăm tắp, bẹ cải mỡ màng, đẹp mã. “Hôm kia thuê ba người cắt, hết 450 nghìn đồng một buổi chiều, bán được 800 nghìn đồng. Thế nhưng bây giờ vẫn phải cắt chứ làm thế nào. Chỗ cải này hai sào rưỡi, 12 nghìn một túi bán buôn cho ô-tô thì được bao nhiêu tiền”, chị thở dài.

Hai vợ chồng chị Thao trồng cả thảy tám sào cải Đông Dư, mọi năm cứ ra Tết rau cải này rất được giá, lượng tiêu thụ khá lớn do ngoài chế biến rau tươi, cải này còn có thể muối dưa, vừa là món ăn được ưa chuộng, vừa bảo quản được lâu hơn. Thế nhưng vụ năm nay chị não nề trông ra ruộng “xuống vài nghìn cây cả vụ Tết mới bán được mấy trăm cây”. Rau củ đã đến lúc thu hoạch rồi thì ngày nào cũng phải cắt, cho dù là không bán được hay không được giá. Cũng không phải để phí rau, chị đã nhắn cho họ hàng, người quen đầu năm ra ruộng lấy về muối dưa ăn dần, cùng với nhờ vả những chỗ người quen, cùng cảnh đi buôn trước đây cho gửi nhờ hàng xem có bán hộ được mấy đồng, cho dù có thất thu thì cũng không làm gì khác được.

Năm ngoái cũng trên chính thửa ruộng này, gia đình chị gieo cải ngọt, sau cũng phải “phang hết” vì giá chỉ được 200 đồng một kg. Sau vụ đông thất bát đó, chị tính toán vụ đông năm nay gieo cải Đông Dư, trồng su hào, mong được giá rồi cũng không thành. “800 nghìn đồng sào su hào này là thu nhập hai tháng rưỡi, 70 ngày mới được chặt. Cấy cái ruộng này su hào mua hết triệu hai tiền cây con, chưa kể tiền công tiền thuốc, không cắt thì không làm được ruộng, vụ sau còn chưa biết làm cái gì bây giờ”, chị buồn bã nhìn những củ su hào còi, nứt rám vẫn lăn lóc đầy đồng. “Chả có gì chỉ có mỗi cải Đông Dư với lại su hào này thôi.  Hai đứa con từ tối hôm qua đang bảo là mẹ cho con tiền đóng học, đứa sáu triệu, một đứa ba triệu rưỡi, một đứa đại học năm thứ nhất, một đứa lớp 11. Thôi thế này thì bán cải chả đủ tiền đóng học cho con”, đang dở câu chuyện thì cậu con trai lớn của chị chạy ra xin tiền mẹ đổ xăng xe. Chị bảo con cứ về trước, không quên dặn cậu xách hai cây cải về luộc chuẩn bị cơm trưa. Người phụ nữ mới chỉ ngoài 40 nhưng lam lũ nên nước da sạm lại, quay sang tôi nói: “Vẫn phải động viên con, bảo là mày cố đợi mẹ bán hết cải mẹ sẽ cho mày tiền đóng học”.

Nhìn sang ruộng bên cạnh, su hào đã được thu lại thành từng túi, mỗi túi 20 củ, giá bán lẻ tận vườn chỉ có 5 nghìn đồng, vừa bán vừa cho. Hàng trăm túi cứ như vậy mà xếp chồng lên nhau dọc bờ ruộng, thương lái vào thu mua cũng chỉ trả được đến vài trăm nghìn đồng một tấn. Anh Trịnh Văn T, thương lái ở xã Tiền Phong, Mê Linh cho biết, xe tải 1,25 tấn của anh chở su hào sang bán ở chợ Văn Quán (Hà Đông) cho những tiểu thương trong chợ, nhưng cũng không dám chắc đã bán được hết vì năm nay được mùa, su hào, bắp cải rẻ như cho.

Cách ruộng của chị Thao không xa là ruộng trồng hành tây của một hộ khác, một nửa ruộng thân hành đã rạp cả xuống, lá héo vàng là dấu hiệu đến lúc hành có thể thu hoạch được. Hành là thứ rau củ có thể bảo quản được thời gian dài hơn, giá đang rẻ thế nhưng vẫn chưa có thương lái đến thu mua. “Thu được mà chưa có người mua!”, bà Xuân đang đứng làm đất cạnh đó đáp. Bà cho biết: “Nhà này có năm luống hành đẹp người ta trả 15 triệu đồng mà không bán, hành xấu thì không được thế đâu. Loại này chưa xuống dọc hết, xuống hết còn to nữa. Hành khô đi ve qua cái vỏ là sạch rồi đóng tải. Các đầu mối các nhà buôn lớn đóng đi, các cửa hàng lớn phân phối với nhau. Nhưng tình hình này, hành tây chăm bốn tháng còn có bốn nghìn đồng một kg, người ta còn nhặt lọc lõi từng củ một, còn đâu những cái củ con con sau này bán một nghìn/kg”.

Giáp với thôn Tráng Việt là chợ rau quả Tiền Phong nằm ngay gần khu công nghiệp nên chợ trước đây sầm uất, xe lớn xe nhỏ đi lại thu mua rau củ quả. Nhưng vụ đông năm nay, nông sản tiêu thụ chậm, bà con thương lái cũng lo ngay ngáy xem vào giá nào, tìm thêm nguồn đổ buôn thay cho các nhà hàng, khu công nghiệp. Ai cũng đau đáu một nỗi cung vượt quá cầu làm thị trường rối loạn.

Đại diện huyện Mê Linh cho biết, ước tính diện tích rau các loại vụ đông năm 2020 đang trong giai đoạn thu hoạch khoảng 700 ha, sản lượng khoảng 14.500 tấn. Theo báo cáo của huyện, hiện còn 600 tấn đã đến thời điểm thu hoạch, cần tiêu thụ nhanh. Dự kiến khoảng 15 ngày nữa, người nông dân Mê Linh tiếp tục thu hoạch khoảng 1.000 tấn củ cải, cà chua đưa ra thị trường tiêu thụ. Đây lại là vụ gối, người nông dân không muốn bỏ không đồng ruộng nên tranh thủ trồng thêm.

Loay hoay những ngày giải cứu -0
Nhiều mặt hàng trái cây cũng khó tiêu thụ. 

Nông sản tắc không chỉ ở Hải Dương

Không riêng Hải Dương, địa phương đang oằn mình chống dịch, nhiều vựa nông sản trên cả nước cũng đang than trời. Gần 1.000 tấn rau củ tại tỉnh Lâm Đồng cũng vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh này nhờ các cơ quan, đơn vị tại miền nam “giải cứu”. Ông Nguyễn Công Thừa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng cho biết, do dịch bùng phát cuối năm khiến nhiều nhà hàng, khách sạn tại TP Hồ Chí Minh đóng cửa dài ngày, các tỉnh, thành phố cũng hạn chế việc tiêu thụ nên nông sản đúng mùa thu hoạch ở Lâm Đồng bị ùn ứ. Theo báo cáo chung từ các nhà vườn, số nông sản cần “giải cứu” nhanh trong đợt này chủ yếu là bắp cải, cải thảo, cà chua… Mọi năm, cứ gần Tết thương lái đều chủ động đến liên hệ nhà vườn thu mua nông sản với giá khá cao. Năm nay, sát Tết, thậm chí ra Tết đợi hoài chẳng thấy ai, nhiều nhà vườn như ngồi trên đống lửa. Số rau củ tồn đọng chủ yếu nằm tại các vườn cá nhân, trong khi đó đầu ra nông sản, đặc biệt nông sản sạch tại các hợp tác xã tương đối ổn định.

Các nhà vườn ở huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai) cũng đang loay hoay với 250 tấn bưởi đào chưa có người mua. Ông Ngô Xuân Chinh, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, cho biết: “Mọi năm dịp cận Tết Nguyên đán và gần rằm tháng Giêng âm lịch, nhà vườn tại huyện Cẩm Mỹ luôn háo hức đợi thương lái tới mua. Thế nhưng năm nay do dịch bệnh, sau rằm tháng Giêng, bưởi vẫn đầy vườn, quá vụ. Nếu không thu hoạch kịp, không cắt bưởi khỏi cây thì chẳng những thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng chất lượng, năng suất vụ sau.

Theo đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ, có doanh nghiệp đặt hàng 100 tấn bưởi nhưng chưa chốt ngày thu hoạch. Bình thường, giá bán tại vườn của bưởi đào Cẩm Mỹ dao động từ 18 - 22 nghìn đồng/kg tùy thời điểm nhưng năm nay thương lái không thu mua, bưởi chỉ được bán với giá “giải cứu” tám nghìn đồng/kg. “Năm nay dịch bùng phát cận Tết nên bà con khá bị động, thương lái không đến thu mua chứ mọi năm cận Tết đã bán được khá nhiều và chậm nhất là gần rằm tháng Giêng sẽ tiêu thụ hết. Hiện tại, một số thương lái khi nghe “giải cứu” có liên hệ với các nhà vườn nhưng chủ yếu thương thảo, đặt đơn chứ chưa thu hoạch nhiều”, đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Mỹ cho biết thêm.

Nhiều mặt hàng trái cây tại miền Tây, rau củ ở Đắk Lắk cũng đang rơi vào tình trạng rớt giá, khó tiêu thụ do đến vụ thu hoạch chẳng thấy thương lái đâu. Trước Tết Nguyên đán, dưa hấu Ninh Thuận, hoa lay ơn Phú Yên, Gia Lai cũng lắt lay, phần do dịch, phần thương lái ép giá bán cũng chẳng lời.