Nhọc nhằn cào hến miệt Ba Bần

Khi con nước mùa kiệt làm trơ đáy những dòng kênh, bà con miệt đất Ba Bần (An Giang) lại vào mùa cào hến. Hến đầy sân, hến khắp ngõ, hến đầy góc vườn. Mùi hến thơm nức mũi, khói hến quyện làn sương, thịt hến ngọt vị quê nghèo... Con hến đã trở thành kế sinh nhai những lúc nông nhàn và con hến đã mang lại một dư vị quê mà ai đến Ba Bần dẫu chỉ một lần là nhớ mãi.

Anh Lê Văn Hoàng ngụp lặn dưới nước cào những con hến đen óng ánh.
Anh Lê Văn Hoàng ngụp lặn dưới nước cào những con hến đen óng ánh.

1/ Ông mặt trời chưa tỉnh giấc, chúng tôi đã đến Ba Bần (địa danh thuộc vùng nội đồng tứ giác Long Xuyên - địa phần huyện Thoại Sơn, An Giang) để kịp cùng bà con nơi đây chuẩn bị cho chuyến cào hến. Cào hến đã trở thành cái nghiệp mưu sinh của hai, ba thế hệ bà con nơi đây. Nghề bà cậu, sông nước thiên nhiên ưu đãi cho những chuyến cào hến, ốc, cua, vẹm đầy khoang cũng chỉ đủ ngày ba bữa. Sớm mai lại ghe, lại cào, lại lưới, lại sàng cho hàng giờ liền ngâm mình đãi bùn sàng hến.
Ba Bần, cái tên địa danh nghe dung dị, mộc mạc như chính những con người chân chất nơi đây. Tôi dò hỏi mãi về cái tên dung dị ấy, bà con cũng chỉ giải thích giản đơn: Thuở trước, ngay cái ngã ba này cây bần nhiều lắm. Bần bám chặt, xõa tán mát rượi dòng kênh. Bà con nghèo tứ xứ đi ngang tụ ghé. Trên bến dưới thuyền, dần dà thành chợ Ba Bần, rồi xóm Ba Bần đến tận ngày nay. Ba Bần giờ đây là một khu vực sung túc thuộc ngã năm dòng kênh giáp ranh các xã Vĩnh Trạch, Vĩnh Phú (Thoại Sơn), Vĩnh Thành, Vĩnh Nhuận (Châu Thành). Ngã năm ấy nối liền về tuyến kênh Ba Xã, kéo dài tận dòng kênh Chắc Cà Đao. Do cái địa thế đặc biệt ngã ba sông ấy nên nguồn thủy sản nơi đây trước nhiều vô kể.

Vậy mà, dẫu trên đồng lúa nặng quằn bông, dưới sông cá tôm đông nghịt, bà con nơi đây vẫn chỉ đủ ăn, đủ mặc. Gặng hỏi nguồn cơn, cô Nguyễn Thị Ngư, tự Út Ngư, ngụ ấp Trung Phú 1, Vĩnh Phú, Thoại Sơn bảo: “Bà con ở đây phần lớn là người nghèo tứ xứ về tụ hội. Dẫu thiên nhiên ưu đãi, chịu thương chịu khó nhưng thiếu công cụ lao động. Ngày trước mùa nước trắng đồng, chỉ làm gọn lỏn có một mùa lúa thì sao giàu được. Cũng chính vậy, bà con ở đây mới làm nghề cào hến. Cào hến dẫu không dư dả nhưng đi từ sáng đến trưa cũng túc tắc kiếm đủ ba bữa cơm”. Đời cha rồi đến đời con, gia đình cô Út Ngư đã theo nghề cào hến ngót nghét bốn mươi năm, từ những ngày di cư từ thị trấn Phú Hòa vào đây.

2/ Tiếng gà đã gáy, vợ chồng người con trai lớn của cô Út Ngư là anh Lê Văn Hoàng đã lục đục chuẩn bị đồ dùng cho chuyến cào hến. Cùng đi với anh Hoàng là anh Đoàn Văn Giang, đứa em rể thứ út quê Vĩnh Nhuận về đây ở rể cũng đã xong xuôi nào bàn cào, máy ghe, sàng lược... cho chuyến mần ăn. Hôm nay, chuyến đi có thêm chúng tôi, những người mong muốn được trải nghiệm một chuyến đi cào để được hòa mình vào cuộc sống miền sông nước, để hiểu, để trân quý những nhọc nhằn, gian khó của những người lao động chân chất thật thà.

Ba Bần ngày trước, cứ rạng sáng, tiếng í ới gọi nhau cho chuyến giã cào vang vọng khắp đầu xóm, cuối làng. Giờ đây, cái xóm hến chỉ còn lác đác hơn chục ghe bám với nghề. Phần còn lại theo tiếng gọi khu công nghiệp đã chia tay dòng sông, con nước, bùn đen, và những chuyến cào hến thân quen để đi làm công nhân nhà máy.
Trước chuyến đi, hai anh em Hoàng, Giang bàn bạc địa điểm cho chuyến cào. Sau khi thống nhất, các anh quyết định đi cào ở tuyến kênh Ba Xã giáp ranh giữa hai huyện Châu Thành, Thoại Sơn. Đây là tuyến kênh có nhiều hến nhất vùng thời điểm hiện tại nhưng lục bình rất nhiều, gây khó cho việc xúc, đẩy lược và cào hến.
Cùng cào trên tuyến kênh Ba Xã còn có anh Út Lời hàng xóm với anh em Hoàng, Giang. Xuồng rẽ hướng ngược Mương Ba Cối sang dòng kênh Ba Dầu thẳng hướng về Phú Nhuận. Mỗi ghe một khu vực, các anh bắt đầu trầm mình vào dòng nước lạnh ngắt. Giờ đồng hồ chỉ vừa qua con số 6 giờ sáng.

Cào hến là một trong những “nghề bà cậu” thấp nhất trong những nghề liên quan đến sông nước. Nó giản đơn, dung dị và chân chất như con người nơi đây. Chỉ cần sắm sửa bộ bàn cào sắt, nối dài thêm bằng một chiếc sào tầm vông tầm năm thước, bọc quanh là lưới cước ngay vị trí bàn cào là đã được bộ dụng cụ để hành nghề. Ngày trước, hến, vẹm, ốc nhiều nên có người chẳng cần sắm thêm chiếc xuồng, chỉ vác bàn cào, cái bao, cái thùng, cái nia để sàng đất, bùn... là đã có thể mưu sinh. Giờ đây khi các loài thủy sản ngày một ít đi, những chuyến cào hến phải mất độ dăm chục cây số, vô những tuyến kênh xa mới hòng có cái mà cào.

Ba xuồng ba chỗ, anh Hoàng bảo: “Cào hến ít khi đi chung, thường xé lẻ từng khu để cào cho dễ. Với lại, gần gần, phóng cái sào đụng nhau sao cào được”. Nói đoạn, anh phóng vút chiếc bàn cào ra giữa dòng, phụt thẳng xuống đáy kênh. Dòng nước đục ngàu, sình nổi lên đen kịt theo từng nhịp cào của anh Hoàng. Tầm non phút, mẻ cào đầu tiên được anh kéo lên. Rũ lưới, gạt bùn, sàng đất, rác cành lá cây... Tất thảy đổ rào vào chiếc sàng để sàng cho sạch cặn. Những con hến, con vẹm đen bạc óng ánh đổ vào khoang xuồng. Cứ thế, các anh Hoàng, Giang, Lời ngụp lặn, di chuyển chậm dần theo con nước, theo hướng dòng chảy. Cào hến phải đi theo dòng chảy của nước. Ngược hướng thì nặng tay, rất khó để cào. Quả thật, hôm nay, dòng kênh quá nhiều lục bình, phủ gần kín hai phần ba mặt nước khiến việc cào gặp rất nhiều khó khăn.

3/ Cào hến chẳng phải nghề, không phải nghiệp. Nó giản đơn chỉ là cách mưu sinh bằng sức khỏe, sự dẻo dai và tinh thần vượt khó. Ngày trước, những tuyến kênh xẻ ngang, nối dọc vùng sâu nội đồng tứ Giác Long Xuyên này hến nhiều vô kể. Anh Hoàng nhớ lại, thuở bé teo theo cha đi cào, đến tuổi cầm được chiếc cào đi riêng, chỉ dạo đi nửa giờ đồng hồ, xuồng đã đầy. Vậy mà giờ đây hơn hai giờ đồng hồ trầm mình, rộp tay, đuối sức vẫn chỉ non chục ký. Hến đang hết dần và cũng chẳng biết khi nào nơi đây chẳng còn nghề cào hến.
Gần 10 giờ sáng, các anh quyết định rút khỏi kênh Ba Xã, ngược về dòng kênh Sáu Dư để về ngã ba chợ Vĩnh Nhuận (Châu Thành). Đây là tuyến kênh tuy nước sâu nhưng hến sạch, nhiều ốc gạo. Nếu mỗi ký hến sống giá sáu nghìn đồng, hến ruột ba chục nghìn đồng thì ốc gạo dễ bán hơn, lúc hiếm có khi đến bảy - tám nghìn, lúc hơn mười nghìn đồng nên bà con tranh thủ những tuyến kênh có ốc để tăng thêm thu nhập. Dòng kênh rộng, những con sóng của ghe chành, ghe lúa đánh chiếc xuồng máy composit của chúng tôi ngả nghiêng. Anh Hoàng và anh Giang quyết định dừng xuồng đánh vài chục mẻ cào, mong kiếm thêm dăm bảy ký ốc bù thêm xăng dầu cho chuyến cào thất thu hôm nay.

Quá trưa, chúng tôi quyết định ra về. Nắng đã gắt. Cái nắng tháng ba cộng với hơi nước cứ xộc thẳng vào mũi, vào mắt, vào da rát rạt. Sau hơn một giờ đồng hồ qua những dòng kênh, rạch lớn nhỏ, chúng tôi về đến ngã năm Ba Bần.

Chị em phụ nữ trên bến đã chờ tự bao giờ. Tiếng ghe cập bến, tiếng í ới hỏi thăm của anh em đi cào trúng thất ra sao vang vọng xóm làng. Trên bến, dưới thuyền, người xúc hến vào sọt, người đãi sạch bùn, người mang lên bờ để lựa. Không khí của làng hến thật đông vui. Giờ đây là thời gian rảnh rỗi của các anh, người nhấp ngụm cà-phê, người tách trà, người tranh thủ tắm táp sạch sẽ... Còn chị em thì thoăn thoắt lựa hến, vẹm, ốc... ra từng khu vực riêng.

Khói đã tỏa. Những bếp lò đã sáng rực. Nồi nước luộc bốc khói nghi ngút. Những vợt hến đổ vào nồi nghe rào rạo. Chiếc dầm cây đảo mạnh, hến nhát lửa đã mở bung vỏ, ruột trắng phau. Từng chiếc vợt cứ thoăn thoắt vớt lên những ngụm hến thơm nức, ngọt ngon. Làng hến thơm nồng mùi hến mới.