Sự kiện đặc biệt trong quan hệ Việt Nam - Mỹ

Chiều 12-12 vừa qua, tại Hà Nội, Việt Nam và Mỹ đã kỷ niệm 30 năm hợp tác lâu bền nhằm tìm kiếm một cách đầy đủ nhất có thể những người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Đông - Nam Á. Đây không chỉ là cột mốc quan trọng đánh dấu chặng đường hợp tác trong sứ mệnh nhân đạo mà còn góp phần củng cố tình hữu nghị hai nước.

Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn và Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz trao kỷ niệm chương.
Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn và Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz trao kỷ niệm chương.

Lễ kỷ niệm có sự hiện diện của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Quốc Phòng; bà Caryn McCelland, Phó Đại sứ Mỹ tại Việt Nam; Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz, Phó Giám đốc Cơ quan tìm kiếm tù binh và người mất tích thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ (DPAA).

Phát biểu ý kiến trong buổi lễ, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đánh giá sự kiện này đặc biệt có ý nghĩa trong quan hệ Việt Nam - Mỹ: “Kỷ niệm 30 năm hoạt động hỗn hợp kiểm kê người Mỹ mất tích (MIA), chúng ta hướng đến khoảng thời gian quan trọng 2019-2020 chuẩn bị cho kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước. Tôi tin tưởng rằng với nền tảng sâu rộng đã được tạo dựng, quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ sẽ tiếp tục tiến triển mạnh mẽ hơn nữa, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực Ấn Độ Dương, châu Á - Thái Bình Dương và thế giới”.

Ngay cả khi chưa thiết lập lại quan hệ ngoại giao sau chiến tranh, việc hai nước hợp tác tìm kiếm nhân đạo đã thể hiện truyền thống khoan dung, yêu hòa bình của Việt Nam cũng như tinh thần nhân văn “Không ai bị bỏ lại phía sau” của Mỹ. Khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, Cơ quan Việt Nam tìm kiếm người mất tích (VNOSMP) được thành lập với nhiệm vụ tìm kiếm và trao trả hài cốt quân nhân Mỹ mất tích. Năm 1988, Chính phủ Việt Nam cho phép một nhóm chuyên gia DPAA của Mỹ tham gia hoạt động tìm kiếm và khai quật đầu tiên.

Kể từ đó, các nhân viên điều tra, khai quật và khoa học của hai nước đã tham gia 133 đợt hoạt động hỗn hợp. Vào thời điểm kết thúc chiến tranh, 1.973 quân nhân và nhân viên dân sự Mỹ được coi là mất tích ở Việt Nam. Kể từ đó, hài cốt của 726 người đã được xác định và trao trả cho người thân của họ. Hai cơ quan VNOSMP và DPAA vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhằm tìm kiếm 1.247 người còn lại.

Trong buổi lễ, đại diện Chính phủ hai nước đã trao kỷ niệm chương cho các lãnh đạo hai cơ quan, các chuyên viên và những người có đóng góp quan trọng trong công tác tìm kiếm người mất tích của hai cơ quan VNOSMP và DPAA. Chuẩn Đô đốc Jon Kreitz bày tỏ sự cảm ơn chân thành đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam về sự hợp tác hiệu quả liên quan MIA: “Thay mặt Bộ Quốc phòng Mỹ, các cựu chiến binh và các gia đình những người Mỹ mất tích, tôi xin cảm ơn và bày tỏ sự biết ơn chân thành đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam, đặc biệt là VNOSMP trong hơn ba thập kỷ làm việc với Mỹ để bắt đầu, rồi sau đó mở rộng hợp tác nhân đạo để có được thành quả như hôm nay”.

Trả lời phỏng vấn Thời Nay về vai trò của công tác tìm kiếm MIA trong quan hệ hợp tác hai nước thời gian tới, Phó Đại sứ Caryn McCelland khẳng định, những thành quả quan trọng trong công tác tìm kiếm MIA đã góp phần thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn ở một số lĩnh vực khác như xử lý ô nhiễm dioxin, rà phá bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật do chất độc da cam… Ngoài ra, với vai trò cầu nối của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam, hai nước Việt Nam và Mỹ “không chỉ chung tay giải quyết hậu quả sau chiến tranh, những nỗ lực trong công tác nhân đạo này còn đem lại niềm tin và củng cố thêm mối quan hệ chặt chẽ ở những lĩnh vực kinh tế - xã hội khác của hai nước”, bà McCelland khẳng định.