Nâng cấp năng lực vận tải đường thủy

Để phát huy tiềm năng của giao thông thủy, TP Hồ Chí Minh lên kế hoạch xây dựng 5 cảng mới 5 năm tới (giai đoạn 2021 - 2025), góp phần phát huy lợi thế của 1.000 km đường thủy và san sẻ 60% lượng hàng hóa với vận tải đường bộ.

Cảng Cát Lái đang quá tải hàng hóa nhiều năm nay, cần được san sẻ thời gian tới.
Cảng Cát Lái đang quá tải hàng hóa nhiều năm nay, cần được san sẻ thời gian tới.

Cảng hiện hữu quá tải

Là cảng hàng hóa container lớn nhất cả nước, hằng ngày luôn có hàng chục nghìn lượt xe vận chuyển hàng hóa ra vào cảng Cát Lái (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh), dẫn đến tình trạng quá tải hạ tầng giao thông (HTGT) đối với các tuyến đường chung quanh cũng như chính các kho bãi trong cảng này.

Theo Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP), có quy mô hơn 160 ha bãi, cảng Cát Lái đảm nhận 33% khối lượng hàng container xuất nhập khẩu (XNK) của cả nước, thuộc top 20 cảng biển lớn nhất thế giới. Trong năm 2020, lượng hàng hóa về cảng đạt gần 100 triệu tấn, vượt nhiều lần so quy hoạch. Đã có thời điểm cảng Cát Lái phải tạm ngưng tiếp nhận hàng chiếm dụng lượng bãi lớn như hàng siêu trường, siêu trọng, hàng dự án, hàng quá khổ, quá tải…

Là doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa chở hàng từ cảng Cát Lái đi các tỉnh, thành phố phía nam, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Lâm Vinh Lâm Đại Vinh (đóng tại TP Hồ Chí Minh) cho hay, ngoài việc HTGT quá tải nhiều năm nay thì hạ tầng kho bãi tại cảng Cát Lái cũng đang từng ngày phải “gồng mình” vì lượng hàng hóa thông qua cảng đã vượt quá năng lực, quá tải, khiến hàng hóa bị gián đoạn trong quá trình vận chuyển. Việc bị tạm ngưng tiếp nhận hàng hóa vào cảng đã khiến các DN vận tải hàng hóa lao đao.

Tương tự, tại cụm cảng ICD Trường Thọ (TP Thủ Đức), công suất hàng hóa thông qua cảng cũng đã vượt quá quy hoạch, với sản lượng tăng trưởng bình quân từ năm 2015 đến 2020 hơn 11%. Mặc dù dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nhưng hằng ngày vẫn có rất nhiều xe tải, xe container nối thành hàng dài ra vào khu vực cảng để giao nhận hàng. 

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP Hồ Chí Minh, lượng hàng hóa qua cảng ICD Trường Thọ những năm gần đây rất cao (khoảng 15 triệu tấn/năm), gấp nhiều lần mức quy hoạch đến năm 2020. Lượng hàng hóa lớn kéo theo phương tiện lưu thông ra vào tăng cao, khiến giao thông thường xuyên ùn ứ. 

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh Bùi Văn Quản cho rằng, thành phố có hệ thống cảng và lượng hàng hóa XNK thông qua các cảng lớn nhất cả nước, nhưng hiện đang chịu sự quá tải về HTGT, thiếu kho bãi hàng hóa, hạ tầng kho bãi cảng vượt quá năng lực cho phép. Thế nên, ngoài việc đồng bộ về mặt hạ tầng thì thành phố cần nâng cấp, mở rộng và quy hoạch xây mới các cảng để nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa XNK.

Hình thành các cụm cảng mới

Trong Đề án phát triển kết cấu HTGT giai đoạn 2020 - 2030 mà UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành, giai đoạn 2021 - 2025, thành phố ưu tiên xây dựng thêm 5 cảng mới gồm: Cụm Cảng trung chuyển - ICD và Cảng thủy nội địa (CTNĐ) Khu công nghệ cao (KCNC) tại TP Thủ Đức; Cảng cạn ICD khu vực Củ Chi; Cảng thủy nội địa tổng hợp quốc tế ITC và Cảng hành khách Mũi Đèn Đỏ tại quận 7. Bên cạnh đó, hàng loạt bến cảng hiện hữu như Bến cảng Khu công nghiệp Cát Lái; Cảng hành khách Ba Son; Cảng hành khách Bạch Đằng; Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội… cũng được ưu tiên nâng cấp, chỉnh trang và mở rộng theo quy hoạch. Tổng số vốn đầu tư cho hệ thống các cảng này là gần 22.100 tỷ đồng.

Theo TS, KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư Trưởng TP Hồ Chí Minh, để 5 cảng mới này kết nối liên hoàn với hệ thống cảng hiện hữu trên địa bàn, thành phố cũng cần ưu tiên đầu tư xây dựng các tuyến đường kết nối, từ đó phát huy hết công suất các cảng này. Năm cảng mới sắp được đầu tư kỳ vọng giúp san sẻ cho vận tải đường bộ và giảm cự ly, chi phí vận chuyển hàng hóa cho các DN, phát triển vận tải đường thủy xứng tầm.

Còn theo đánh giá của Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, việc xây dựng và đưa vào khai thác 5 cảng mới và nâng cấp những cảng hiện hữu, nạo vét luồng, đầu tư hàng loạt tuyến thủy nội địa… sẽ góp phần phát huy tốt lợi thế 1.000 km đường thủy của thành phố và san sẻ 60% với vận tải đường bộ, giảm thiểu cự ly, chi phí cho DN, đưa thành phố trở thành trung tâm logistics và dịch vụ xuất khẩu vùng.

Phó Giám đốc Sở GTVT TP Hồ Chí Minh Bùi Hòa An cho hay, tổng nguồn vốn đầu tư xây mới 5 cảng này là 8.740 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 870 tỷ đồng, còn lại là vốn từ T.Ư, vốn PPP. Cụ thể: Xây dựng Cụm Cảng trung chuyển - ICD với kinh phí 6.000 tỷ đồng; CTNĐ KCNC, kinh phí 720 tỷ đồng; Cảng cạn ICD khu vực Củ Chi, nguồn vốn 1.800 tỷ đồng; CTNĐ tổng hợp quốc tế ITC, nguồn vốn 70 tỷ đồng; Cảng hành khách Mũi Đèn Đỏ, nguồn vốn 150 tỷ đồng. Đối với Cảng Khu công nghiệp Cát Lái sẽ nâng cấp, mở rộng thêm diện tích 66 ha, cầu cảng 1 km, tổng vốn đầu tư 7.920 tỷ đồng. Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh còn có kế hoạch nâng cấp, mở rộng, chỉnh trang các bến cảng hiện hữu với tổng vốn đầu tư gần 14.000 tỷ đồng.

Giám đốc Cảng vụ Hàng hải TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hải Nam cho biết thêm, các đơn vị chức năng đang gấp rút triển khai xây dựng cụm cảng trung chuyển - ICD tại phường Long Bình để di dời khu cảng Trường Thọ. Việc xây dựng Cảng cạn ICD Long Bình nhằm phục vụ tiếp nhận hàng hóa từ khu vực Đồng Nai, Bình Dương để vận chuyển bằng đường thủy đi đến các khu vực Cát Lái, Hiệp Phước, Cái Mép. Còn cụm Cảng cạn ICD Củ Chi, CTNĐ Khu Công nghệ cao, CTNĐ tổng hợp quốc tế ITC đi vào hoạt động, vừa chia sẻ gánh nặng với cảng Cát Lái, vừa giảm cự ly, chi phí vận chuyển cho DN.