Nâng cao lợi thế quốc gia để thu hút FDI

Việt Nam đang có cơ hội rất lớn để thu hút “làn sóng” dịch chuyển dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, trong bối cảnh một số quốc gia trong khu vực gia tăng áp lực cạnh tranh thu hút FDI, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần phải quán triệt nguyên tắc không hạ chuẩn để chạy đua thu hút FDI, mà ngược lại phải “tăng chuẩn” để đón được các nhà đầu tư (NĐT) thế hệ mới, có chất lượng cao.

Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để thu hút, lựa chọn được dòng vốn FDI. Ảnh: NG.ANH
Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để thu hút, lựa chọn được dòng vốn FDI. Ảnh: NG.ANH

Kỳ 2: Chuẩn bị đón dòng FDI thế hệ mới

Tăng chuẩn để thu hút FDI “sạch”

Chia sẻ về vấn đề này, TS Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Kinh tế Việt Nam cho rằng, sự dịch chuyển của dòng vốn FDI từ Trung Quốc sang một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam ngày càng rõ nét. Chủ yếu do các nhà đầu tư muốn phân tán rủi ro bớt từ “giỏ” Trung Quốc, do Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đã và đang tạo áp lực mạnh để chuyển dịch luồng đầu tư từ Trung Quốc, nhất là những nhà đầu tư còn chần chừ chuyển sang các nước cận kề, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội tương đối lớn với Việt Nam, tuy nhiên, nói cơ hội thì chắc chắn cũng có rủi ro đi kèm, nếu không có chiến lược thu hút, lựa chọn hữu hiệu, Việt Nam có thể thu hút phải dự án (DA) sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm, làm ăn chụp giật, nhất là khi Trung Quốc siết chặt các DA gây ô nhiễm môi trường, tiêu thụ nhiều năng lượng và do chi phí nhân công ở nước này tăng cao (năm ngoái, thu nhập trung bình gấp ba Việt Nam). Các loại DA đầu tư này Việt Nam chắc chắn không cần.

Theo ông Lê Xuân Sang, Việt Nam đang đứng trước cơ hội thu hút dòng FDI từ nhiều nước/vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) (đang triển khai chính sách hướng Nam (mới), Nhật Bản (hỗ trợ DN nước này rút bớt đầu tư từ Trung Quốc)... Trong “cuộc chơi mới” này, Việt Nam là một địa bàn đầu tư ưu tiên. Hơn nữa, việc Việt Nam tham gia hai hiệp định tự do thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (EVFTA) với nhiều nước phát triển cũng là yếu tố quan trọng để các doanh nghiệp (DN) FDI từ các nước trên và toàn cầu muốn có được lợi thế mới từ đầu tư ở Việt Nam. Những điều này cho thấy, trong giai đoạn sau dịch Covid-19, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để thu hút, lựa chọn được dòng vốn FDI thế hệ mới, phù hợp ưu tiên quốc gia. Muốn hấp dẫn dòng vốn ngoại, khi một số nước trong khu vực cạnh tranh trong thu hút vốn FDI (nhất là Thái-lan, Indonesia), Việt Nam phải tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD), môi trường cạnh tranh, đẩy mạnh xây dựng, củng cố hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là cảng biển. Cùng với đó, Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có kỹ năng, chất lượng cao, hỗ trợ để liên kết các DN địa phương, DN nhỏ và vừa trở thành những “vệ tinh”, mắt xích trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị. Tuy nhiên, dù thu hút bằng cách nào các địa phương cần phải quán triệt nguyên tắc không chạy đua hấp dẫn FDI mà hạ chuẩn thu hút FDI, ngược lại phải tăng chuẩn để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao, đáp ứng ưu tiên quốc gia, địa phương.

Mặt khác, thực tế, công nghiệp hỗ trợ yếu kém là nguyên nhân khiến Việt Nam khó hấp thụ luồng vốn FDI, nhất là liên kết với họ để phát triển, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Ngoài biện pháp mang tính trung tính như tạo điều kiện cho các DN phát triển, còn cần phải đánh giá đúng thực trạng, vị thế và chiến lược phát triển của ngành này trong mạng lưới sản xuất khu vực và toàn cầu. Chính lúc này, rất cần một chính phủ kiến tạo phát triển.

Không tiếp nhận bằng mọi giá

Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đem lại nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, phần lớn cơ hội đó chủ yếu DN FDI tận dụng được. Họ được hưởng lợi thế lao động giá rẻ, tài nguyên, ưu đãi vượt trội. Họ vào chủ yếu triển khai công đoạn lắp ráp, tận dụng cơ hội tiếp cận thị trường mà Việt Nam ký kết FTA. Trong khi đó, người Việt Nam, DN tư nhân (TN) Việt Nam gần như không tận dụng được cơ hội này. Vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu rất thấp. Điều này cho thấy, thu hút FDI trong bối cảnh mới cần phải gắn với mục tiêu của Việt Nam. Hai bên đều có lợi ích và lợi ích của ta phải nhiều hơn. Chúng ta phải có những mục tiêu, tiêu chí để đo lường việc đạt mục tiêu đó như thế nào.

Theo TS Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, chúng ta cần tuân thủ nguyên tắc khi DN FDI vào phải đàm phán với chúng ta, được chúng ta chọn lọc. Ai đạt được mục tiêu đó thì tiếp nhận, không đạt cương quyết không tiếp nhận. Thậm chí có thể cực đoan nói không với NĐT, chứ không tiếp nhận bằng mọi giá, “lót ổ, biệt đãi” vô điều kiện. Một trong những yêu cầu bắt buộc với DN FDI là phải gắn kết được với khu vực kinh tế TN trong nước, đưa DNTN Việt Nam vào trong mạng lưới sản xuất của họ. Bên cạnh đó, Việt Nam phải đặt hiệu quả của việc thu hút FDI lên hàng đầu, giá trị gia tăng tạo ra trên đất Việt Nam cao hơn, nguồn lực mình bỏ ra như đất đai, tài nguyên, hệ thống ưu đãi phải được trả lại lợi ích một cách tương xứng. Chúng ta hỗ trợ ưu đãi thuế, đổi lại họ phải đào tạo lao động cho Việt Nam, nâng cấp chuỗi giá trị.

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng, để yêu cầu trên không phải là áp đặt, Việt Nam cần phải làm cho DNTN trong nước lớn mạnh. DNTN phát triển sẽ trở thành đối tác tin cậy hợp tác với DN FDI. Muốn vậy, Việt Nam cần phải tạo điều kiện môi trường kinh doanh tốt nhất cho khu vực tư nhân trong nước, cách thức quản lý Nhà nước thay vì quản và quản cần chuyển sang kiến tạo, tạo điều kiện cho DN làm ăn. Cần thẳng thắn nhìn nhận vào điểm nghẽn lớn nhất cản trở DNTN chính là thiếu thể chế, quá rủi ro trong việc đầu tư. DNTN Việt Nam không tiếp cận được các nguồn lực như đất đai, tiền vốn... Người có sáng kiến, người có đào tạo, người có DA tốt không có được nguồn lực tốt. Dẫn tới, DN sợ lớn, không muốn lớn. Kinh doanh mà luôn nơm nớp lo sợ chính sách “sáng đúng, chiều sai, mai lại đúng”. Vì vậy, giờ phải có tư tưởng đổi mới về cải cách, tư duy không phải cải cách là để cải cách, cải cách phải là để phát triển, để phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Đặc biệt, chiến lược thu hút FDI cần phải được thực hiện nghiêm chỉnh theo Nghị quyết số 50-NQ/TW của T.Ư, từ đó tiếp nhận đầu tư có chọn lọc, mục tiêu là nâng cao chất lượng, hiệu quả, đóng góp vào phát triển của đất nước Việt Nam.

Thứ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Vũ Đại Thắng thẳng thắn bày tỏ quan điểm, đối với DN FDI, Bộ KH&ĐT cho rằng cần xác định đây là một thành phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam, xây dựng mối quan hệ tương sinh với các thành phần DN khác trong nước với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển; tăng cường sự liên kết với các DN trong nước, thực hiện chuyển giao kiến thức, công nghệ cho các DN Việt Nam để tạo dựng hệ sinh thái DN hiệu quả, bền vững. Việt Nam rất cần thu hút FDI, song không phải bằng mọi giá. Chúng ta phải biết lựa chọn DN FDI có công nghệ cao, họ chấp nhận liên kết với khối nội trong nước, thay vì “mua đứt” DN tiềm năng của Việt Nam để trục lợi.

(Còn nữa)