Bảo đảm tính minh bạch của thị trường tín chỉ carbon

Thời gian qua, thị trường tín chỉ carbon được cho là một trong những công cụ quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới. Song, sự phát triển của thị trường tín chỉ carbon cũng đang đặt ra yêu cầu cần phải có những quy định chặt chẽ hơn cũng như sự giám sát kỹ lưỡng hơn nhằm tránh gian lận.
Thị trường tín chỉ carbon Đức rúng động vì bê bối. Ảnh: GETTY IMAGES
Thị trường tín chỉ carbon Đức rúng động vì bê bối. Ảnh: GETTY IMAGES

Vụ bê bối gây chấn động

Đầu tháng 9 vừa qua, Cơ quan Môi trường Đức thông báo từ chối cấp tín chỉ carbon cho 215.000 tấn khí thải trị giá 18 triệu euro (tương đương 21 triệu USD) của các công ty dầu mỏ của nước này do nghi ngờ có gian lận liên quan một số dự án khí hậu ở nước ngoài. Theo Bloomberg, quy định về giảm khí thải nhà kính của Liên minh châu Âu (EU) yêu cầu các công ty dầu mỏ phải đáp ứng yêu cầu sản xuất nhiên liệu thân thiện với môi trường hơn. Hướng tới mục tiêu này, các công ty phát thải ra nhiều khí carbon nhất, như Shell và các công ty dầu mỏ khác, sẽ đầu tư vào các dự án được gọi là “giảm phát thải đầu nguồn”. Thông qua việc đầu tư vào các dự án như vậy, các công ty sẽ được cấp tín chỉ carbon, được gọi tắt là tín chỉ carbon UER.

Cơ chế nêu trên xuất phát từ lý luận cho rằng, các công ty không thể tự giảm lượng khí thải của mình có thể đầu tư vào các dự án giảm phát thải hoặc loại bỏ carbon dioxide (CO2) ở những nơi khác trên thế giới, qua đó đạt được mức giảm ròng lượng khí thải toàn cầu. Hệ thống tín chỉ carbon của Đức cho phép các công ty của nước này đáp ứng tới 1,2% yêu cầu giảm phát thải bằng cách đầu tư vào các dự án giảm phát thải carbon ở nước ngoài. Việc đầu tư vào các dự án như vậy được các công ty châu Âu kiểm toán.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, việc cấp tín chỉ carbon cho các dự án giảm phát thải đầu nguồn đã bị giám sát chặt chẽ, sau khi nhiều dự án được chứng minh là đã phóng đại các tuyên bố về việc giảm phát thải. Một số nước đã cân nhắc việc quản lý chặt chẽ hơn việc cấp chứng chỉ cho những dự án đầu tư ở nước ngoài của các công ty.

Tại Đức, vụ bê bối mới đây được đưa ra ánh sáng thông qua thông báo tố giác tội phạm và hình ảnh vệ tinh. Trong đó, hồi tháng 1/2024, cổng thông tin tố giác trực tuyến của “gã khổng lồ” dầu khí Shell đã nhận được một tin nhắn cho biết, tập đoàn đã bị lừa đầu tư vào một dự án giảm phát thải carbon, nhưng thật ra là một trang trại nuôi gà. Trước những thông tin này, đầu năm 2024, Cơ quan Môi trường Đức đã vào cuộc điều tra và phát hiện nhiều điểm bất thường trong 8 dự án khí hậu mà các công ty dầu mỏ ở nước này đã tài trợ ở nước ngoài để nhận được tín chỉ carbon UER.

Trên cơ sở các vấn đề pháp lý và kỹ thuật được chỉ ra, Cơ quan Môi trường Đức đã quyết định thu hồi 7 trong số 8 đơn xin phê duyệt dự án và đang tiến hành rà soát 13 dự án khác. “Sẽ không có chứng chỉ UER mới nào từ các dự án này được đưa ra thị trường”, ông Dirk Messner, Chủ tịch Cơ quan Môi trường Đức tuyên bố; đồng thời cho biết, cơ quan này sẽ tiếp tục công tác điều tra với tốc độ nhanh nhất có thể dựa trên những bằng chứng có được.

Trong khuôn khổ cuộc điều tra, hồi giữa tháng 7, cảnh sát Đức đã tiến hành khám xét văn phòng của Công ty kiểm toán UER Muller-BBM Cert ở Kerpen, TUV Rheinland ở Cologne và Verico ở Langenbach. Đây là các công ty đã thực hiện xác minh các dự án UER đang bị xem xét. Tổng cộng 17 người là giám đốc điều hành và nhân viên của các công ty kiểm toán nêu trên bị cáo buộc có gian lận thương mại, do bị tình nghi lừa dối nhân viên của Cơ quan Giao dịch Khí thải Đức về sự tồn tại và khả năng đáp ứng điều kiện của các dự án bù trừ tín chỉ UER.

Cần sự giám sát chặt chẽ

Trước đó, hồi tháng 6, Cảnh sát Liên bang Brazil đã phát động chiến dịch mang tên Greenwashing nhằm truy quét một băng đảng tội phạm tinh vi đứng sau các hoạt động khai thác và giao dịch tín chỉ carbon từ các dự án Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (REDD) bất hợp pháp.

Theo cảnh sát Brazil, từ năm 2016 đến năm 2018, băng đảng này, với sự giúp đỡ của các quan chức và chuyên gia, đã tái sử dụng các quyền sở hữu tài sản giả và chèn dữ liệu sai vào hệ thống quản lý đất đai của Brazil. Qua đó, chúng tạo ra và bán tín chỉ carbon giả, thu lời từ các giao dịch bất hợp pháp khoảng 34 triệu USD. Trong khi đó, những người mua tín chỉ carbon đều tin rằng, họ đang hỗ trợ các nỗ lực bảo tồn rừng.

Vụ lừa đảo này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến thị trường tín dụng carbon của Brazil, làm suy yếu các sáng kiến ​​môi trường. Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva sau đó đã lên tiếng khuyến cáo các chính phủ và công ty cẩn trọng trong việc mua bán tín chỉ carbon từ các dự án trên thị trường carbon tự nguyện. Bà Silva cũng cho biết, Chính phủ Brazil đang đệ trình lên Quốc hội nước này một dự luật nhằm quản lý chặt chẽ thị trường tín chỉ carbon, bảo đảm được tính minh bạch cũng như ngăn ngừa các hành vi phạm tội liên quan lĩnh vực này.

Theo The Guardian, thời gian qua, các công ty dầu khí, hãng hàng không, thương hiệu thức ăn nhanh… đã mua hàng triệu tín chỉ carbon từ các dự án thân thiện với khí hậu để bù đắp cho lượng khí thải nhà kính của họ, thúc đẩy sự phát triển của thị trường carbon tự nguyện trị giá lên đến hàng tỷ USD. Trong số những doanh nghiệp đã mua tín chỉ carbon từ các dự án được cho là thân thiện với môi trường, có thể kể đến những công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới như Delta, Gucci, Volkswagen, ExxonMobil, Disney, easyJet và Nestlé.

Song, trong một cuộc điều tra được công bố năm 2023, The Guardian và các nhà nghiên cứu từ tổ chức giám sát doanh nghiệp xuyên quốc gia có tên Corporate Accountability đã phân tích 50 dự án bù trừ phát thải hàng đầu, cũng là những dự án đã bán được nhiều tín chỉ carbon nhất trên thị trường toàn cầu. Kết quả cho thấy, có tới 39 trong số 50 dự án có một hoặc nhiều lỗi cơ bản làm suy giảm mục tiêu cắt giảm phát thải đã cam kết, 8 dự án khác “có vẻ có vấn đề” và 3 dự án không thể xác định được chắc chắn hiệu quả vì không có đủ thông tin để đánh giá đầy đủ chất lượng của các tín chỉ, hoặc độ chính xác lợi ích về khí hậu mà các dự án này được công bố.

Doanh thu giao dịch tín chỉ carbon năm 2021 đạt khoảng 2 tỷ USD, nhưng các nhà tư vấn tại Công ty McKinsey cho rằng, doanh thu này có thể lên tới hơn 50 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, khi các công ty và các nước tìm cách bù đắp một số lượng khí thải của họ trên con đường đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Trong khi đó, Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol) từ lâu cảnh báo rằng, thị trường carbon rất hấp dẫn đối với các băng nhóm tội phạm vì khả năng thu lợi bất chính lớn. Theo Interpol, các hành vi gian lận có thể xảy ra bao gồm gian lận cách tính để nhận được số tín chỉ carbon nhiều hơn thực tế, các công ty báo cáo không đầy đủ về lượng khí thải carbon, công bố các dự án tín chỉ carbon giả mạo…

Vụ bê bối về tín chỉ carbon mới đây tại Đức ước tính gây thiệt hại 5 tỷ USD cho những công ty liên quan. Song, các chuyên gia cho rằng, một trong những khía cạnh đáng lo ngại nhất của vụ bê bối này là vấn đề các cơ quan quản lý dường như không giám sát và xác minh đầy đủ về các dự án được cho là thân thiện môi trường.

Do đó, các ý kiến cho rằng, cần phải xem xét kỹ lưỡng các khía cạnh trong vụ việc, từ đó thắt chặt quy trình đánh giá các dự án giảm phát thải carbon. Cùng với đó, cần có quy định nhằm tăng cường trách nhiệm giải trình và giám sát thị trường carbon trên toàn cầu, bảo đảm tính minh bạch, kiểm toán chặt chẽ và thực thi tốt hơn các quy định nhằm ngăn ngừa và giải quyết hiệu quả gian lận, đồng thời bảo đảm tính hiệu quả của chương trình tín chỉ carbon, duy trì tính toàn vẹn của các sáng kiến ​​về khí hậu toàn cầu.

Ông Anuradha Mittal, Giám đốc nhóm nghiên cứu của Viện Oakland cũng cho rằng, kết quả nghiên cứu của The Guardian và tổ chức Corporate Accountability đã cho thấy những lỗ hổng của thị trường tín chỉ carbon. Do vậy, cần siết chặt quy định, tăng cường giám sát các dự án tín chỉ carbon nhằm bảo vệ môi trường một cách hiệu quả và bền vững.