Bạc Liêu trên hành trình thực hiện xanh hóa

Với 56km chiều dài bờ biển, những bãi bồi rộng và tương đối bằng phẳng, vùng ven biển của Bạc Liêu có gió mạnh và khá ổn định; đặc biệt, càng ra xa bờ, tốc độ gió càng cao... Những điều kiện đó khiến Bạc Liêu trở thành địa phương có nhiều dự án điện gió đưa vào vận hành thương mại nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan trang trại Điện gió Hòa Bình 1 bằng xe điện.
Du khách tham quan trang trại Điện gió Hòa Bình 1 bằng xe điện.

Chính thức khởi động vào tháng 10/2020, mới đây, dự án Nhà máy điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn 1), do Công ty cổ phần Năng lượng Hacom Bạc Liêu làm chủ đầu tư đã chính thức khánh thành. Với tổng vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, diện tích xây dựng 27,7ha cho 26 trụ turbine gió công suất từ 3,0-3,3 MW/turbine (tổng công suất 80MW), sản lượng khai thác bình quân 280 triệu kWh/năm, nộp ngân sách Nhà nước hằng năm hơn 80 tỷ đồng. Đây là nhà máy điện gió có quy mô lớn nhất trên đất liền ven biển tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long tính đến thời điểm hiện tại.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết, nếu như 10 năm đầu (từ năm 2010-2020), Bạc Liêu chỉ đưa vào vận hành được 62 trụ turbine gió, với công suất 99,2MW; thì chỉ trong hai năm (2020-2021), trên địa bàn toàn tỉnh đã lắp đặt được thêm 100 trụ turbine vừa trên biển lẫn trên bờ, với tổng công suất 370MW hòa vào lưới điện quốc gia. Về quy mô công suất từng trụ turbine, giai đoạn đầu chỉ 1,6MW/trụ, thì về sau các turbine càng có công suất lớn hơn, lên đến hơn 4MW/trụ, công nghệ hiện, đạt chuẩn của thế giới.

Nói đến điện gió ở Bạc Liêu, không thể không nhắc đến dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 1 và Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2, do Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Phương Anh làm chủ đầu tư, với tổng vốn đầu tư hơn 8.225 tỷ đồng, tổng công suất lắp đặt 150MW, sản lượng điện đạt khoảng 600 triệu kWh/năm. Với 39 turbine, đây là tổ hợp điện gió trên biển hiện đại, quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay, có ý nghĩa to lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, cũng như bảo đảm an ninh-quốc phòng.

Giám đốc điều hành Nhà máy điện gió Hòa Bình 1 Hoàng Văn Cường chia sẻ, để có được "cánh đồng điện gió" quy mô này, hàng trăm cán bộ, công nhân, chuyên gia Việt Nam và nước ngoài đã trải qua vô vàn khó khăn, vất vả, thi công từng trụ turbine giữa một vùng biển mênh mông đầy sóng gió. Đặc biệt, dù thi công vào thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng công trình vẫn bảo đảm tiến độ theo kế hoạch.

Hai nhà máy điện gió Hòa Bình 1 và Hòa Bình 2 cung cấp nguồn điện sạch lên lưới điện quốc gia, vừa góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, vừa giảm các yếu tố gây ô nhiễm môi trường, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam. Dự án góp phần thực hiện thắng lợi một trong năm trụ cột phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bạc Liêu, đó là năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và điện khí, đưa Bạc Liêu trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.

Trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện có tám nhà máy điện gió (cả trên biển, lẫn trong đất liền), đã hoàn thành đưa vào vận hành tổng sản lượng điện gió đạt hơn 2 tỷ kWh, mang lại những hiệu quả to lớn về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Ngoài ra, nhiều dự án khác đang triển khai thực hiện như: Nhà máy điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3 công suất 142MW; Nhà máy điện gió Nhật Bản-Bạc Liêu công suất 50MW; Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu công suất hơn 3.200MW...

Điểm lại quá trình phát triển điện gió ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều đánh giá: "Để thúc đẩy phát triển các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo nói chung, điện gió ngoài khơi nói riêng, còn nhiều khó khăn, hạn chế cần sớm được giải quyết. Việc bổ sung quy hoạch các dự án năng lượng sạch gặp nhiều khó khăn, do vướng mắc thủ tục. Khả năng truyền tải của lưới điện chưa theo kịp tốc độ phát triển các dự án năng lượng, dẫn đến tình trạng phải cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy năng lượng tái tạo...".

Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ Công thương, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu kiến nghị về việc sớm đưa 2.000MW điện gió (gồm 500MW điện gió trên bờ và 1.500MW điện gió ngoài khơi) của tỉnh vào quy hoạch giai đoạn đến năm 2025. Đồng thời xem xét, chấp thuận phương án đấu nối Dự án Nhà máy Điện gió Hòa Bình 2 và cập nhật vào quy hoạch, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng tăng thêm quỹ đất và công tác đền bù giải phóng mặt bằng của địa phương cho phát triển lưới điện; hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu.

Tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xem xét, đầu tư xây dựng các đường dây và trạm biến áp 220kV. Đối với đường dây và trạm biến áp 500kV của dự án Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng Bạc Liêu, trường hợp khó khăn thì cho cơ chế đặc thù để doanh nghiệp tự bỏ kinh phí đầu tư đường dây truyền tải và thu hồi vốn đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành.