Anh mạnh tay ngăn nhập cư trái phép

Thủ tướng Anh Keir Starmer thông báo sẽ tăng gấp 2 lần ngân sách dành cho Bộ Tư lệnh an ninh biên giới và coi các băng nhóm buôn người như tội phạm khủng bố. Động thái này nhằm tăng cường ngăn chặn nạn nhập cư trái phép bằng thuyền nhỏ qua eo biển Manche, nối giữa Anh và Pháp.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người nhập cư trái phép là nạn nhân của tổ chức buôn người. Ảnh: GETTY IMAGES
Nhiều người nhập cư trái phép là nạn nhân của tổ chức buôn người. Ảnh: GETTY IMAGES

Trong bài phát biểu ngày 4/11 tại cuộc họp của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) tại Glasgow (Scotland), Thủ tướng Starmer cho rằng, các băng nhóm đứng sau nạn nhập cư bất hợp pháp đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh toàn cầu. “Thế giới cần thức tỉnh trước mức độ nghiêm trọng của thách thức này. Tôi có nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho người dân Anh và bảo vệ khu vực biên giới là một phần của điều đó”, ông nhấn mạnh. Thủ tướng Starmer cũng cho biết, Anh sẽ áp dụng cách tiếp cận chống khủng bố để đối phó hiệu quả với các băng nhóm buôn người, đồng thời kêu gọi gia tăng quyền hạn của các lực lượng thực thi pháp luật, thúc đẩy tăng cường hợp tác và phối hợp chặt chẽ hơn giữa các quốc gia.

Thủ tướng Anh dự định tăng ngân sách trong 2 năm tới cho Bộ Tư lệnh An ninh Biên giới từ 75 triệu bảng Anh (97 triệu USD) lên 150 triệu bảng Anh (194 triệu USD). Khoản tiền này sẽ được dành cho việc mua sắm thiết bị giám sát công nghệ cao và trả lương cho 100 điều tra viên chuyên trách. Đánh giá về những biện pháp mới, Bộ trưởng Nội vụ Anh Yvette Cooper cho biết: "Các băng nhóm tội phạm thu lợi từ việc phá hoại an ninh biên giới Anh và gây nguy hiểm đến tính mạng con người. Với khoản đầu tư mới, Bộ Tư lệnh An ninh Biên giới cam kết sẽ ngăn chặn tội phạm buôn người".

Ngoài tăng cường về mặt tài chính, theo Chính phủ Anh, Bộ Tư lệnh an ninh biên giới mới sẽ có thêm 300 nhân viên, cũng như 100 điều tra viên chuyên nghiệp và sĩ quan tình báo cho Cơ quan Tội phạm quốc gia (NCA). Bộ trên được thành lập để giải quyết các vấn đề liên quan tội phạm buôn người. Cảnh sát cũng sẽ làm việc với các công ty truyền thông xã hội và nhà cung cấp internet để loại bỏ quảng cáo và thông tin khuyến khích di cư bất hợp pháp.

Theo The Independent, như các chính phủ tiền nhiệm, Chính phủ thuộc Công đảng của Thủ tướng Starmer đang phải vật lộn để ngăn chặn hàng nghìn người chạy trốn chiến tranh và đói nghèo tìm cách nhập cư bất hợp pháp vào Anh trên những chiếc thuyền mỏng manh và quá tải. Chỉ tính riêng tháng 10, Anh ghi nhận hơn 5.000 người nhập cư trái phép. Từ đầu năm tới nay, ước tính hơn 31.000 người di cư đã thực hiện hành trình vượt biển đầy nguy hiểm qua eo biển Manche tới Anh. Trong số đó, theo số liệu từ phía Pháp, đã có ít nhất 56 người thiệt mạng, khiến năm 2024 trở thành năm “chết chóc” nhất kể từ khi số lượng nhập cư trái phép qua eo biển Manche bắt đầu tăng mạnh vào năm 2018.

Người dân Anh ngày càng lo ngại về vấn đề nhập cư sau cuộc bạo loạn ở nhiều thị trấn và thành phố trong tháng này khi những người biểu tình phản đối nhập cư nhắm vào các thánh đường Hồi giáo và khách sạn nơi người xin tị nạn trú ngụ. Tháng 8 vừa qua, hãng Ipsos đã thực hiện một cuộc thăm dò dư luận, cho thấy lần đầu kể từ năm 2016 khi Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, nhập cư đứng đầu danh sách các vấn đề được người dân quan tâm nhất ở "xứ sương mù". Theo khảo sát của Ipsos, 34% số người Anh được hỏi cho biết, nhập cư là vấn đề được quan tâm hàng đầu, tiếp đến là vấn đề chăm sóc sức khỏe (30%), kinh tế (29%), tội phạm (25%) và lạm phát (20%). Trong khi đó, 11% cho rằng, quan hệ chủng tộc là vấn đề quan trọng nhất đối với họ.

Trước tình trạng báo động nói trên, bên cạnh các biện pháp vừa công bố, Chính phủ Anh cũng cam kết tiếp tục tăng cường vai trò của lực lượng chuyên trách chống di cư bất hợp pháp trên biển, hợp tác với Pháp và các đối tác quốc tế tăng cường giám sát, tuần tra biển, đặc biệt ở các điểm tập trung đưa người vượt biển; ban hành luật mới nhằm đưa những người nhập cư bất hợp pháp trở về nước hoặc đến nước thứ ba...