Giải Nobel Văn học năm nay được trao cho tiểu thuyết gia người Hàn Quốc Han Kang, 53 tuổi, vì “văn xuôi và thơ dữ dội đối mặt với những chấn thương lịch sử và phơi bày sự mong manh của cuộc sống con người”. Các tác phẩm của bà bao gồm tiểu luận, tuyển tập truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết, trong đó có 3 tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam.
The Guardian dẫn thông cáo của Viện Hàn lâm Thụy Điển nhận định: “Những tác phẩm của bà cho thấy nhận thức độc đáo về mối liên hệ phức tạp giữa thể xác và tâm hồn, giữa sự sống và cái chết. Phong cách thơ mộng và đầy tính thử nghiệm đã đưa bà Han Kang trở thành nhà văn tiên phong trong văn xuôi đương đại”. Nhà văn Han Kang sinh năm 1970 ở Gwangju (Hàn Quốc), có cha là tiểu thuyết gia Han Seung Won. Bà yêu thích sách từ nhỏ và từng cho biết cảm thấy an toàn “khi có sách bảo vệ”.
Các tác phẩm của tác giả Han Kang khám phá nhiều chủ đề xoay quanh sự gia trưởng, bạo lực, chiến tranh... Tiểu thuyết "The Vegetarian" (tạm dịch là "Người ăn chay") năm 2007 của bà, do dịch giả Deborah Smith dịch sang tiếng Anh vào năm 2015, đã giành giải thưởng Booker quốc tế năm 2016. Với vinh dự năm nay, bà trở thành tác giả người Hàn Quốc đầu tiên và là nữ văn sĩ thứ 18 giành giải thưởng Nobel Văn học. Chủ tịch Ủy ban Nobel Anders Olsson cho biết: “Văn phong tinh tế của bà gợi lên lòng trắc ẩn và sự đồng cảm từ độc giả toàn cầu, giúp họ nhận ra giá trị của tình yêu thương và nhân loại giữa những đau thương khốc liệt”.
Nữ văn sĩ Han Kang.Ảnh: AP |
“Tôi rất ngạc nhiên và thật sự rất vinh dự”, nữ tác giả chia sẻ khi nhận được thông báo. “Tôi lớn lên cùng nền văn học Hàn Quốc, một nền văn học mà tôi cảm thấy rất gần gũi. Vì vậy, tôi hy vọng đây sẽ là tin tức tốt lành với cả độc giả văn học Hàn Quốc, cũng như bạn bè và các đồng nghiệp nhà văn của tôi”. Sự thành công khi những tác phẩm của bà vươn ra văn đàn thế giới, đã mở ra cánh cửa đưa văn học Hàn Quốc được biết đến rộng rãi hơn. Với giải Nobel Văn học 2024, những tác phẩm từ “xứ kim chi” một lần nữa khiến thị trường sách không chỉ ở Hàn Quốc mà khắp châu Á, thêm phần sôi động. Những cuốn sách của bà Han Kang đã lập tức “cháy hàng” trên mọi sàn giao dịch điện tử ở Hàn Quốc.
Trong mùa giải Nobel năm nay, Nobel Hòa bình đã xướng tên Liên đoàn các tổ chức Nhật Bản chịu ảnh hưởng của bom A và bom H (Nihon Hidankyo). Ủy ban Nobel ở Na Uy phụ trách công bố giải này đã ghi nhận, tiếng nói của những người sống sót sau hai vụ thả bom nguyên tử tháng 8/1945 ở hai thành phố của Nhật Bản “giúp tạo nên làn sóng và củng cố sự phản đối rộng rãi đối với vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới”. Dựa trên những câu chuyện có thật của mỗi người sống sót, gọi theo tiếng Nhật là “hibakusha”, những thành viên nhóm Nihon Hidankyo đã góp phần “giáo dục nhận thức và đưa ra cảnh báo khẩn cấp về việc phổ biến và sử dụng vũ khí hạt nhân”.
Ủy ban Nobel cho biết: “Những hibakusha giúp chúng ta mô tả những điều không thể diễn tả, nghĩ những điều không thể nghĩ tới và bằng cách nào đó nắm bắt được nỗi đau và sự đau khổ không thể hiểu nổi do vũ khí hạt nhân gây ra”. Đồng thời, Ủy ban cũng nhấn mạnh: “Một ngày nào đó, những hibakusha sẽ không còn ở giữa chúng ta với tư cách là nhân chứng của lịch sử nữa… Nhưng với văn hóa tôn trọng truyền thống mạnh mẽ, những thế hệ mới ở Nhật Bản đang tiếp nối kinh nghiệm và thông điệp của những nhân chứng này”.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp báo ở Hiroshima (Nhật Bản), đồng Chủ tịch của Nihon Hidankyo, ông Toshiyuki Mimaki, 81 tuổi, nói rằng sự công nhận sẽ thúc đẩy mạnh mẽ những nỗ lực chứng minh rằng có thể xóa bỏ vũ khí hạt nhân. Nhận giải Nobel Hòa bình danh giá đúng một năm trước lễ kỷ niệm 80 năm vụ thả bom nguyên tử ở Hiroshima và Nagasaki, sự kiện này đã có tác động mạnh thu hút sự chú ý của công chúng vào thời điểm đang có nhiều lo ngại về khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong những vụ xung đột toàn cầu. Lễ trao giải Nobel Hòa bình sẽ diễn ra tại Tòa thị chính Oslo (Na Uy) vào ngày 10/12 tới.