Sự cố môi trường ở Australia

Các nhà khoa học đã xác định những vật thể hình cầu mầu đen trôi dạt vào bờ biển thành phố Sydney (Australia) là dấu hiệu của sự cố môi trường đáng lo ngại. Australia đã phải đóng cửa một số bãi biển du lịch để khắc phục vấn đề này.
Những vật thể mầu đen được tìm thấy trên bờ biển Sydney. Ảnh: ABC NEWS
Những vật thể mầu đen được tìm thấy trên bờ biển Sydney. Ảnh: ABC NEWS

Theo The Guardian, nhà chức trách Australia đã xác nhận rằng, các vật thể có kích thước bằng quả bóng golf hoặc bóng tennis trôi dạt vào bờ biển là chất gây ô nhiễm gốc hydrocarbon, được hình thành khi dầu tiếp xúc với các mảnh vụn và nước, thường là do sự cố tràn dầu hoặc rò rỉ dầu trên biển. Trước đó, từ ngày 14/10, một số bãi biển du lịch nổi tiếng ở phía đông Sydney thuộc bang New South Wales (NSW) đã phải đóng cửa trong vài ngày khi nhân viên cứu hộ phát hiện những vật thể hình cầu kỳ lạ trôi dạt vào bờ biển.

Cơ quan Bảo vệ môi trường (EPA) Australia và các cơ quan quản lý cảng và vận tải nước này đã tổ chức loại bỏ và xử lý an toàn vật liệu. Các chuyên gia cũng cho biết, những vật thể được tìm thấy có thể do sự cố tràn dầu và không loại trừ khả năng chúng liên quan đến nhà máy xử lý nước thải gần đó.

The Guardian dẫn lời chuyên gia hóa học Jon Beves thuộc Trường đại học NSW, thành viên của nhóm khoa học phân tích sự cố nhận định những quả cầu này được hình thành từ dầu thô, tuy nhiên, chúng cũng chứa các chất thải khác nên có khả năng hình thành từ đường ống thoát nước thải.

Các nhà chức trách Australia cho biết đang nỗ lực giải quyết sự cố môi trường, đồng thời đưa ra lời giải thích thỏa đáng. Bà Penny Sharpe, người đứng đầu cơ quan môi trường bang NSW, chia sẻ với báo chí dù chưa xác định được nguồn gốc của những cục dầu, nhưng bà cho rằng chúng đến từ một vụ tràn dầu ngoài khơi. Hiện chưa có báo cáo về sự cố tràn dầu nào ở ngoài khơi Sydney, tuy nhiên giới chức đã phát hiện một vết dầu loang nghi ngờ.

Hiện tượng những vật thể mầu đen trôi dạt vào bờ biển không phải là mới bởi trên thế giới, nhiều địa phương ven biển đã từng ghi nhận và báo cáo về hiện tượng này. Năm ngoái, những quả bóng đen tương tự đã dạt vào bãi biển California (Mỹ), sau đó các nhà khoa học xác định chúng hình thành do dầu tự nhiên rỉ ra từ đáy biển. Năm 2010, vụ tràn dầu Deepwater Horizon ở vịnh Mexico - một trong những thảm họa môi trường nghiêm trọng, đã để lại các cục dầu hắc ín khổng lồ dọc theo bờ biển khiến công tác dọn dẹp và xử lý diễn ra trong suốt một thời gian dài.

Những vật thể dính dầu trên đã di chuyển qua đại dương, dính lấy những mảnh vụn và các chất tích tụ chung quanh nên các chuyên gia lo ngại việc xuất hiện nhiều cục dầu này đe dọa môi trường sống của các loài vật dưới đáy biển. “Đây là loại ô nhiễm nhiên liệu hóa thạch bám chặt vào bất cứ thứ gì trôi nổi trên đại dương và vì nó rất dính nên đã tích tụ mọi vật thể chúng gặp trong quá trình di chuyển. Ngoài ra, các hợp chất độc hại trong các cục hắc ín có thể ngấm vào nước, gây ra mối đe dọa lâu dài đối với đa dạng sinh học biển”, Giáo sư Alex Donald, thuộc Khoa Hóa học, Trường đại học NSW cho biết.

Theo ông, các bãi biển của Australia, bao gồm cả bãi biển gần đây dọc theo bờ biển Sydney, đã từng chứng kiến ​​sự xuất hiện của những cục dầu hình thành từ dầu thô bị phong hóa khi tiếp xúc với môi trường. “Bãi biển ở các bang khác như bang Queensland và Gippsland đã chứng kiến ​​những sự cố tương tự, thường là sau sự cố tràn dầu hoặc xả dầu từ tàu thuyền. Những quả bóng dầu dính theo mảnh vụn này thường chỉ ra những vấn đề môi trường lớn hơn, có thể do hoạt động của con người hoặc rò rỉ dầu tự nhiên”, ông Donald chỉ ra.

Cho dù hình thành do hoạt động của con người hay quá trình tự nhiên, việc giải quyết và xử lý sự cố đang đặt ra nhiệm vụ cấp thiết cho giới chức “xứ chuột túi”. Australia là quốc gia phụ thuộc nhiều vào du lịch ven biển và nghề cá, do vậy sự cố này đe dọa gây ra rủi ro về cả môi trường và kinh tế.