23 năm “tìm thấy” nhà thơ Thâm Tâm

Những cảm xúc trân trọng và thấm thía vẫn còn khi câu chuyện hồi đi tìm mộ nhà thơ, liệt sĩ Thâm Tâm (1917-1950) được kể lại trên con đường “trở về” nơi nhà thơ yên nghỉ. Niềm cảm kích trước những tấm lòng của người Cao Bằng đã khiến con cháu nhà thơ chiến sĩ coi mảnh đất này là quê hương thứ hai.
0:00 / 0:00
0:00
Cùng ôn lại chuyện đi tìm mộ nhà thơ Thâm Tâm tại vị trí ngôi mộ gió ở bản Pò Noa.
Cùng ôn lại chuyện đi tìm mộ nhà thơ Thâm Tâm tại vị trí ngôi mộ gió ở bản Pò Noa.

1/Ở tuổi 77, ông Nguyễn Tuấn Khoa, nguyên Viện trưởng Thông tin y học (Bộ Y tế) vừa lên Cao Bằng “thăm” bố. Đoạn đường gần 300 km từ Hà Nội qua Lạng Sơn lên Cao Bằng ngồi ô-tô thật ra không mệt bằng hơn cây số đi bộ trong bản.

Từ ngôi nhà sàn của Bí thư xã Phi Hải năm xưa Hoàng Tăng Khuê, người đã “chỉ huy” dân bản lo hậu sự cho liệt sĩ Nguyễn Tuấn Trình - nhà thơ Thâm Tâm, ông Khoa dò bước trên mấp mô những dốc đá ngắn và mấy đoạn đường đất nhão, cỏ trơn ướt, có chỗ nước chảy thành cái lạch nhỏ khó đi. Chống cây gậy Phó Chủ tịch UBND xã Phi Hải (huyện Quảng Hòa) Hoàng Tôn Mạnh cháu nội cụ Khuê đưa cho; có mấy bạn trẻ hỗ trợ; lại cả Bí thư Đảng ủy xã bây giờ - Đàm Minh Thi cùng theo vào tận nơi; liền đằng sau là nhà văn Hoàng Quảng Uyên chỉ kém ông Khoa có hai tuổi, chống gậy tập tễnh, vừa đi vừa nói chuyện; ông Khoa cứ kiên trì rồi cũng đến. Mấy chục mét cuối, ông bước càng nhanh nhanh, vội vội hơn về phía ngôi mộ trên vạt đất người bố từng yên nghỉ. Hồi đó, ông mới có bốn tuổi, được gặp một lần duy nhất khi bố về qua nhà trên đường công tác, năm 1948, ông mới lên hai. Ký ức gương mặt cha thật mịt mờ. Vậy mà, càng về già, những năm tháng sau này, tìm được và đọc các tác phẩm của bố mình nhiều hơn, ông càng thương tiếc.

2/73 năm trước, đoàn cán bộ, phóng viên báo Vệ quốc quân - nay là báo Quân đội nhân dân, xuất phát từ Định Hóa, Thái Nguyên qua Đông Khê sang huyện Quảng Uyên (nay là huyện Quảng Hòa), Cao Bằng để chuẩn bị cho việc làm báo tuyên truyền về chiến dịch Biên giới, xuất bản báo ngay tại mặt trận. Nhà thơ Thâm Tâm khi đó là thư ký tòa soạn của báo. Đường xa gian khổ, nắng mưa rừng xanh núi đỏ khiến người thư ký nhiệt thành lâm bệnh ở khu vực có địa danh Bản Riềng và nhanh chóng chuyển nặng. Ông được đồng đội, dân quân cáng về bản Pò Noa thuộc xã Phi Hải, nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Không thể qua khỏi, nhà thơ được cán bộ và bà con vượt qua kiêng kỵ lo mai táng chu đáo ở sườn núi rìa bản. Gia đình một người thợ mộc đã tháo bộ ván cửa để đóng áo quan cho người chiến sĩ. Tiễn ông về đất có người trong bản, đồng đội cùng một số cán bộ chỉ huy trong chiến dịch lớn không lâu nữa sẽ nổ ra, trong đó có đồng chí Lê Quang Đạo, đang phụ trách công tác tuyên huấn của chiến dịch Biên giới. Đó là một ngày thu tháng Tám năm 1950.

Những năm tiếp theo đó, sau hòa bình từ 1954, cho đến đầu những năm 60 khi di cốt nhà thơ được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ của xã, rồi của huyện và cả rất lâu sau này, người dân trong bản hằng năm vẫn ra vị trí ngôi mộ đầu thắp hương cho người chiến sĩ mà theo trí nhớ truyền lại thì hồi ấy trông rất trẻ, nhiều người tưởng anh chưa lập gia đình, và cũng không nhiều người biết, nhớ tên.

3/Câu chuyện ấy được nhà văn Hoàng Quảng Uyên kể tóm tắt trước các thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh tại Trường tiểu học và THCS thị trấn Quảng Uyên, trong lễ trao học bổng Thâm Tâm vào sáng ngày 15/9 vừa rồi, trước khi cùng ông Khoa về thăm mộ nhà thơ. 30 suất học bổng được trao tặng cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn tại một số trường của huyện Quảng Hòa. Quà cho các em, gia đình còn chuẩn bị thêm những cuốn truyện nhà thơ Thâm Tâm từng viết cho thiếu nhi, gần đây được NXB Kim Đồng xuất bản lại. Ông Hoàng Quảng Uyên là người từng góp công sức quan trọng nhất trong việc tìm mộ Thâm Tâm. Hơn 20 năm trước…, ông lặn lội đi đi về về trên địa bàn huyện trong tình cảnh thời gian đã quá lâu, người chứng kiến tang lễ ngày ấy gần như không còn.

Về quá trình này, ông Nguyễn Tuấn Khoa kể lại, những năm 1995-1996, một số đồng đội cũ của nhà thơ Thâm Tâm như ông Trúc Kỳ, nhà thơ Vũ Cao, nhà văn Thanh Châu… cùng Hội Văn học nghệ thuật Cao Bằng với những người rất nhiệt tình như nhà thơ Y Phương, nhà thơ Trần Hùng, nhà văn Hoàng Quảng Uyên… đã liên hệ với gia đình để tìm kiếm mộ. Đã có nhiều chuyến đi vất vả theo những bản làng heo hút ở bên này và bên kia đèo Mã Phục, huyện Quảng Uyên bởi vị trí an táng nhà thơ chỉ được ghi trong giấy báo tử là dưới chân đèo Mã Phục.

Nhà văn Hoàng Quảng Uyên nhớ lại, ông đã viết một bài đăng báo Cao Bằng, kể về việc đi tìm mộ vẫn chưa có kết quả, đăng kèm sáu bức ảnh do đồng đội báo Vệ quốc quân chụp tang lễ nhà thơ mà gia đình ông Khoa lưu giữ cung cấp. Trong đó có hình ảnh chiếc quan tài được chuyển ra khỏi nhà người thợ mộc, phía trên là chái nhà được ghép bằng 9 cái ống bương. Ngẫu nhiên đến bất ngờ: một người lính người xã Phi Hải, đóng quân ở Phú Thọ khi mở tờ giấy báo gói quà gia đình gửi cho, đã đọc được bài báo và nhận ra ngôi nhà đó ở quê mình, anh liền viết thư về. May mắn thay, sau 50 năm vật đổi sao dời, ngôi nhà có 9 cái ống bương vẫn còn, như cố trụ lại qua nắng mưa xiêu vẹo để “làm nốt” nhiệm vụ vật chứng cho cuộc đi tìm thi nhân liệt sĩ. Chỉ một thời gian sau đó, ngôi nhà đã được dỡ đi.

Đó là năm 2000, nhận được thông tin từ gia đình anh bộ đội, ông Hoàng Tôn Mạnh có gửi thông tin đưa trên báo Cao Bằng và phát sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông Khoa cho biết: Tình cờ một người chị họ của tôi nghe được và báo ngay: Hình như trên Cao Bằng tìm được mộ cụ Thâm Tâm rồi! Chúng tôi lên và được mọi người đưa ra vạt đất xác định đúng là nơi bố tôi đã được mai táng. Vợ chồng tôi đã xin đào một miếng đất ở chỗ đó, gói vào lá cờ Tổ quốc, đem về Hà Nội đặt trên ban thờ bố.

Sau này, với sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà văn Hoàng Quảng Uyên và địa phương, gia đình ông Khoa đã xin xây dựng tại vị trí ngôi mộ cũ năm xưa một… ngôi mộ gió giản dị, có gắn bia và ảnh liệt sĩ Nguyễn Tuấn Trình - nhà thơ Thâm Tâm. “Dù sao đó cũng là “ngôi nhà” đầu tiên của bố tôi khi ông nằm xuống”, ông Khoa bùi ngùi: “Đó cũng chính là nơi in dấu tình cảm thắm thiết của cán bộ, đồng bào bản Pò Noa, xã Phi Hải đã dành cho bố tôi”.

Ông Nguyễn Tuấn Khoa kể: Tấm ảnh chân dung bố tôi mà gia đình có được để thờ cũng thật tình cờ. Đó là hồi gia đình tôi ở chân đèo Khế, Thái Nguyên, một hôm có người lính đi qua, dừng chân hỏi chuyện, thấy ông và mẹ tôi biết tiếng Pháp, anh tìm hiểu được biết gia đình tôi từ Hà Nội tản cư về Hải Dương, Nam Định, Thanh Hóa rồi về đây. Lại biết bố tôi là liệt sĩ, người lính hỏi và ngỡ ngàng. Hóa ra người lính ấy cũng công tác ở Tổng cục Chính trị. Biết được tên bố tôi - Nguyễn Tuấn Trình, người lính lấy trong cặp ra tấm ảnh chân dung nhỏ của ông. Tấm ảnh sau này gia đình tôi đã phóng ra để thờ, đã in lên bia mộ gió, đã in vào bìa những cuốn sách của bố tôi lần lượt được xuất bản lại đến nay.

4/Bây giờ, mộ nhà thơ đã nằm trong Nghĩa trang liệt sĩ huyện Quảng Hòa sau lần di chuyển từ địa điểm cũ của nghĩa trang về đây. Nhưng đó lại là ngôi mộ… chưa xác định được tên, giữa… khoảng 150 ngôi mộ khác cũng… tương tự. Về điều này, thì sau này gia đình và những bạn hữu văn chương được cho biết, hồi xảy ra cuộc chiến tranh biên giới, quân xâm lược tràn sang, đã đốt rất nhiều giấy tờ của ta, trong đó có hồ sơ, thông tin về hàng trăm ngôi mộ này. Vậy là cho đến thời điểm hiện tại, thì tìm được đúng mộ nhà thơ Thâm Tâm giữa hàng trăm ngôi mộ liệt sĩ qua hai cuộc kháng chiến và cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc có thể coi là một việc bất khả.

Nỗi đau đáu dường như vẫn chưa nguôi ngoai trong thế hệ sau này. Nhưng ông Khoa đã có chỗ dựa tinh thần trân quý là những gì mà người Cao Bằng đã dành cho bố mình. Ông bộc bạch, chúng tôi xác định để liệt sĩ Nguyễn Tuấn Trình - nhà thơ Thâm Tâm yên nghỉ tại mảnh đất Cao Bằng này. Cùng với Hải Dương là nơi bố tôi sinh ra, gia đình chúng tôi đã có thêm một quê hương nữa là Cao Bằng!

Và như thế, để thường là mỗi năm từ 2000 đến nay, vợ chồng ông Khoa hoặc ông hoặc con cháu, theo điều kiện sức khỏe của ông bà, lên thắp hương tại ngôi mộ gió và nghĩa trang liệt sĩ vào dịp Tết thanh minh 3/3 âm lịch, có năm vào ngày 18/8, được xác định là ngày hy sinh của nhà thơ Thâm Tâm. Và cũng mong muốn góp một chút gì đó nhỏ thôi cho quê hương thứ hai, từ năm 2022, ông bà và con cháu xây dựng chương trình “Học bổng Thâm Tâm”, dự kiến sẽ trao thường niên tại Cao Bằng. Năm ngoái, lễ trao đã được phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức tại TP Cao Bằng. Năm nay, muốn đi trực tiếp và làm cụ thể hơn nữa, trước hết tập trung vào địa phương nơi có mộ nhà thơ, gia đình ông Khoa vừa tổ chức trao tại huyện Quảng Hòa, mở ra dự kiến mỗi năm có thể trao học bổng tại một huyện và sẽ đi sâu hơn nữa vào các địa bàn khó khăn.

23 năm “tìm thấy” nhà thơ Thâm Tâm ảnh 1

Ông Nguyễn Tuấn Khoa cùng con gái trao học bổng Thâm Tâm cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn huyện Quảng Hòa.

5/Những ngày vừa rồi, tôi được đi cùng gia đình ông Nguyễn Tuấn Khoa lên miền non nước Cao Bằng, nơi đi qua những cung đường trên cao, thỉnh thoảng lại gặp một tấm biển giới thiệu có di tích hay đài tưởng niệm một chiến công, một trận đánh của quân và dân ta năm xưa. Tình cờ khi gia đình trao học bổng trên hội trường, tôi nghe tiếng hát trẻ thơ từ một phòng học gần đó. Tốp ca hòa giọng dày dặn, đồng thanh bay lên trên nhịp đàn piano của cô giáo: “Đố Son Son Mi Đồ Mi Son Lá Son/Giọng em hát vút lên như họa mi vàng/Một điệu nhạc gọi nắng, nắng lên cho đời/Một điệu nhạc gọi gió, gió ơi vui cười/Này nhạc ơi bay bay lên trên đôi cánh em/Này lời hát ơi ru đôi môi em tươi thắm xinh/Này nhạc ơi gọi tình bạn hồn nhiên cho em/Hát mãi cho nắng đẹp và hát mãi khúc nhạc vui!...” (Em yêu giờ học nhạc, Đinh Viễn).

Chợt nghĩ đến bài thơ “Tống biệt hành” nổi tiếng của Thâm Tâm, câu thơ trong trẻo mà hơi xa xót của thi nhân trong buổi chia biệt năm xưa, như nhắn lại điều gì: “Ta biết người buồn sáng hôm nay/Giời chưa mùa thu, tươi lắm thay/Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc/Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay”. Lại nghĩ đến, sau TP Hải Dương có đường phố Nguyễn Tuấn Trình, mới đây Hà Nội đã có phố Thâm Tâm, con phố nhỏ trên địa bàn quận Cầu Giấy, đi qua ngôi trường mầm non, như một chọn lựa ngẫu nhiên mà hữu ý. Trong sự nghiệp sáng tác phong phú của mình, Thâm Tâm đã không quên dành những niềm trìu mến để viết truyện cho thiếu nhi đọc. Có lẽ một phần từ nâng niu ấy, cùng với nỗi lòng non nước, nhà thơ quả cảm đã lên đường như một người chiến sĩ, quyết mong ngày chiến thắng mới quay về. Ánh mắt của ông và những người chiến sĩ cùng thế hệ vẫn nhìn đến hôm nay, cho chúng ta tự hỏi về cách sống của mình với hiện tại.