Xử lý điểm nóng môi trường ở Yên Khánh

Nằm kẹt giữa khu công nghiệp (KCN) Khánh Phú và cảng than chạy dọc đê sông Đáy, thôn Phú Hào (xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Sau chưa đầy hai năm, với sự vào cuộc sát sao của các cấp chính quyền, ngành chức năng từ tỉnh, huyện đến xã, thôn, bộ mặt nông thôn ở Phú Hào đã hoàn toàn thay đổi.
0:00 / 0:00
0:00
Trao đổi rút kinh nghiệm trong việc giữ gìn môi trường nông thôn xanh sạch đẹp ở Yên Khánh.
Trao đổi rút kinh nghiệm trong việc giữ gìn môi trường nông thôn xanh sạch đẹp ở Yên Khánh.

Đổi thay ở Phú Hào

Với diện tích khoảng 15ha, thôn Phú Hào là nơi sinh sống của 430 hộ dân, hơn 1.500 nhân khẩu. Năm 2004, thực hiện chủ trương của tỉnh về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, phần lớn diện tích đất nông nghiệp của thôn Phú Hào đã được thu hồi để xây dựng KCN Khánh Phú. Bên cạnh đó, dọc đê sông Đáy qua địa phận thôn Phú Hào cũng biến thành cảng tập kết, chế biến than, clinke... Cách đây hai năm, Thời Nay từng phản ánh về tình trạng “Ô nhiễm môi trường cạnh Khu công nghiệp Khánh Phú”, trong đó có phản ánh về tình cảnh vật lộn sống trong bụi than đặc quánh cùng nguồn đất, nước, không khí… bị ô nhiễm nghiêm trọng của người dân thôn Phú Hào.

Thời điểm phóng viên đi khảo sát, dù doanh nghiệp vừa rửa đường nhưng lớp bụi than đen vẫn bám dọc đê và đường dẫn vào thôn. Kéo dài khoảng 5-6km bờ đê qua địa phận xã Khánh Phú, hằng ngày, các đơn vị như Công ty TNHH Tiến Mạnh, Công ty TNHH Mặt trời Việt Ninh Bình, Công ty than Miền bắc, Công ty Nam Phương… cho máy móc hoạt động hết công suất từ sáng tới đêm, nghiền, trộn sản xuất than. Hàng “núi” than chất đống cao ngất ngưởng, nơi có lưới che chắn, chỗ thì không. Đúng thời điểm gió bắc thổi hướng về thôn nên kéo theo lượng lớn bụi than, bụi clinker đặc quánh không khí, phủ mầu đen kín mặt đường, cây cỏ.

Khi đó, ông Phan Văn Cần, người dân thôn Phú Hào bức xúc cho biết: “Hằng ngày có hàng trăm chiếc xe tải trọng lớn chở than chạy trên đường đê, qua khu dân cư. Nhiều xe không được che chắn cẩn thận gây rơi vãi, khiến bụi bay mù mịt. Mùa nắng, ngày rửa nhà vài lần vẫn bám đầy bụi than, mùa mưa nước than đen xì chảy ngập ngụa, ngấm vào đất gây ô nhiễm môi trường. Trẻ con trong thôn sáng đi học sạch sẽ lắm nhưng chiều về chân tay, mặt mũi đen nhẻm. Môi trường ô nhiễm làm nhiều người thôn này mắc bệnh ung thư, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp”.

Kiến nghị lên nhiều cấp, nhiều ngành nhưng chưa có giải pháp triệt để, người dân thôn Phú Hào từng có mong muốn “bỏ đất, rời làng” đi ra khỏi vùng ô nhiễm. Nhận được phản ánh của báo chí về những bức xúc của người dân, huyện Yên Khánh đã nghiêm túc nhìn nhận, từ đó đưa ra các giải pháp dần tháo gỡ. Ông Lâm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Khánh cho biết: Không thể để thôn Phú Hào mãi là vùng trũng về ô nhiễm môi trường, chúng tôi đã thành lập tổ chỉ đạo, phân công trách nhiệm cho các đồng chí trong ban thường vụ phụ trách xã. Với các công ty than, chúng tôi yêu cầu phải lắp đặt các hệ thống tưới nước tự động, trồng cây xanh, từng bước thay đổi hệ thống máy móc bảo đảm môi trường. Trong vòng hai năm trở lại đây, chúng tôi cũng tăng cường hỗ trợ đầu tư để Phú Hào nhanh chóng hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường bê-tông, cây xanh, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, xây dựng nhà văn hóa... Từ đó nhận được sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Về phía chính quyền cơ sở, Đảng bộ xã Khánh Phú cũng xây dựng Nghị quyết chuyên đề, đồng thời tăng cường giám sát, quyết liệt kiến nghị chính quyền và ngành chức năng của huyện, tỉnh cùng vào cuộc giải quyết dứt điểm những bức xúc của nhân dân. Ông Phan Như Ngoạn, Chủ tịch UBND xã Khánh Phú cho biết: Đảng ủy xã Khánh Phú đã chỉ đạo UBND xã thành lập các tổ giám sát hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời phát hiện những dấu hiệu vi phạm về môi trường, đề xuất cơ quan chuyên môn xử lý nghiêm. Từ đó ý thức của doanh nghiệp trong chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật về môi trường cũng dần thay đổi.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng tổng hợp Công ty TNHH Long Sơn - đơn vị hoạt động tại cảng than dọc sông Đáy cho biết: Phối hợp với chính quyền địa phương, chúng tôi yêu cầu cán bộ công nhân viên phải nâng cao công tác bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, công ty cũng đầu tư rất nhiều trang thiết bị hiện đại như hệ thống tưới nước ngoài đường đê, hệ thống rửa xe trước khi rời cảng, hệ thống máy khép kín để hạn chế thấp nhất việc phát tán bụi ra môi trường.

Tháo gỡ điểm nóng

Thẳng thắn thừa nhận những yếu kém trong công tác quản lý để từ đó kịp thời chấn chỉnh, đưa ra các giải pháp quản lý phù hợp, chỉ sau hai năm, huyện Yên Khánh, xã Khánh Phú đã đưa thôn Phú Hào từ điểm nóng về môi trường trở thành miền quê đáng sống. Dọc đường bê-tông trong thôn bây giờ là hệ thống cây xanh, hoa đang phát triển cùng những bức tranh bích họa trang trí vui mắt. Môi trường cải thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng nâng cao hơn. Hiện thôn Phú Hào đang chuẩn bị đón bằng công nhận của UBND huyện đối với khu dân cư mới kiểu mẫu.

Ông Đinh Văn Sang, Trưởng thôn Phú Hào chia sẻ: Chúng tôi xây dựng kế hoạch, họp bàn với nhân dân cùng sơn sửa, mở rộng nhà văn hóa, chỉnh trang nhà cửa, đường làng ngõ xóm. Hằng tuần, các công ty cũng cho người đến phụ bà con quét dọn vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp. Nhìn thấy đổi thay trong thôn, người dân cũng đóng góp công sức, tự chỉnh trang khu vực nhà của mình sạch sẽ hơn. Môi trường tuy chưa cải thiện hoàn toàn nhưng cũng đã đạt 80-90% rồi.

Sự thay đổi ở Phú Hào cho thấy, ở đâu cấp ủy chính quyền địa phương nghiêm túc nhìn nhận, quyết liệt vào cuộc thì các vấn đề nóng đều sớm được giải quyết để lấy lại niềm tin trong nhân dân. Trong KCN tăng cường công tác tuyên truyền để các doanh nghiệp hiểu rõ trách nhiệm đối với môi trường, thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động để quản lý và theo dõi. Ông Lê Hùng Thắng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Ninh Bình cho biết: Năm 2021, sau khi nhận được phản ánh từ báo chí, UBND tỉnh đã ngay lập tức có văn bản chỉ đạo giao cho Sở chủ trì phối hợp sở, ngành liên quan đi kiểm tra tất cả các cảng, KCN về việc chấp hành quy định bảo vệ môi trường. Trong các cuộc kiểm tra, chúng tôi cũng đã đôn đốc nhắc nhở và xử lý các đơn vị vi phạm với số tiền 670 triệu đồng trong năm 2021 và 350 triệu đồng trong năm 2022. Riêng với bất cập tồn tại ở KCN Khánh Phú, để tháo gỡ bất cập về hạ tầng, tỉnh đã đẩy mạnh đầu tư bốn dự án gồm: Cải tạo, nâng cấp kênh điều hòa KCN Khánh Phú, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao đời sống dân sinh thôn Phú Hào; Dự án làm lại mặt đê ở trạm bơm Cống Kem; Dự án mở rộng cụm nút giao giữa đường 10 với KCN Khánh Phú; Dự án tăng cường trồng cây xanh trong KCN Khánh Phú… Đây là những giải pháp căn cơ về hạ tầng, giúp giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao đời sống cho người dân.

Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã ưu tiên thu hút những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, bảo đảm cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm của các KCN. Riêng với hơn 10 cảng đang hoạt động tập trung dọc tuyến Đê sông Đáy, Ninh Bình cũng yêu cầu các chủ đầu tư sớm nâng cấp hạ tầng, bảo đảm vệ sinh môi trường. Kỳ vọng những chỉ đạo quyết liệt từ tỉnh cho đến chính quyền cấp cơ sở, tình trạng ô nhiễm môi trường quanh các KCN và loạt cảng dọc sông Đáy sẽ sớm được khắc phục như ở Yên Khánh.

Thực tế từ năm 2021, sau khi Thời Nay đăng loạt bài hai kỳ “Ô nhiễm môi trường cạnh Khu công nghiệp Khánh Phú”, UBND tỉnh Ninh Bình đã tăng cường tổ chức các cuộc thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm. Sau các cuộc thanh tra, tỉnh đều yêu cầu các doanh nghiệp giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm phía ngoài KCN, tăng cường trồng cây, lắp đặt hệ thống tưới đường, che phủ than, clinker…