1/Mấy tháng nay, cứ vào thứ bảy hằng tuần, dù nắng như đổ lửa ngày hè hay sụt sùi mưa biên giới, các chiến sĩ quân hàm xanh Đồn Biên phòng Cà Xèng, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình lại về các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa giúp đỡ bà con người Rục. Bí thư Chi bộ bản Mò O Ồ Ồ Cao Xuân Long cho biết, bản có gần 90 hộ người Rục (dân tộc Chứt) sinh sống, tuy cuộc sống đã có bước tiến dài nhưng vẫn còn khó khăn. Nhiều người vẫn uống rượu say, bỏ bê lao động sản xuất, vệ sinh môi trường chưa bảo đảm, việc học hành của con em chưa được quan tâm. Anh em bộ đội biên phòng cắm bản, thường xuyên tuyên truyền để bà con suy nghĩ, biết trồng rau, nuôi gia súc cải thiện đời sống, biết làm lúa nước ở Rục Làn nhằm chủ động nguồn lương thực.
Mới đây, Đồn Biên phòng Cà Xèng triển khai thêm mô hình dân vận “Thứ bảy về bản”. Những công việc đơn giản như rào vườn để trồng rau, làm vệ sinh môi trường để bản sạch đẹp... chưa được bà con người Rục quan tâm thì tranh thủ ngày thứ bảy cán bộ, chiến sĩ có mặt động viên, hướng dẫn từng hộ gia đình tham gia, không khí cả bản thêm rộn ràng.
Đơn vị huy động lực lượng cùng dân bản dựng ngôi nhà mới tặng 2 em Cao Xuân Lê, sinh năm 2010 và em gái Cao Thị Nhi, sinh năm 2013, mồ côi cha mẹ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở bản Mò O Ồ Ồ; làm cỏ, chăm sóc hơn 2 ha cây gai xanh, tổng dọn vệ sinh trong khuôn viên nhà sinh hoạt cộng đồng và các trục đường liên bản; lắp đặt mô hình “Truyền thanh bản xa” và nhiều hoạt động ý nghĩa khác. Ngoài ra, Đồn Biên phòng Cà Xèng còn trao quà tặng 4 em học sinh trong chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng” mỗi suất 1,5 triệu đồng; tặng bà con các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ 150 bộ quần áo, 50 bộ chăn màn, gối với tổng trị giá hơn 45 triệu đồng.
Ở xã biên giới Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, chương trình “Thứ bảy về bản” gồm các hoạt động như: khám, cấp phát thuốc miễn phí cho bà con, giúp đồng bào thu hoạch vụ mùa, tặng cây, con giống và hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi cho các hộ có hoàn cảnh khó khăn, xây tặng công trình nhà vệ sinh cộng đồng để bản đạt tiêu chí bản nông thôn mới… Anh Hồ Văn Ngọc ở bản Đá Chát, xã Trường Sơn nói rằng, nhiều tuần nay, ngày thứ bảy, bản làng rất vui khi được đón nhiều cán bộ, chiến sĩ đến tặng quà, giúp đỡ các gia đình khó khăn, khám bệnh cấp thuốc cho người già, trẻ em. Công trình điện chiếu sáng đường nội bản và đường cờ trong bản mà bộ đội biên phòng tặng càng làm cho không khí bản làng rộn ràng và nhiều sắc màu hơn.
2/Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng Quảng Bình chia sẻ, không phải đến khi triển khai chương trình “Thứ bảy về bản” thì công tác dân vận của bộ đội biên phòng tỉnh mới được chú trọng mà trước đó đã có nhiều hoạt động, mô hình hiệu quả. Tuy nhiên, nếu thứ bảy là ngày nghỉ của cán bộ, công chức, viên chức thì ở vùng biên giới, bộ đội biên phòng không nghỉ, anh em vẫn tranh thủ ngày thứ bảy để về với dân bản dù trước đó vẫn bám bản làng, bám biên cương để bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
Đến nay, các đơn vị Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình đã huy động hơn 1.000 lượt cán bộ, chiến sĩ cùng người dân các địa phương làm đường giao thông, vệ sinh môi trường, thu gom hàng chục tấn rác thải, thu hoạch lúa, hoa màu, sửa chữa nhà ở, cấp nước sinh hoạt cho đồng bào. Ngoài ra, các đơn vị đã tặng nhiều phần quà thiết thực như: Trao học bổng và áo quần, sách vở, tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn; tặng mô hình sinh kế cho các hộ gia đình; tặng cờ Tổ quốc, phao cứu sinh cho ngư dân, đồng bào dân tộc thiểu số; khám, tư vấn sức khỏe cho hàng trăm lượt người.
Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Việt Nam đánh giá, thời gian qua, Bộ đội Biên phòng Quảng Bình đã sáng tạo nhiều mô hình, cách làm mới, hiệu quả để giúp đồng bào dân tộc thiểu số như “Thứ bảy về bản”, “Ánh sáng vùng biên”... Đó là khởi nguồn để Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhân rộng mô hình ra các tỉnh, thành phố trong cả nước. Từ đó góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân, thế trận lòng dân ngày thêm vững chắc để bảo vệ bình yên miền biên cương của Tổ quốc.
Chương trình “Thứ bảy về bản” còn tranh thủ vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín, cốt cán phong trào trong tôn giáo, quần chúng tốt... Đặc biệt là phát huy tối đa vai trò của đảng viên-cán bộ đồn biên phòng sinh hoạt tại các chi bộ bản và phụ trách hộ gia đình khu vực biên giới.