Bài viết tham dự cuộc thi tác phẩm báo chí về đề tài “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2022-2025

Tìm lại “bóng hình” liệt sĩ

Sau khi scan ảnh gốc liệt sĩ, Hoàng cần mẫn thực hiện từng thao tác. Bao tâm huyết dành trọn cho từng nút ấn chuột, cuối cùng bức ảnh liệt sĩ hoàn thiện dần hiện ra. Từ hình ảnh nhòe cũ do trải qua thời gian, một tấm ảnh rõ nét như nguyên bản ra đời.
0:00 / 0:00
0:00
Người thân liệt sĩ xúc động khi nhận được tấm ảnh đẹp hơn.
Người thân liệt sĩ xúc động khi nhận được tấm ảnh đẹp hơn.

Trọn tâm huyết trong từng tấm ảnh

Một ngày giữa tháng 7, trong trụ sở UBND xã Quảng Thái (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế), người đàn ông ngồi vào bàn máy tính và mở ra tấm di ảnh liệt sĩ để chỉnh sửa sau khi hoàn thành công việc cơ quan.

Zoom từng chi tiết nhỏ nhất trên khuôn mặt liệt sĩ, anh tỉ mẩn rà từng con chuột và thực hiện các lệnh để làm sao cho các chi tiết trở nên rõ nét hơn. Ánh mắt đăm chiêu cùng sự tập trung tinh thần 100% cho việc chỉnh sửa ảnh, anh thanh niên đặt trọn tâm huyết, khả năng của mình vào hình ảnh để biến tấm ảnh từ cũ kỹ, mờ nhòe trở nên sáng rõ hơn.

Công việc phục dựng di ảnh liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã được anh Hồ Xuân Hoàng, Bí thư Đoàn xã Quảng Thái, thực hiện gần 1 năm qua. Tính đến nay, Hoàng đã đầu tư thời gian, công sức phục dựng di ảnh miễn phí cho hơn 40 liệt sĩ.

“Thế hệ cha ông chúng ta đã hy sinh biết bao mồ hôi, xương máu để bảo vệ nền độc lập, tự do cho dân tộc, cho Tổ quốc. Họ đã ngã xuống vì nền hòa bình hôm nay cho dân tộc. Vì thế, việc mình dành thời gian, tâm huyết để phục dựng các di ảnh liệt sĩ trở nên rõ nét, đẹp hơn như một hành động nhỏ bé của tuổi trẻ Thừa Thiên Huế để tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ”, Hoàng bộc bạch.

Tham gia công tác đoàn nhiều năm qua, biết được trên quê hương xã Quảng Thái có nhiều liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập của dân tộc, Hoàng đã tận dụng kỹ năng Photoshop từng mày mò vào năm 2009 phục vụ cho công việc học tập ngành kiến trúc để tiến hành phục dựng di ảnh cũ kỹ thành những tấm ảnh gần như nguyên bản cho các gia đình liệt sĩ.

Bắt đầu thực hiện công việc nhân văn này từ ngày 27/7 năm ngoái, Hoàng vẫn nhớ như in khi hoàn thành xong tấm ảnh đầu tiên. Anh chàng sinh năm 1990 này vào gia đình liệt sĩ Hồ Thị Đầm - người con của Mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Hư (92 tuổi, thôn Nam Giảng, Quảng Thái) xin quét hình ảnh để phục hồi thành tấm ảnh mới hơn.

Sau khi thắp nén nhang, Hoàng quét ảnh trên di ảnh liệt sĩ Hồ Thị Đầm. Có hình ảnh, Hoàng đưa vào máy tính và mở phần mềm chỉnh sửa ảnh để bắt đầu công việc phục dựng ảnh. Để hình ảnh liệt sĩ trở nên rõ nét và gần như nguyên bản hơn, Hoàng còn mày mò thêm công cụ AI hỗ trợ cho công việc này.

Trải qua vài tiếng đồng hồ, tấm ảnh liệt sĩ đã trở nên sáng đẹp hơn. Anh hồi hộp mang đi in ảnh, đóng khung một cách trang trọng, rồi chọn ngày mang tặng gia đình liệt sĩ. Cầm trên tay tấm di ảnh mới của đứa con đầu của mình, bà Phạm Thị Hư vừa vui mừng, vừa rơi nước mắt xúc động khi cảm nhận hình ảnh đứa con mình trở nên chỉn chu, rõ nét hơn ảnh cũ. Bà mẹ Việt Nam Anh hùng này có 6 người con. Liệt sĩ Hồ Thị Đầm là người con đầu, tham gia hoạt động bí mật cách mạng và hy sinh vào năm 1974.

Nhìn tấm di ảnh của chị gái mình, ông Hồ Viết Tây (68 tuổi) bày tỏ: “Tấm ảnh mới này đẹp gần như nguyên bản, có mầu sắc đẹp và tươi trẻ hơn. Hoạt động phục dựng ảnh của các đoàn viên rất hay và có ý nghĩa to lớn đối với các gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng. Chúng tôi vui mừng khi thấy được hình ảnh người thân của mình trở nên rõ nét hơn để đặt lên ở bàn thờ”.

Dù đến nay đã phục hồi ảnh cho hơn 40 liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, Hoàng vẫn luôn ấn tượng nhất với tấm ảnh liệt sĩ Hồ Thị Đầm. Mỗi lần nhớ lại, cảm xúc của Hoàng lại nghèn nghẹn nơi cổ họng và không thể nói nên lời...

Tìm lại “bóng hình” liệt sĩ ảnh 1

Thắp nén nhang đến anh hùng liệt sĩ sau khi trao tặng tấm ảnh được phục dựng.

Lan tỏa việc làm ý nghĩa

Dừng tay chỉnh ảnh, Hoàng nói, dù công việc đoàn thể khiến anh bận rộn nhưng anh vẫn sắp xếp thời gian hoàn thành và tranh thủ ngồi vào máy tính để chỉnh sửa ảnh cho liệt sĩ. Tùy vào chất lượng tấm ảnh, thời gian hoàn thành xong bức ảnh cũng khác nhau. Trung bình, Hoàng mất khoảng 4-5 tiếng đồng hồ để làm xong tấm ảnh. Tuy nhiên, với những ảnh cũ, không rõ nét và bị nhòe, phải mất khoảng 1 đến 2 ngày mới hoàn thiện tấm ảnh như ý. “Khi phục hồi tấm ảnh khó thực hiện, có lúc mình dừng lại để làm việc khác. Sau đó, mình không bỏ cuộc mà tiếp tục khắc phục điểm chưa ưng ý. Mỗi tác phẩm hoàn thiện đều giống trên 90% so nguyên bản, nếu không sẽ mất đi ý nghĩa. Mỗi khi phục dựng xong tấm ảnh cho liệt sĩ, mình cảm thấy vui mừng với thành quả của sự tìm tòi, học hỏi và đã làm được việc có ích cho xã hội”, Hoàng bày tỏ.

Sung sướng, mừng rỡ khi giúp được cho các gia đình liệt sĩ có tấm ảnh thờ chỉn chu hơn, thế nhưng, trong quá trình thực hiện việc làm ý nghĩa này, Hoàng gặp một số khó khăn. Thời xưa, do hoàn cảnh chiến tranh nên nhiều gia đình ít có ảnh người thân hoặc nếu có đã mang đi chôn giấu nên bị nhàu nát, cũ kỹ... Bên cạnh đó cần có kinh phí để in ảnh, làm khung ảnh.

Luôn mang trăn trở này trong suy nghĩ, có cơ duyên gặp gỡ cán bộ Đoàn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, Chi đoàn Liên cơ quan 2, huyện Quảng Điền..., Hoàng được các đơn vị tiếp sức, lan tỏa bằng những việc làm cụ thể. Nếu như trước đây, Hoàng chỉ nhận được 4-5 ảnh để phục dựng, sau khi nhờ sự lan tỏa của Đoàn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, Chi đoàn Liên cơ quan 2, huyện Quảng Điền cùng các Chi đoàn Sở Tư pháp, TAND tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh... và nhiều trang mạng xã hội, đến nay, Hoàng nhận được 76 tấm ảnh cũ của liệt sĩ trên địa bàn tỉnh.

Anh Nguyễn Văn Anh - Phó Bí thư Đoàn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế, chia sẻ, vừa qua, Đoàn Sở đã chủ động phát văn bản về các địa phương để các gia đình liệt sĩ có nhu cầu phục dựng ảnh đăng ký cũng như đơn vị đã chủ trì trong việc huy động nguồn lực xã hội hóa để có thêm kinh phí in ảnh, làm khung ảnh...

Do số lượng ảnh gửi về nhiều nên nhóm hoạt động đã phân công thêm anh Nguyễn Minh Anh - Bí thư Chi đoàn Liên cơ quan 2, huyện Quảng Điền hỗ trợ tích cực anh Hoàng trong việc phục dựng ảnh liệt sĩ. Hoạt động phục hồi ảnh liệt sĩ đã được Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế biểu dương và đánh giá cao.

“Đây là hoạt động tri ân thế hệ cha anh đã cống hiến bao xương máu, tính mạng để đổi lấy nền độc lập, tự do cho đất nước chúng ta ngày hôm nay. Qua đây, mong muốn các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm cùng chung tay hưởng ứng, lan tỏa hơn nữa hoạt động này để có thêm nguồn lực, sự chia sẻ của xã hội trong hoạt động đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sĩ”, anh Văn Anh bày tỏ thêm.

Thấm sâu đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, thế hệ trẻ Thừa Thiên Huế hôm nay ra sức cống hiến hết mình cho công việc cũng như đặt trọn tâm huyết thực hiện những việc làm ý nghĩa cho các gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Thông qua việc làm nhỏ bé như phục dựng ảnh liệt sĩ, các bạn trẻ muốn truyền tải thông điệp của lòng biết ơn vô hạn dành cho thế hệ cha anh đã hy sinh tất cả vì Tổ quốc, vì hòa bình của dân tộc.

Tranh thủ thời gian, Hoàng cùng nhóm đang gấp rút phục dựng ảnh để kịp phối hợp với các đơn vị trao hàng chục tấm ảnh, khung ảnh cùng phần quà cho các gia đình liệt sĩ trong dịp kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ. Nhờ đó, các gia đình có được tấm ảnh sáng, rõ đẹp hơn để thờ phụng người thân của mình. Khi trao xong ảnh cho người thân liệt sĩ, Hoàng vẫn sẽ tiếp tục công việc phục dựng di ảnh liệt sĩ. Điều chàng trai này trăn trở hơn khi có gia đình liệt sĩ không có tấm ảnh để thờ phụng người có công với công cuộc giải phóng dân tộc...