Iran đặt mục tiêu thu hút đầu tư
Tổng thống mới của Iran Masoud Pezeshkian vừa có bài phát biểu trước công chúng lần đầu kể từ khi nhậm chức cuối tháng 7/2024, trong đó công bố các kế hoạch thu hút đầu tư lớn; khẳng định Iran cần khoảng 100 tỷ USD đầu tư nước ngoài để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%/năm, từ mức 4% hiện nay. Giới chuyên gia đánh giá mức tăng trưởng kinh tế 8% sẽ giúp giảm tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp hiện ở mức hai con số ở Iran.
Tổng thống Pezeshkian cũng chỉ rõ những tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt, đồng thời cho rằng, Chính phủ Iran có thể giảm tỷ lệ lạm phát hiện ở mức hơn 40% mỗi năm, nếu Tehran giải quyết được các vấn đề với các quốc gia láng giềng và trên thế giới. Theo ông Pezeshkian, việc mở rộng hợp tác kinh tế với thế giới bên ngoài là một trong những kế hoạch lớn của Chính phủ Iran nhằm kiểm soát lạm phát. Tuy vậy, mục tiêu giảm lạm phát xuống 30% vào cuối năm 2024 còn phụ thuộc vào những diễn biến trong nước và quốc tế.
Tổng thống Pezeshkian xác nhận sẽ thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới nước láng giềng Iraq và sau đó đến New York (Mỹ) để tham dự cuộc họp của Đại hội đồng LHQ vào các ngày 22 và 23/9. Trong chuyến công tác ở New York, ông sẽ gặp gỡ các kiều bào Iran đang sinh sống ở Mỹ để mời họ về nước làm ăn và đầu tư. Trong số hơn 8 triệu người Iran ở nước ngoài, có khoảng 1,5 triệu người đang sinh sống tại Mỹ.
Về chính sách đối ngoại, chính phủ của Tổng thống Pezeshkian sẽ nỗ lực giải quyết các vấn đề vướng mắc giữa Iran và các quốc gia khác, bao gồm cả các nước láng giềng. Iran đang trong quá trình đàm phán để ký kết các thỏa thuận hợp tác với khoảng 40 quốc gia. Nền kinh tế Iran đã phải đối mặt nhiều khó khăn kể từ năm 2018, thời điểm Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt thêm các lệnh trừng phạt chống Tehran. Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống mấy tháng trước, ông Pezeshkian cam kết sẽ cố gắng khôi phục thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc thế giới.
Hy vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi hy vọng thỏa thuận hạt nhân với Iran, còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), sẽ được khôi phục nhằm bảo đảm các hoạt động hạt nhân của quốc gia Nhà nước Hồi giáo mang tính chất hòa bình. Tổng Giám đốc Rafael Grossi cho biết, ông đã nhận được phản hồi từ tân Tổng thống Iran Pezeshkian báo hiệu tiềm năng nối lại đối thoại nhằm bảo đảm bản chất hòa bình của các hoạt động hạt nhân mà Iran đang tiến hành. Tổng Giám đốc IAEA nhấn mạnh nhu cầu tăng cường sự minh bạch và hợp tác, nhất là trong bối cảnh năng lực hạt nhân của Iran đang có những bước phát triển. Trước đó, lãnh đạo IAEA hy vọng chuyến thăm sắp tới của ông tới Iran có thể tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán mang tính xây dựng dẫn đến những kết quả cụ thể.
Người đứng đầu IAEA từng cảnh báo Iran có đủ urani làm giàu đến mức gần cấp độ vũ khí để chế tạo bom hạt nhân, thừa nhận rằng cơ quan của LHQ không thể bảo đảm việc không có máy ly tâm nào của Iran có thể bị bóc tách để làm giàu bí mật. Iran luôn khẳng định không có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân và hoạt động nguyên tử của Tehran được thực hiện cho mục đích y tế và nghiên cứu dân sự. Các camera giám sát do IAEA lắp đặt trong các nhà máy làm giàu urani tại Iran đã bị dỡ bỏ, cùng việc Iran cấm một số thanh tra viên giàu kinh nghiệm của cơ quan này giám sát chương trình hạt nhân của mình.