Theo AFP, phát biểu ý kiến tại một diễn đàn ở thành phố Novi Sad khi đang có chuyến thăm Serbia, Tổng thống Macron thừa nhận châu Âu đang "tụt hậu chút ít" so với Mỹ và Trung Quốc. Do đó, châu lục này cần "bắt kịp, đổi mới, đầu tư hơn nữa" về AI để có thể sánh ngang với hai cường quốc nói trên.
Theo Tổng thống Pháp, châu Âu cần tạo ra mô hình đổi mới hỗn hợp công-tư, với trọng tâm là “AI phục vụ các mục tiêu chung”. Bên cạnh đó, châu Âu cần định hình mô hình AI khác với mô hình do chính phủ của Trung Quốc xây dựng, cũng phải khác so mô hình hoàn toàn thuộc tư nhân của Mỹ. Ông cho rằng để thu hẹp khoảng cách, mô hình đổi mới phải dựa trên cơ sở khoa học, được định hướng bởi các tiêu chuẩn chung và dựa trên những giải pháp “hài hòa và cởi mở”.
Từ khi AI manh nha ra đời, châu Âu vốn tỏ ra thận trọng trong việc quản lý, kiểm soát sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Những rủi ro cao liên quan AI như ô-tô tự hành, thiết bị y tế, dịch vụ tài chính và dịch vụ giáo dục đã khiến các quốc gia châu Âu lo ngại về những mối đe dọa đối với sức khỏe, sự an toàn và quyền của công dân. Chính vì thế, Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 5/2024 đã thông qua đạo luật đầu tiên trên thế giới về sử dụng AI.
Luật này của EU đặt ra “các quy tắc toàn diện” cho công nghệ AI và dựa trên đánh giá rủi ro khi sử dụng chúng trong giao thông tự động, thiết bị y tế, dịch vụ tài chính và giáo dục. Ngoài ra, luật còn đưa ra các hạn chế nghiêm ngặt đối với cái gọi là “hệ thống AI tổng hợp”, chẳng hạn như ứng dụng ChatGPT đình đám của Công ty OpenAI. Những công cụ này phải tuân theo các yêu cầu về tuân thủ luật bản quyền và được kiểm tra an ninh mạng thường xuyên.
Thành thử, sự thận trọng của giới chức châu Âu trên đường đua phát triển AI đã khiến “lục địa già” đi sau Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, nhằm bảo đảm sự an toàn và tuân thủ các quyền cơ bản trong tiến trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo thì châu Âu đang tiến chậm mà chắc, từng bước kiểm soát các công cụ AI để tránh những rủi ro phát sinh.