Gánh nặng của “lục địa đen”

Châu Phi đang đối mặt cuộc khủng hoảng chưa từng có do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra. Việc thiếu thốn nguồn lực tài chính khiến châu lục này càng lâm vào cảnh khó khăn. Sự hỗ trợ của các quốc gia giàu có theo những cam kết đã đưa ra chính là chất xúc tác nhằm giúp các nước châu Phi nghèo nhất chống chọi cuộc khủng hoảng hiện nay.
Biếm họa: FARUK SOYARAT
Biếm họa: FARUK SOYARAT

Theo Reuters, báo cáo mới nhất của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho thấy, "lục địa đen" đang hứng chịu những tác động ngày càng nghiêm trọng của các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, lũ lụt và sóng nhiệt. Hậu quả của BĐKH đã gây ra những thiệt hại kinh tế khổng lồ cho châu Phi. Trung bình, các quốc gia châu Phi mất tới 5% GDP mỗi năm do các hiện tượng thời tiết cực đoan. Điều này đồng nghĩa với việc hàng tỷ USD bị mất đi mỗi năm, vốn có thể được sử dụng để đầu tư vào y tế, giáo dục và phát triển kinh tế.

Để giảm thiểu những thiệt hại này, nhiều quốc gia châu Phi đã phải dành tới 9% ngân sách của mình cho các hoạt động ứng phó với BĐKH, gây áp lực lớn lên tài chính công. Không chỉ gây ra thiệt hại về kinh tế, BĐKH còn đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục triệu người dân châu Phi. Ước tính đến năm 2030, có tới 118 triệu người sẽ phải đối mặt tình trạng thiếu nước sạch, mất an ninh lương thực và các bệnh dịch liên quan BĐKH.

Báo cáo của WMO tập trung vào các chỉ số và tác động của BĐKH vào năm 2023 - năm nóng nhất thế giới được ghi nhận cho đến nay. Tổng Thư ký WMO Celeste Saulo cho biết: "Trong 60 năm qua, châu Phi đã chứng kiến xu hướng ấm lên diễn ra nhanh hơn mức trung bình toàn cầu. Vào năm 2023, lục địa này đã trải qua các đợt nắng nóng kinh hoàng, mưa lớn, lũ lụt, bão nhiệt đới và hạn hán kéo dài".

Đại sứ Josefa Leonel Correia Sacko, Ủy viên phụ trách Nông nghiệp, Phát triển nông thôn, Kinh tế xanh và Môi trường bền vững tại Ủy ban Liên minh châu Phi (AU), nhấn mạnh: “Báo cáo Tình hình khí hậu ở châu Phi năm 2023 nêu bật nhu cầu cấp thiết phải đầu tư vào các dịch vụ khí tượng và hệ thống cảnh báo sớm để giúp thích ứng với BĐKH và xây dựng khả năng phục hồi ở châu Phi". Bà nêu rõ, châu Phi phải đối mặt gánh nặng và rủi ro phát sinh từ các hình thái thời tiết cực đoan liên quan BĐKH, gây ra các cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn với những tác động bất lợi đến nông nghiệp, an ninh lương thực, giáo dục, năng lượng, cơ sở hạ tầng, hòa bình và an ninh, sức khỏe cộng đồng, tài nguyên nước và phát triển kinh tế xã hội nói chung.

Báo cáo của WMO cho rằng, các quốc gia châu Phi cần tăng cường đầu tư vào các hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng các công trình hạ tầng có khả năng chống chịu thiên tai và phát triển các giải pháp nông nghiệp bền vững. Cộng đồng quốc tế cũng cần tăng mạnh hỗ trợ tài chính và công nghệ cho châu Phi để giúp lục địa này thích ứng với BĐKH.

WMO, Ủy ban AU, Ủy ban Kinh tế LHQ về châu Phi và Hội nghị Bộ trưởng Khí tượng châu Phi công bố báo cáo trên với sự hợp tác của các đối tác tại Hội nghị BĐKH vì sự phát triển ở châu Phi (CCDA) lần thứ 12 tại Abidjan (Côte d'Ivoire) ngày 2/9. Báo cáo này bổ sung cho Báo cáo Tình hình Khí hậu toàn cầu của WMO và nằm trong số một loạt các báo cáo khu vực của WMO cung cấp cơ sở quan sát để thúc đẩy hành động và hỗ trợ ra quyết định.

Giới quan sát nhận định rằng, để giảm thiểu tác động tiêu cực của BĐKH lên các quốc gia châu Phi, các nước phát triển cần thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của mình theo Hiệp định Paris về BĐKH năm 2015, đồng thời bảo đảm triển khai và thực hiện các hành động cụ thể và không nên dừng lại ở mức cam kết. Khoảng cách giữa những nước phát triển - vốn là các bên gây ô nhiễm chính - và các nước nghèo, sẽ không bị nới rộng hơn nếu các nước phát triển gia tăng tài trợ cho quá trình giảm thiểu tác hại của BĐKH. Qua đó, gánh nặng tài chính của châu Phi dành cho chống BĐKH sẽ nhẹ bớt và “lục địa đen” sẽ có thêm nguồn tiền chi tiêu cho các hoạt động phát triển kinh tế.