Xóa rào cản để phát triển nông nghiệp

Hiện nay, chính sách đất đai trong nông nghiệp (NN) đang còn nhiều bất cập, là rào cản lớn đối với NN hàng hóa. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến người nông dân có đất không muốn “buông”, tự sản xuất manh mún. Ngược lại, người muốn có đất để làm NN hiệu quả lại không tiếp cận được nguồn đất.

Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún. Ảnh: NG.ANH
Sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún. Ảnh: NG.ANH

Theo nghiên cứu của Viện Chính sách và chiến lược phát triển NN - nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) được công bố tại Diễn đàn NN mùa Thu 2019 với chủ đề “Chính sách đất đai và sự phát triển NN Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, diện tích bình quân hộ nông dân hiện chỉ ở mức dưới 0,5ha/hộ. Năng suất sử dụng đất cũng rất thấp, chỉ khoảng 1.000 USD/ha, tương đương với Lào và chỉ bằng một phần hai Philippines. Đóng góp của đất đai cho tăng trưởng NN có xu hướng giảm. Số lượng doanh nghiệp (DN) NN tăng nhưng chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng số DN cả nước. Đặc biệt, có hơn 90% số DN là DN nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, với từ 10 đến 50 lao động. Doanh thu bình quân của các DN NN chỉ đạt 3,6 tỷ đồng/năm. Thu nhập từ NN hiện còn thấp, bình quân chung cả nước mới đạt khoảng 47 triệu đồng/người/năm. Điều này khiến nông dân có xu hướng giảm diện tích đất sử dụng, người dân không thiết tha với sản xuất NN.

Theo một thống kê, tỷ lệ bỏ hoang đất NN đã tăng từ 1,7% vào năm 2014 lên 3,8% vào năm 2016; đồng thời diện tích sử dụng đất bình quân hộ giảm 0,9% trong giai đoạn 2014 - 2016. Hiện nay, diện tích đất sản xuất NN bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ đạt 0,25 ha, trong khi trên thế giới là 0,52 ha và khu vực là 0,36 ha. Nền NN Việt Nam được phát triển chủ yếu dựa vào khoảng 10 triệu hộ nông dân cá thể với hơn 76 triệu thửa và mảnh ruộng nhỏ lẻ, phân tán.

Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) Nguyễn Đức Thành, đại diện cơ quan điều phối Liên minh NN đánh giá, đây là một trong những trở ngại lớn nhất cho việc phát triển nền NN hữu cơ, hiện đại và bền vững trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa DN. Đặc biệt là các tập đoàn kinh tế với các hộ nông dân xây dựng cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung công nghệ cao dưới tác động của thị trường, công nghiệp, hội nhập quốc tế và biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, từ nhiều năm nay, Nhà nước đã có chủ trương tích tụ và tập trung ruộng đất, nhưng kết quả không đạt được mục tiêu kỳ vọng. Một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là thị trường đất NN chưa phát triển, vẫn còn bất cập trong chính sách đất đai NN.

Viện trưởng Chính sách và chiến lược phát triển NN - nông thôn Trần Công Thắng thẳng thắn chỉ rõ, chính sách đất đai trong NN hiện nay đang là rào cản lớn đối với NN hàng hóa. Dù quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, nhưng diện tích đất NN vẫn còn rất lớn, nhất là đất lúa. Tuy nhiên, thu nhập từ canh tác trên đất NN lại ngày càng thấp khiến nhiều nông dân không thiết tha với ruộng đất.

Trong khi đó, theo nhiều nghiên cứu khác nhau, những hộ có diện tích đất NN trồng lúa ít nhất từ 2,5 - 3 ha thì thu nhập mới đủ sống, diện tích dưới 2,5 ha thì cuộc sống hầu như bấp bênh và chắc chắn người dân không thể dựa vào cây lúa để có cuộc sống ổn định. Chất lượng đất ngày càng giảm, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp khiến ngày càng nhiều người dân bỏ hoang đất NN.

Để tháo bỏ những rào cản về chính sách trong đất đai NN, thúc đẩy tích tụ ruộng đất, ông Trần Công Thắng cho rằng, nên bỏ hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất NN và sử dụng hạn mức nhận chuyển nhượng hiện nay là mức khởi điểm để đánh thuế sử dụng đất NN theo kiểu lũy tiến; quy định và giám sát chặt chẽ diện tích tối thiểu để tránh tách thửa. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích DN đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, trung tâm công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ thông qua việc thuê đất NN hoặc liên kết với trang trại, hợp tác xã (HTX); xây dựng chính sách hỗ trợ các cá nhân đăng ký làm trang trại, gia trại tích tụ đất NN; hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX thuê đất NN của các hộ nông dân…

Dưới góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu về chính sách, ông Nguyễn Đức Thành nhận định, thị trường đất NN Việt Nam đang gặp trục trặc, người có đất thì không muốn “buông”, tự sản xuất thì manh mún. Ngược lại, người muốn có đất để làm NN hiệu quả lại không tiếp cận được nguồn đất. Đó là nguyên nhân khiến giá trị của thị trường đất đai không gặp nhau, quá trình tăng hiệu quả của đất NN không diễn ra. Cơ chế đang tạo ra một nhóm trung gian có biểu hiện tham nhũng đất đai, không minh bạch. Để chuyển đổi, DN phải trả rất nhiều tiền để lo lót giấy tờ, trong khi người nông dân cung ứng đất lại không nhận được đền bù tương xứng. Giải pháp cơ bản là trao quyền nhiều hơn nữa cho người nông dân có đất. Những người có nhu cầu sử dụng đất đai như DN có thể trao đổi trực tiếp với người nông dân, khi có lợi họ sẽ sẵn sàng giao đất cho DN…

TS Bùi Hải Thiêm (Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội) thì cho rằng, Nhà nước nên quy định chỉ sử dụng một hình thức là thuê đất, bãi bỏ quy định về thời hạn giao đất, cho thuê đất NN, xóa bỏ sự phân biệt về quyền được cho các chủ thể sử dụng đất. Bên cạnh đó, thay thế quyền chuyển đổi và quyền chuyển nhượng bằng quyền mua bán. Đặc biệt, cần bãi bỏ hoặc mở rộng hạn điền trước khi chính thức sửa đổi Luật Đất đai.