Xóa khoảng tối trong ngõ, hẻm

Trong quá trình phát triển đô thị, ngoài hệ thống chiếu sáng công cộng do Nhà nước đầu tư và quản lý tập trung, vẫn đang tồn tại hệ thống chiếu sáng ngõ, hẻm do người dân tự thực hiện để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày, do những nơi này chưa được đầu tư hệ thống chiếu sáng công cộng.
0:00 / 0:00
0:00
Một số ngõ, hẻm trước (ảnh ngoài cùng, bên trái) và sau khi được đầu tư hệ thống chiếu sáng tiêu chuẩn. Nguồn: SAPULICO
Một số ngõ, hẻm trước (ảnh ngoài cùng, bên trái) và sau khi được đầu tư hệ thống chiếu sáng tiêu chuẩn. Nguồn: SAPULICO

Theo thống kê, hiện TP Hồ Chí Minh có hơn 14 triệu người sinh sống với mật độ dân số trung bình là 4.292 người/km2, trong đó, có tới khoảng 85% số cư dân ở trong các ngõ, hẻm.

Thực trạng tiềm ẩn nhiều rủi ro

TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 200.000 bộ đèn chiếu sáng ngõ, hẻm, bao gồm nhiều loại khác nhau, như đèn compact, đèn sợi đốt,... Các đèn chiếu sáng ngõ, hẻm được đấu nối trực tiếp vào lưới điện của ngành điện; điện năng tiêu thụ riêng cho hệ thống đèn này được tính khoán dựa trên công suất đèn và thời gian tắt mở đèn, chứ không qua hệ thống đo đếm điện năng của thành phố.

Hầu hết các đèn này không bảo đảm về chất lượng kỹ thuật chiếu sáng, có nơi dư sáng, ngược lại, nhiều nơi vẫn thiếu sáng. Các đèn trong ngõ, hẻm hiện hữu thường không phù hợp để chiếu sáng công cộng, tắt mở theo lối thủ công, không bảo đảm khoảng cách và cao độ, cũng không được tính toán chọn công suất và độ rọi phù hợp với từng khu vực cụ thể. Vì vậy, hiệu suất chiếu sáng nhìn chung không đạt yêu cầu, dẫn đến tiêu thụ điện cao hơn mức cần thiết, làm ảnh hưởng đến nguồn điện chung, đặc biệt là các giờ cao điểm, gây áp lực quá tải trạm điện cơ sở.

Do chưa được quản lý một cách khoa học, hệ thống đèn chiếu trong ngõ, hẻm này dễ bị mất mát, hư hỏng mà không được thay thế, sửa chữa kịp thời. Thêm vào đó, các đèn này chỉ được tắt mở riêng lẻ từng cái, dẫn đến tình trạng có nơi đèn chiếu sáng cả vào ban ngày gây lãng phí, phản cảm. Việc chiếu sáng trong ngõ, hẻm chỉ bằng câu móc điện tạm bợ, đi dây chằng chịt làm mất mỹ quan đô thị đồng thời luôn tiềm ẩn rủi ro về cháy nổ, mất an toàn điện.

Trong khi đó, hệ thống đèn chiếu sáng công cộng được thực hiện theo kế hoạch và quy định chuyên ngành sử dụng thiết bị được chọn lọc, bảo đảm chất lượng, thi công đúng kỹ thuật theo thiết kế nên lưới điện luôn gọn gàng. Hệ thống luôn được bảo vệ, phòng, chống cháy nổ và tắt mở bằng thiết bị điều khiển tự động để bảo đảm an toàn, hiệu quả, phù hợp từng khu vực cụ thể.

Thực tế cho thấy, ngõ, hẻm nào mà đèn chiếu sáng đã được cải tạo, thay thế bằng hệ thống chiếu sáng chính quy thì mức độ an ninh, an toàn ở đó được tăng lên đáng kể, giảm đi các biểu hiện của tệ nạn xã hội. Về mỹ quan, hệ thống đèn chiếu sáng ngõ, hẻm sau khi được cải tạo, thay thế đã cho thấy sự thay đổi rõ rệt về hình ảnh, hiện đại, văn minh.

Chuyển đổi mô hình quản lý

Nhiều năm qua, ngoài việc tăng cường phát triển hệ thống chiếu sáng công cộng trên trục đường phố chính, thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp để từng bước cải tạo, nâng cấp, thay thế hệ thống chiếu sáng ngõ, hẻm theo quy chuẩn hệ thống chiếu sáng công cộng để nâng cao chất lượng và quản lý tập trung. Việc chuyển đổi mô hình hệ thống chiếu sáng ngõ, hẻm sang hệ thống chính quy là xu thế tất yếu, bảo đảm an toàn, an ninh và công bằng trong sử dụng tiện ích xã hội cho người dân đang cư trú trong các ngõ, hẻm.

Ngày 4/2/2021, thành phố đã ban hành Quyết định số 398/QĐ-UBND về Chương trình phát triển hệ thống chiếu sáng đô thị TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030. Chương trình nhằm quy hoạch, định hướng lại việc phát triển và quản lý hệ thống chiếu sáng đô thị trên địa bàn thành phố, trong đó, có việc dần chuyển hệ thống chiếu sáng ngõ, hẻm sang chính quy, theo quy chuẩn hệ thống chiếu sáng công cộng, với lộ trình thay thế 20% mỗi năm. Việc chiếu sáng ngõ, hẻm đang từng bước được cải thiện đồng bộ với hệ thống tủ, thiết bị đóng cắt, đèn LED công suất nhỏ (nhỏ hơn 40W),…

Theo tính toán ban đầu, hiệu quả tiết kiệm điện năng và giảm phát thải khí CO2 là hết sức rõ rệt nếu thành phố triển khai thành công chương trình này. Công suất tiêu thụ điện sẽ giảm từ 11.000kW xuống 4.400kW, giảm lượng điện tiêu thụ trong năm từ 48.180.000kWh xuống 17.666.000kWh, đặc biệt giảm lượng phát thải khí CO2 từ 26.995.254kg xuống 9.898.259,8kg. Như vậy, có thể thấy, phương án chuyển đổi sẽ có lượng điện tiêu thụ và phát thải khí nhà kính chỉ bằng khoảng 36,67% so thực tế chiếu sáng ngõ, hẻm hiện nay.