Xóa "điểm đen" trong đào tạo lái xe

Bộ Giao thông vận tải vừa xây dựng kế hoạch cho đợt kiểm tra lớn nhất từ trước đến nay đối với các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe. Mục tiêu là nhằm chặn những tiêu cực từ hoạt động này, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự xã hội, đề xuất phương thức quản lý hiệu quả.
0:00 / 0:00
0:00
Học viên thực hành lái xe tại Trung tâm sát hạch Việt Thanh.
Học viên thực hành lái xe tại Trung tâm sát hạch Việt Thanh.

Cứ kiểm tra là ra… sai phạm

Theo Bộ Giao thông vận tải, đợt kiểm tra tới đây sẽ đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật của các chủ thể trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đồng thời phòng ngừa, phát hiện, xử lý tồn tại, vi phạm và hướng dẫn các đơn vị được thanh tra, kiểm tra thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Trên thực tế những năm qua, Bộ Giao thông vận tải đã từng tổ chức các đợt kiểm tra công tác đào tạo, sát hạch lái xe. Cụ thể năm 2017, đợt kiểm tra tại sáu địa phương gồm Lâm Đồng, Tây Ninh, Sóc Trăng, Nam Định, Hà Giang, Lào Cai đã chỉ ra công tác quản lý lỏng lẻo, dẫn đến nhiều trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe vi phạm quy định pháp luật. Tại các địa phương này, số cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe cùng số học viên không nhiều so các tỉnh, thành phố khác nhưng tại các cơ sở đào tạo lại thiếu phòng học chuyên môn; sân tập lái không đủ diện tích tối thiểu nên chưa đủ hình bài tập. Thậm chí, nhiều sân không đáp ứng cho đào tạo lái xe đến hạng D, E theo quy định nhưng vẫn tổ chức sát hạch, có sân sát hạch thiếu bài số 3 và số 8…

Năm 2018, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cũng phát hiện hàng loạt vi phạm tại các cơ sở đào tạo, sát hạch lái xe, như: Trung tâm Dạy nghề giao thông vận tải Thành Nam (Ninh Bình) thiếu một phòng học Kỹ thuật lái xe; Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe PTS (Nghệ An) thiếu phòng học Pháp luật giao thông đường bộ. Về xe tập lái, đoàn Thanh tra cũng phát hiện có tới 30/31 đơn vị được kiểm tra có sân tập lái thiếu biển báo hiệu đường bộ, hoặc có biển báo hiệu không đúng quy định. Về công tác đào tạo, cơ quan chức năng phát hiện 19 đơn vị không xây dựng, ban hành giáo trình đào tạo lái xe trên cơ sở giáo trình khung của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Từ năm 2020 đến năm 2022, dù có thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, nhiều hoạt động bị ngưng trệ, song trong thời gian được phép hoạt động, không ít trung tâm đào tạo vẫn vi phạm. Đáng chú ý, nhiều đơn vị có sân tập lái thiếu biển báo hiệu đường bộ, vạch sơn kẻ đường, thanh ray đường sắt như: Trường cao đẳng Công nghệ và Kỹ thuật ô-tô, Trung tâm Dạy nghề và Đào tạo lái xe Hùng Vương, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Phú Thọ, Trung tâm Đào tạo-sát hạch lái xe Phú Thọ, Trung tâm Dạy nghề và đào tạo lái xe Việt Trì (Phú Thọ); Trường cao đẳng Nghề số 19 Bộ Quốc phòng, Trường cao đẳng Giao thông Quảng Ninh, Trường trung cấp nghề Giao thông vận tải Thái Bình (Thái Bình); Trường cao đẳng Than-Khoáng sản Việt Nam (Quảng Ninh)… Ngoài ra, cơ quan chức năng phát hiện, một số giáo viên dạy thực hành lái xe có phù hiệu nhưng không có ảnh hoặc không đóng dấu giáp lai lên ảnh theo mẫu; nhiều đơn vị có giáo viên dạy thực hành lái xe không phù hợp hạng xe trong giấy chứng nhận tập huấn giáo viên dạy thực hành lái xe…

Hơn cả những "điểm đen" trên đường

Cả nước hiện có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô-tô, 339 cơ sở đào tạo lái xe ô-tô, 135 trung tâm sát hạch lái xe ô-tô. Đợt kiểm tra lần này thu hút sự quan tâm lớn của dư luận bởi ít nhiều liên quan những vấn đề nổi cộm tại các trung tâm đăng kiểm. Thêm nữa, tỷ lệ phương tiện giao thông cá nhân nước ta ngày càng lớn và tai nạn giao thông vẫn luôn diễn biến khó lường, công tác đào tạo, sát hạch lái xe trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của dư luận, ảnh hưởng tới sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) kiến nghị Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đưa nội dung lái xe trên đường cao tốc vào chương trình đào tạo; phối hợp các cơ quan chức năng quản lý lái xe, kiểm tra kỹ hồ sơ học lái xe, giấy khám sức khỏe để phát hiện kịp thời các trường hợp sử dụng chất ma túy, lái xe mắc bệnh tâm thần không đủ điều kiện lái xe để có biện pháp thu hồi giấy phép lái xe.

Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội cho biết thêm: "Trong lĩnh vực đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe có một số khâu bị buông lỏng. Dư luận từng nhiều lần bức xúc bởi khâu tiếp nhận hồ sơ đào tạo. Tại một số nơi, người học chỉ cần nộp chứng minh thư và ảnh sẽ có người "bao" các khâu còn lại như khám sức khỏe, nộp hồ sơ… Đây là những tiêu cực mà nhiều người biết. Chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe là yếu tố then chốt quyết định tới an toàn giao thông, đồng thời là nhu cầu thiết yếu đáp ứng sự phát triển trong hệ thống giao thông hiện đại".

Bảo đảm an toàn giao thông là công việc quan trọng giúp xã hội được bình yên hơn, giảm thiệt hại về người và của cho người dân. Theo nhiều chuyên gia giao thông, công tác kiểm tra, thanh tra lĩnh vực này cần được làm thực chất hơn, xử lý nghiêm những vi phạm, tránh để "lọt" những tài xế kém chất lượng tham gia giao thông.

Cũng theo nhiều chuyên gia, bên cạnh việc vẫn còn những vụ tai nạn nghiêm trọng thì sự xuất hiện của "điểm đen" ở các đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe và trong khâu đăng kiểm… còn nguy hiểm hơn "điểm đen" trên đường. Như ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, từng chia sẻ, để giảm tai nạn giao thông, ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông tốt, cũng cần kiểm soát, nâng cao chất lượng và ý thức của người điều khiển phương tiện giao thông.