Khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV

Xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XIV đã chính thức khai mạc sáng ngày 20-7, tại Thủ đô Hà Nội. Rất nhiều công việc hệ trọng, cấp bách của đất nước đang đòi hỏi 494 vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phải nỗ lực hành động ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ.

Ảnh: TTXVN
Ảnh: TTXVN

Chọn người đứng đầu

Quốc hội khóa XIV bắt đầu nhiệm kỳ trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tích cực thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đây cũng là thời điểm đánh dấu một giai đoạn phát triển mới. Ở đó, bên cạnh những thuận lợi do thành tựu của công cuộc đổi mới 30 năm qua mang lại, đất nước cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Với sự tín nhiệm, tin tưởng của đồng bào cử tri cả nước, 494 ĐBQH vừa được bầu sẽ gánh trọng trách hiện thực hóa những kỳ vọng mà nhân dân giao phó. Để có được những thành tựu mới, một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trước mắt, ngay tại kỳ họp đầu nhiệm kỳ này là công tác xem xét, quyết định về tổ chức, bầu hoặc phê chuẩn nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước.

Luôn đề cao yếu tố con người, nhất là vai trò của người đứng đầu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu tại phiên khai mạc đã nhấn mạnh, nhiệm vụ hệ trọng của kỳ họp này là việc xem xét bầu các chức danh quan trọng của Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm cao của các vị ĐBQH. Đề nghị các vị đại biểu sáng suốt lựa chọn, bầu hoặc phê chuẩn những người xứng đáng vào chức danh lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan nhà nước, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý có hiệu lực hiệu quả của Nhà nước, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị.

Đề cao nhân tố con người, vai trò tiên quyết cho mọi thắng lợi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong phát biểu khai mạc đã khẳng định: “Bối cảnh quốc tế và đất nước đặt ra cho Quốc hội khóa XIV những nhiệm vụ nặng nề, yêu cầu bức thiết, đòi hỏi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, mỗi ĐBQH nhận thức rõ trách nhiệm trước đồng bào, cử tri cả nước để học tập, rèn luyện nâng cao năng lực chuyên môn và bản lĩnh, tích cực, chủ động và sáng tạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật”.

Vấn đề con người quan trọng là vậy nên suốt thời gian qua, từ công tác tổ chức thành công cuộc bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, cũng như công tác thẩm tra tư cách đại biểu đã được thực hiện khẩn trương và trách nhiệm. Việc Hội đồng Bầu cử quốc gia quyết định bác tư cách đại biểu của hai trường hợp ngay sát ngày khai mạc kỳ họp này đã khiến cử tri và nhân dân cả nước thêm niềm tin vào chất lượng ĐBQH nhiệm kỳ mới.

Giải quyết những nhiệm vụ cụ thể

Chia sẻ bên hành lang phòng họp Diên Hồng, nhiều ĐBQH, nhất là các đại biểu trẻ, đã bày tỏ sự quan tâm đến phần trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân trong cuộc bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp vừa diễn ra của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân. Trong đó, có những ý kiến về các hạn chế còn tồn tại, như: việc quán triệt, thể chế hóa và ban hành các kế hoạch, chương trình hành động để thực hiện chủ trương của Đảng, thi hành Hiến pháp, pháp luật, Nghị quyết của Quốc hội trong một số lĩnh vực chưa kịp thời, đầy đủ và đồng bộ; việc thực thi pháp luật ở nhiều nơi chưa nghiêm túc; công tác phối hợp nghiên cứu, xây dựng luật, pháp lệnh còn chưa chặt chẽ, dẫn đến một số văn bản, quy định ban hành chất lượng chưa cao, thậm chí còn nhiều sai sót; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền các cấp trong một số lĩnh vực còn hạn chế, yếu kém… Công tác phối hợp giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng còn nhiều vướng mắc. Công tác thanh tra, kiểm tra ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa sâu sát, thiếu quyết liệt; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số cơ quan chức năng và chính quyền địa phương còn chậm, một số vụ việc tồn đọng kéo dài,…

Cùng với đó, bên cạnh những thuận lợi từ những chuyển biến tích cực của kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, an toàn xã hội; thì những diễn biến phức tạp của thời tiết, biến đổi khí hậu, tai nạn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường còn khá nghiêm trọng,… cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết.

Dù là việc trước mắt hay việc lâu dài, việc nhỏ hay việc lớn khi có ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, đến quốc kế dân sinh, đến lợi ích quốc gia dân tộc thì hơn ai hết, các ĐBQH phải là người nắm rõ, sâu sát, đặt mối quan tâm lên trước hết và tự vấn trách nhiệm.

Có được nhân tố con người, nhưng để gặt hái được những thành tựu thì công tác tổ chức, phân công nhiệm vụ, giải pháp thực thi cũng hết sức quan trọng. Với tinh thần đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kiến nghị Quốc hội khóa XIV cần tập trung xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, khả thi, để tiếp tục thể chế hóa hệ thống chính trị, các quan điểm đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Muốn thế, theo Tổng Bí thư, cần bám sát đường lối chủ trương của Đảng và nắm chắc diễn biến của cuộc sống, tăng cường nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp, đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, nỗ lực phấn đấu đến năm 2020 nước ta có những đạo luật cơ bản, cần thiết, để từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân dân và cử tri kỳ vọng Quốc hội khóa XIV sẽ kế thừa, phát huy những thành tựu của những khóa trước, tiếp tục đổi mới tổ chức, đổi mới hoạt động, phấn đấu đạt được những tiến bộ quan trọng trong việc thực hiện cả ba chức năng cơ bản: lập pháp, giám sát tối cao, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần vào thành tựu chung của công cuộc đổi mới, nâng cao vai trò, vị thế của nước ta trên trường quốc tế, xứng đáng với sự trông đợi của cử tri và nhân dân cả nước.

Theo chương trình, trong tám ngày làm việc, Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng kết cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước; nghe Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách nhà nước sáu tháng đầu năm 2016, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và ngân sách nhà nước sáu tháng cuối năm 2016; xem xét, thông qua các Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016; Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề.