Xây dựng hệ giá trị nhằm phát triển đất nước, con người

Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” do Ban Tuyên giáo T.Ư phối hợp Hội đồng Lý luận T.Ư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội tổ chức với ba điểm cầu Hà Nội, Thừa Thiên-Huế và TP Hồ Chí Minh. Sự kiện lớn này có sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học về văn hóa, con người, gia đình, cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai các hệ giá trị Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ giá trị quốc gia cần được chắt lọc từ tinh hoa văn hóa dân tộc để kết hợp với những giá trị tiến bộ. Ảnh: QUANG HƯNG
Hệ giá trị quốc gia cần được chắt lọc từ tinh hoa văn hóa dân tộc để kết hợp với những giá trị tiến bộ. Ảnh: QUANG HƯNG

Hài hòa nét riêng dân tộc, nét phổ biến nhân loại

Mỗi quốc gia, dân tộc trên con đường phát triển luôn xây dựng hệ thống giá trị, còn gọi là hệ giá trị quốc gia, vừa như đích đến vừa là tiêu chuẩn để đánh giá ý nghĩa của các sự vật, hiện tượng đối với cá nhân, cộng đồng xã hội, quốc gia. GS, TS Đinh Xuân Dũng, nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật T.Ư nhận định: Thời kỳ quá độ hiện nay đang đặt ra nhiều lựa chọn, tính đa chiều trong nhận thức, trong thế giới tinh thần dẫn tới các xu hướng: lựa chọn đúng hướng, đứng vững; sự lúng túng, chờ thời và sự chệch hướng, cả cơ hội và “ngược hướng”… Bởi các hệ giá trị và chuẩn mực văn hóa đang được sắp xếp lại, tìm tòi mới, mở ra đa dạng hơn, từ đó đặt con người trước những thử thách và sự lựa chọn…

Thực tiễn đó đặt ra nhiệm vụ cấp thiết và chiến lược là phải khẩn trương, khoa học, xây dựng các giá giá trị văn hóa của quốc gia - dân tộc, con người Việt Nam để định hướng đúng đắn cho sự lựa chọn, đấu tranh với các khuynh hướng phản giá trị, lúng túng, bi quan, thờ ơ, dẫn tới lệch chuẩn, loạn chuẩn… đang tồn tại và có nguy cơ lan tràn trong thời kỳ quá độ hiện nay và những năm sắp tới.

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng cho rằng, hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa có vai trò quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh hiện nay với ý nghĩa soi chiếu nhằm điều chỉnh những hành vi văn hóa, đạo đức ứng xử và nhiều hành vi khác trong đời sống văn hóa, khắc phục những hạn chế, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Trên tinh thần đó, theo gợi mở của GS, TS Trần Văn Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thì giá trị quốc gia vừa mang những nét riêng của dân tộc, vừa mang những nét chung phổ biến của nhân loại. Từ đây, có thể hiểu khi nói tới giá trị quốc gia là nói tới giá trị tích cực, tiến bộ, thúc đẩy sự tiến bộ của quốc gia và nhân loại. Cùng nhận định này, GS, TS Từ Thị Loan, nguyên Viện trưởng Văn hóa Nghệ thuật quốc gia cũng cho rằng, hệ giá trị quốc gia phải kết hợp hài hòa giữa các giá trị thiết thân của dân tộc Việt Nam với các giá trị phổ quát, tiến bộ của thời đại và nhân loại. Hệ giá trị quốc gia không nên quá cao siêu, xa vời, ít tính khả thi, mà phải có sự cân đối, hài hòa giữa ý chí của tầng lớp lãnh đạo với điều kiện thực hiện và sự đồng thuận của người dân, phải xuất phát từ những mong đợi của nhân dân để cùng tự giác chung tay thực hiện. “Hệ giá trị quốc gia sẽ góp phần đoàn kết, quy tụ toàn dân Việt Nam hướng đến những mục tiêu chung, tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp chúng ta xây dựng một đất nước độc lập, tự chủ, hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc”, GS Từ Thị Loan nhấn mạnh.

Luôn cần bồi đắp, phát huy sức mạnh hệ giá trị

Mục tiêu đề ra của hội thảo cũng như thời gian tới, là xác định được đúng đắn, xác đáng hệ giá trị mới, trên cơ sở khoa học và thực tiễn khách quan, tránh chủ quan, duy ý chí, hô hào suông. Điều đó đòi hỏi một cách tiếp cận hệ thống, tổng thể, đa chiều, vừa có được sự đồng thuận cao trong giới nghiên cứu khoa học và các nhà lãnh đạo, vừa được đông đảo các tầng lớp nhân dân ủng hộ và thực hiện. Phó Chủ tịch Hội Khoa học phát triển nguồn nhân lực và nhân tài TP Hồ Chí Minh Hồ Bá Thâm đề xuất, cần cụ thể hóa hệ chuẩn mực con người Việt Nam bằng cách xây dựng luật, quy ước cộng đồng, gắn hệ chuẩn mực gia đình với văn minh, đời sống văn hóa ở cơ sở, đơn vị, xóm ấp, tổ, khu phố văn minh… Cùng với đó, nêu gương người tốt việc tốt, người tử tế, việc làm tử tế và phê bình, phê phán những ý thức, hành vi không thực hiện hoặc thực hiện lệch chuẩn, sai chuẩn…

Chính vì vậy, nhiều đại biểu tham dự hội thảo đi đến nhận định chung là cần tổng kết, đúc rút kết quả nghiên cứu của nhiều thế hệ các nhà khoa học đi trước, đồng thời tham khảo, học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Cùng với đó, kế thừa có chọn lọc các giá trị truyền thống của dân tộc, đồng thời tiếp thu các giá trị tiến bộ, phổ quát của nhân loại; bám sát quan điểm, đường lối của Đảng, tiếp thu ý kiến của giới trí thức tinh hoa. Song song dựa trên các quan điểm lý thuyết và bám sát thực tiễn; trưng cầu, lắng nghe ý kiến nhân dân, đáp ứng ý chí và kỳ vọng của nhân dân, đồng thời bảo đảm tính khả thi trong triển khai thực hiện.

Kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư khẳng định, Hội thảo “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để Đảng và Nhà nước ban hành quyết sách tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện các hệ giá trị. Tuy nhiên, những kết quả ấy chỉ thành công khi được hiện thực hóa trong đời sống của nhân dân, bảo đảm sự thống nhất cao giữa “ý Đảng - lòng dân”.

Theo đó, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư nhấn mạnh năm nhóm giải pháp trọng tâm thực hiện trong thời gian tới để phát triển các hệ giá trị quốc gia, gồm:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc và toàn diện hơn nữa những nội dung về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, xây dựng, cụ thể hóa các hệ giá trị cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của từng lĩnh vực, từng địa phương.

Thứ ba, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ, các nhà hoạt động văn hóa-xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh và truyền hình ở Trung ương và địa phương.

Thứ tư, lồng ghép thực hiện các hệ giá trị trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương, của mỗi lĩnh vực, nhất là gắn kết việc hiện thực hóa các giá trị với nhiệm vụ xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, củng cố quốc phòng an ninh và đối ngoại.

Thứ năm, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị: Ban Tuyên giáo T.Ư, Hội đồng Lý luận T.Ư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tham mưu những vấn đề nghiên cứu, xây dựng và triển khai hiện thực hóa các hệ giá trị được đề cập tại hội thảo.