1/Ngay từ khi lực lượng Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời tháng 12/1944, bước vào cuộc chiến đấu vĩ đại của dân tộc và ngày càng trưởng thành, lớn mạnh theo những chặng đường cách mạng của kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ…, thì văn học nghệ thuật đã sớm đồng hành và cùng ra trận một cách bền bỉ, sôi nổi để phản ánh, khắc họa, ngợi ca lớp lớp những thế hệ người lính từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu.
Sau khi nước nhà được thống nhất, việc khai thác các đề tài chiến tranh cách mạng vẫn tiếp tục là một phần việc quan trọng của văn học nghệ thuật. Cũng như, nhu cầu được truyền tải nhiều chiều, đa dạng hơn, sâu sắc hơn về người lính và những cuộc chiến đấu, những chiến công, những nỗi niềm của họ trong chiến tranh và thời hậu chiến đã ngày càng trở nên thôi thúc hơn trong đội ngũ văn nghệ sĩ.
2/Trong bối cảnh hiện nay, ngoài nhiệm vụ rèn luyện, bảo vệ Tổ quốc, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, những người lính đang tham gia ngày càng tích cực và hiệu quả vào nhiều mặt đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, các vùng miền, địa phương. Trong đó, thường xuyên và nổi bật, chính là sự tham gia vào phòng, chống thiên tai, bão lụt, làm công tác cứu nạn, cứu hộ. Những đợt bão lũ, đặc biệt ở khu vực miền trung, gây nhiều tổn thất cho người dân, các lực lượng bộ đội đã có mặt kịp thời để cứu người, vận chuyển hàng cứu trợ, bảo vệ tài sản, giúp dân khắc phục hậu quả. Ngư dân gặp nạn, gặp sự cố trên biển cũng được hải quân, cảnh sát biển hỗ trợ, hướng dẫn và thường xuyên được cảnh báo, tuyên truyền trong quá trình đánh bắt, mưu sinh trên biển. Nơi đảo xa, bộ đội ngoài nhiệm vụ canh giữ biển trời, còn đang hỗ trợ tích cực cho ngư dân tránh trú, tiếp nhiên liệu, khám, chữa bệnh. Trên đất liền, bộ đội tham gia tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội địa phương thông qua các hoạt động khám, chữa bệnh cho dân; phát triển các mô hình xóa đói giảm nghèo, trồng rừng, kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Cùng với đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp quân đội đang trở thành những mũi nhọn kinh tế trong xây dựng, phát triển giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin, viễn thông…, đóng góp hiệu quả vào đời sống kinh tế đất nước và nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng đời sống cho nhân dân…
Đó thật sự là những mảng đề tài rộng lớn, phong phú đang mong chờ, đòi hỏi sự phản ánh, phân tích, ghi nhận, tôn vinh của các văn nghệ sĩ bằng các tác phẩm văn học nghệ thuật. Trong khi đó, việc triển khai xây dựng các tác phẩm liên quan đến các mảng đề tài này dường như còn chưa được quan tâm, đầu tư, tổ chức thực hiện một cách thỏa đáng, tương xứng. Còn ít những tác phẩm về bộ đội giúp dân chống bão lũ, xóa nghèo, xóa mù chữ, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh dịch. Còn thiếu vắng những hình tượng, những câu chuyện đặc sắc về người lính làm kinh tế trong cơ chế thị trường, trong bối cảnh hội nhập. Cũng như chưa có tác phẩm về người lính Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ quốc tế, góp phần khẳng định tiếng nói, vị thế, hình ảnh Việt Nam trong gìn giữ hòa bình, ổn định chung…
Nếu như trước kia, việc sáng tác về đề tài chiến tranh cách mạng là một trong những nhiệm vụ hệ trọng, là trách nhiệm của nhiều văn nghệ sĩ, thì ngày hôm nay, để văn nghệ sĩ đến với người lính, ngoài câu chuyện trách nhiệm, thôi thúc tự thân, cũng cần thiết phải tạo ra dây dẫn, tạo ra sự kết nối, cung cấp các điều kiện để văn nghệ sĩ trải nghiệm, nung nấu, sáng tác và công bố tác phẩm hay.
3/Để bổ khuyết vào những mảng trống này, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, công bố, trình diễn các tác phẩm văn học nghệ thuật có sự nắm bắt và truyền tải mạnh mẽ, sâu rộng về người lính trong đời sống hiện tại, đương đại, rất nên tăng độ mở và tính linh hoạt trong việc tổ chức các hoạt động đồng hành, hỗ trợ sáng tạo. Nên có một số hình thức cụ thể như sau:
Bộ Quốc phòng và các cơ quan, đơn vị trực thuộc tăng cường nhiều hơn các cuộc thi cho từng thể loại văn học nghệ thuật, các cuộc vận động sáng tác riêng về chủ đề người lính hôm nay. Có sự đầu tư, nâng cao hơn về giá trị giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc giành giải cao. Hoạt động tổng kết, trao giải cần được truyền thông rộng rãi. Đặc biệt, các tác phẩm xuất sắc từ các hoạt động này cần được hỗ trợ tích cực, thiết thực trong việc công bố như in ấn sách văn học, nhiếp ảnh; tổ chức lưu động triển lãm tranh, ảnh; hòa âm, phối khí, thu âm, làm clip bài hát để phát sóng, trình diễn; dàn dựng tác phẩm múa, sân khấu, điện ảnh… để trình diễn, trình chiếu phục vụ công chúng.
Nhà nước phát huy hình thức đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với các hội nghề nghiệp trong khối Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trong việc tổ chức các cuộc thi, vận động sáng tác về người lính hôm nay. Cùng với đó, tổ chức chọn lựa các tác phẩm hay về đề tài người lính hôm nay để xuất bản, dàn dựng, phát hành thông qua các cơ quan báo, đài, các nhà xuất bản.
Thúc đẩy sự phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các hội nghề nghiệp văn học nghệ thuật trong việc tổ chức các cuộc thi, vận động sáng tác, công bố tác phẩm.
Ở quy mô nhỏ hơn về đối tượng, lực lượng, địa bàn, cũng rất nên thúc đẩy sự phối hợp giữa UBND các tỉnh, thành phố, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố với các quân khu, quân đoàn, quân binh chủng, đơn vị đóng trên địa bàn vùng, tỉnh, thành phố. Các cuộc thi, vận động sáng tác được tổ chức ở phạm vi này cũng tùy theo đặc thù công tác, nhiệm vụ của lực lượng bộ đội trên địa bàn mà nghiên cứu chọn lựa, tập trung vào các đề tài người lính phòng, chống thiên tai; tham gia phát triển kinh tế-xã hội địa phương; làm nhiệm vụ hợp tác quốc tế, khu vực, củng cố nền hữu nghị với nước bạn… Hệ thống tuyên truyền, đăng tải ở cấp độ vùng miền, địa phương cũng đã khá phong phú với các cơ quan báo, đài, xuất bản của tỉnh, của ngành, nếu được vận dụng tốt, sẽ góp phần đưa các tác phẩm chất lượng cao đến với công chúng rộng rãi.
Việc phối hợp tổ chức các trại sáng tác, các chương trình thực tế sáng tác văn học nghệ thuật với sự kiến tạo của các thành phần liên quan, từ cấp trung ương, bộ, ngành cho đến địa phương, đơn vị như trên cũng cần được chú trọng. Rất cần sự linh hoạt thiết kế, tổ chức các chương trình thực tế, trại sáng tác lưu động, trại sáng tác tại các đơn vị của quân đội để tăng tính thực tiễn, tăng sự tương tác giữa văn nghệ sĩ với đối tượng được phản ánh, khai thác là những người lính, các đơn vị bộ đội, quần chúng nhân dân trên các địa bàn liên quan…
4/Câu chuyện chất lượng tác phẩm, sự thành hay bại trong quá trình sáng tạo thật vô cùng. Khó lòng để khẳng định rằng, có tổ chức, có đầu tư thì sẽ có tác phẩm hay về người lính hôm nay. Nhưng sự quan tâm tổ chức, đầu tư luôn là cần thiết và mang ý nghĩa gợi mở, thúc đẩy thiết thực vào quá trình sáng tạo của văn nghệ sĩ. Và phải xây dựng được thành các chương trình, hoạt động mang tính dài hơi để duy trì sáng tạo, công bố, chọn lựa được những tác phẩm hay, chứ không dừng lại ở một số kỳ cuộc, sự kiện nhỏ lẻ. Mong rằng, để hình tượng anh Bộ đội Cụ Hồ tiếp tục đồng hành cùng đời sống văn hóa, tinh thần nhân dân, tiếp tục in dấu vào tình cảm đồng bào trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì những chính sách, cơ chế, hoạt động cụ thể cho sự cộng hưởng văn học nghệ thuật với đề tài người lính hôm nay, văn nghệ sĩ với những người lính đang làm nhiệm vụ trong bối cảnh hiện tại sẽ được xúc tiến xây dựng và triển khai.