Đối thoại của những cơn sóng mầu

Ngày 20/4 tới, sẽ khai mạc triển lãm bộ tranh trừu tượng khổ lớn mang tên “CỬA” của họa sĩ trẻ Nguyễn Tất Long tại tầng hai “Khu tưởng niệm nhà văn Nguyễn Huy Thiệp”, số 71, ngõ 77 Bùi Xương Trạch (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội). Triển lãm sẽ kéo dài đến 30/5.
0:00 / 0:00
0:00
Họa sĩ Nguyễn Tất Long.
Họa sĩ Nguyễn Tất Long.

Khởi động “Nhà tưởng niệm…” bằng tranh

Họa sĩ Nguyễn Phan Bách (con trai cả của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp) cho chúng tôi biết là khu nhà tưởng niệm vừa xong qua hơn một năm xây, sửa. Nhưng chưa khánh thành chính thức bởi tầng một chính là ngôi nhà cũ - giữ nguyên vẹn. Còn tầng hai và ba chồng lên, mục đích là sẽ để trưng bày tranh cho các họa sĩ trẻ đương đại, và bày cả những tác phẩm mỹ thuật của… chính nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đang trong quá trình được gia đình sưu tập.

Anh Bách nói, bên cạnh nghiệp văn tay phải, thì việc tay trái mà cha tôi rất yêu thích, người trong làng văn đều biết, là ngành mỹ thuật hội họa. Ông còn để lại hàng trăm bức chân dung vẽ trên gốm, đã tặng nhiều độc giả thân quen và lưu lại một số… Cũng chính vì mong muốn của ông như vậy, nên tôi mới đi học mỹ thuật và trở thành họa sĩ như bây giờ.

Khi được hỏi tại sao anh và em trai là Nguyễn Phan Khoa (làm giám tuyển cho triển lãm lần này) lại chọn mời một họa sĩ vẽ trừu tượng thì anh Bách trả lời rằng, việc đầu tiên là bày tranh ra hoàn toàn thoải mái. Vui nữa là tranh trừu tượng là một mảng sâu, riêng biệt của ngành mỹ thuật, nên rất là khó mô tả. Mời họa sĩ Nguyễn Tất Long trưng bày tranh ở đây vì hai anh em đều thống nhất là Long còn rất nhiều tiềm năng phát triển, sau 17 năm anh kiên định duy trì xuyên suốt mảng tranh trừu tượng, mà chất lượng tác phẩm của anh ta đàng hoàng đặt sánh ngang các họa sĩ trừu tượng có tiếng ở quốc tế.

Đối thoại của những cơn sóng mầu ảnh 1

Tác phẩm Cửa 1.

Hướng đi của những “cơn sóng mầu”

Họa sĩ Nguyễn Tất Long sinh năm 1979, quê ở làng Phú Thượng (nay đã trở thành phường thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội), anh là họa sĩ tự học hoàn toàn. Về hội họa trừu tượng, thì anh được chính họa sĩ đàn anh Lê Thiết Cương bày cho một loạt trưng bày cá nhân đầu tiên từ năm 2007 (13 bức, không đặt tên). Tiếp theo đó là lần thứ 2 tại 42 Yết Kiêu mang tên “Long - Wordless” (nghĩa là “Long - Không Lời”, 2009). Tiếp theo đó là tại gallery Vicas Art Studio (32 Hào Nam) mang tên “Vòng xoáy của sự im lặng”. Hỏi tại sao lại đặt tên cho lần thứ 4 này ngắn thế, thì họa sĩ nói: “CỬA là cơ hội, là thời điểm chuyển mình, là nơi kết thúc cũng là nơi bắt đầu. Là làn ranh để mở ra một không gian khác… Do đó, tôi chọn cái tên là vậy”.

Được biết thêm tác giả còn có biệt danh “Long táp” bởi anh cũng tự học từ năm 2003 môn “Tap dance” (nhảy “thiết hài”, tức là nhảy múa bằng giày có đế cá sắt tạo tiếng động). Cũng bởi vậy, nên xưởng vẽ của anh ở khu Bến Bạc (phố An Dương Vương, Hà Nội) lại thường rất đông khách du lịch trẻ quốc tế đến… xem anh nhảy.

Khi được tác giả kể về “tài lẻ” của mình, chúng tôi hình dung ra thêm trong tranh trừu tượng hoàn toàn của anh (không phải thể loại biểu hiện - bán trừu tượng - “Abstract Expressionims”, là còn có bố cục hình nét, khối) còn có nhiều nét nhạc tính là vậy. Bởi tranh của Long hoàn toàn là các mảng mầu nguyên va đập vào nhau trên một khoảng rộng, ít cả sắc thái đậm - nhạt để tạo không gian. Anh vẽ rất khoáng đạt trên khổ tranh lớn, thậm chí anh chập hàng chục bức sát-xi (khổ mỗi bức là 1,5m x 2,5m) thành một bức dài mấy chục mét và… đặt nằm sấp trên nền phòng tranh, đối xứng với bức tranh dài chập như vậy với loạt treo trên tường dài cũng hơn 15 m thành hình chữ T mầu hồng (rất lớn).

Điều thú vị bên ngoài là chúng tôi còn được nghe lời bàn chuyện của hàng chục họa sĩ trẻ, bạn của tác giả và họa sĩ Bách chủ nhà đang giúp treo tranh. Người thì bảo, tại sao anh Long “táp” vẽ loạt tranh hình chữ T này mầu hồng như những cơn sóng vậy. Hay là xưởng vẽ của anh ngay ở Bến Bạc, nhìn ra thẳng sông Hồng nên anh vẽ “những cơn sóng mầu” chẳng cùng “đàm thoại” hay “đối thoại” mà cùng “tác thoại” ngân lên như thế…