"Phá băng" thành công
Du lịch được xác định là một trong những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố Đà Nẵng. Trong năm 2022, thành phố Đà Nẵng đã tiến hành nhiều giải pháp đồng bộ nhằm kích cầu, thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Không chỉ đăng cai, tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế, Đà Nẵng còn tổ chức các đoàn công tác đi xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch tại nhiều thị trường du lịch lớn, tiềm năng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Ấn Độ…
Năm 2022, Đà Nẵng được xếp hạng cao nhất theo đánh giá của Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch cấp tỉnh Việt Nam (VTCI) do Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) công bố; đứng thứ ba trong top 10 thành phố du lịch hàng đầu Đông Nam Á-Giải thưởng du lịch châu Á 2022 do Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Travel & Leisure (Mỹ) tổ chức; đạt giải thưởng "Điểm đến lễ hội và sự kiện hàng đầu châu Á-2022" của World Travel Awards…
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, trong đó, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch nhằm xây dựng hạ tầng du lịch đẳng cấp quốc tế, hướng dòng khách cao cấp với việc đẩy mạnh du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác), du lịch nghỉ dưỡng, du lịch golf… Theo Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng Huỳnh Liên Phương, sau khi kiểm soát tốt dịch Covid-19, Đà Nẵng tiếp tục hỗ trợ đối với các dự án đã được cấp phép để triển khai, sớm đi vào hoạt động. Mở rộng vốn đầu tư đối với các dự án đang có tiềm năng, dự án mới thông qua các hoạt động xúc tiến đầu tư.
Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cũng cho biết: Đầu tư vào lĩnh vực du lịch đang được thành phố xúc tiến mạnh mẽ, dồn lực cho các dự án trọng tâm như: Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng-cầu Nguyễn Văn Trỗi-Trần Hưng Đạo (quận Hải Châu, Sơn Trà); Công viên Bách thảo (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang); Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn) với diện tích 92,46 ha; Nhà hát lớn thành phố; Công viên Safari (công viên Bách thảo-Bách thú); Công viên chuyên đề phía nam bán đảo Sơn Trà…
Xây dựng hạ tầng đẳng cấp quốc tế
Năm 2022 được đánh giá là năm du lịch Đà Nẵng "phá băng" thành công khi tổ chức các sự kiện du lịch quốc tế lớn như: Diễn đàn phát triển đường bay châu Á - (Routes Asia 2022); Giải golf Phát triển châu Á và Lễ hội Du lịch golf; Lễ hội Việt Nam-Hàn Quốc năm 2022, Lễ hội Việt Nam-Nhật Bản năm 2022…
Hiện Đà Nẵng có 1.272 khu nghỉ dưỡng và khách sạn, gồm 44.810 phòng. Với mục tiêu tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ và hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ du khách, mới đây, hàng loạt dự án bất động sản đầu tư vào lĩnh vực du lịch như khách sạn 7 sao, chung cư cao cấp, biệt thự, khu nghỉ dưỡng được triển khai xây dựng như: Dự án Khu du lịch biển DAP (Tập đoàn Magnum Asia Limited) với tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng; Dự án Da Nang Mikazuki Japanese Resorts & Spa (Tập đoàn Mikazuki, Nhật Bản) với tổng vốn 3.900 tỷ đồng; Tổ hợp khách sạn BRG Danang Golf Resort (Tập đoàn BRG) có quy mô 36 tầng nổi và ba tầng hầm với tổng mức đầu tư khoảng 1.638 tỷ đồng… Các dự án này được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ trở thành một quần thể du lịch biển hiện đại, đẳng cấp; là điểm thu hút khách du lịch cao cấp đến thành phố, góp phần tác động tích cực đến đời sống kinh tế-xã hội, tạo công ăn, việc làm cho lao động địa phương và tạo động lực cho ngành du lịch.
Để lấy lại tăng trưởng cho ngành du lịch, Đà Nẵng vừa ban hành đề án "Định hướng phát triển du lịch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Với đề án này, Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm du lịch và dịch vụ chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á; tầm nhìn đến năm 2045, thành phố trở thành điểm đến du lịch hàng đầu châu Á, là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện lễ hội mang tầm quốc tế. Theo đó, Đà Nẵng xác định sẽ phát triển tập trung vào bốn nhóm không gian du lịch trọng điểm gồm: nhóm không gian du lịch biển; nhóm không gian du lịch đô thị; nhóm không gian du lịch núi; nhóm không gian du lịch liên ngành. Giai đoạn 2030-2045, hoàn thiện toàn bộ hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch; hoàn thiện và đưa vào khai thác hoàn chỉnh ba nhóm sản phẩm đặc trưng, chính và bổ trợ theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng cao và đặc sắc khác biệt…
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, khẳng định: Du lịch Đà Nẵng đang từng bước lấy lại đà phục hồi. Để đạt được các mục tiêu đề ra, ngành đã tham mưu UBND thành phố xây dựng kế hoạch triển khai với 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm gồm: Quản lý Nhà nước đối với hoạt động du lịch; hình thành văn hóa du lịch; xây dựng tiêu chuẩn du lịch chất lượng cao; xây dựng cơ chế chính sách phát triển du lịch; quy hoạch và đầu tư phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; liên kết, hợp tác phát triển du lịch.