Kyodo News cho biết, khoảng 10 giờ 30 phút sáng 18-7 vừa qua (giờ địa phương), một tiếng nổ đã bất ngờ vang lên và khói đen bắt đầu bốc ra từ tầng một của xưởng sản xuất phim hoạt hình Kyoto Animation (còn gọi là Kyo Ani). Lực lượng cứu hỏa thành phố Kyoto nhận được thông báo về vụ hỏa hoạn và lập tức đến hiện trường cùng một đội ngũ y tế. Tuy nhiên, ngọn lửa bùng phát dữ dội và bao trùm khắp ba tầng tòa nhà, khiến lính cứu hỏa phải mất nhiều giờ để dập tắt. Lúc vụ việc xảy ra, ước tính có khoảng hơn 70 nhân viên đang làm việc bên trong tòa nhà.
Đến cuối ngày 18-7, Sở Cứu hỏa Kyoto xác nhận ít nhất 33 người thiệt mạng và khoảng 40 người khác bị thương, trong đó có 10 người trong tình trạng nguy kịch hoặc bị thương nặng trong vụ hỏa hoạn. Cơ quan chức năng cho biết, nhiều khả năng đây là một vụ phóng hỏa có chủ đích. Ngày 19-7, cảnh sát Nhật Bản đã xác định được danh tính thủ phạm gây ra vụ cháy xưởng phim Kyoto Animation là một người đàn ông tên Shinji Aoba (41 tuổi). Aoba không có địa chỉ cố định và cảnh sát hiện chưa rõ nghề nghiệp của đối tượng là gì. Khi cung cấp lời khai cho cảnh sát, các nhân chứng nói rằng kẻ này đã đi vào tòa nhà, đổ xăng ở lối vào tầng một rồi phóng hỏa, gây ra nổ và cháy.
Trong quá trình gây án, nghi can cũng bị bỏng nặng song đã kịp bỏ chạy khỏi nơi gây án. Y đến bấm chuông cửa nhà một phụ nữ lớn tuổi gần đó rồi đổ sập người xuống trước khi chủ nhà ra mở cửa. Khi nhìn thấy nghi phạm bỏng rất nặng, người phụ nữ đã giội nước lên người y. Nghi phạm đang được cấp cứu trong bệnh viện và bước đầu đã thừa nhận gây ra vụ tiến công.
Theo thông tin từ những người có mặt tại hiện trường, nghi phạm trông “rất bất mãn, tức giận” và trong lúc gây án đã nói những câu đại ý rằng xưởng phim Kyoto Animation đã sao chép ý tưởng của anh ta. Ông Hideaki Hatta, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của xưởng phim tiết lộ rằng, trước đây, công ty này đã nhận được email có chứa các nội dung dọa dẫm chết chóc, nhưng không rõ liệu chúng có liên quan vụ tiến công hay không. Giới chức Nhật Bản đang tiến hành mở rộng điều tra nguyên nhân vụ việc.
Kyoto Animation được thành lập năm 1981, là công ty sản xuất nhiều phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản, từng cho ra đời các bộ phim hoạt hình chất lượng cao. Theo chuyên gia bình luận phim Yuichi Maeda, xưởng phim này có ảnh hưởng lớn trong ngành công nghiệp hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản. Do đó, vụ việc xảy ra đã khiến ngành công nghiệp làm phim hoạt hình tại nước này bị chấn động mạnh mẽ.
Giới chức, người dân Nhật Bản và những người hâm mộ hoạt hình khắp thế giới cũng bày tỏ sự bàng hoàng, đau xót sau khi nghe tin về vụ hỏa hoạn nghiêm trọng. Sau khi vụ việc xảy ra, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đăng tải một nội dung trên mạng xã hội Twitter, gọi đây là “vụ việc khủng khiếp đến mức không biết dùng từ nào để mô tả được”. Ông Shinzo Abe cũng gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân và cầu nguyện cho những người đã thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn. Trong khi đó, người hâm mộ phim hoạt hình Nhật Bản trên thế giới đã kêu gọi quyên góp nhằm ủng hộ xưởng phim Kyoto Animation.
Theo Japan Times, tội phạm bạo lực ở Nhật Bản là rất hiếm. Trong khi đó, phóng hỏa bị xem là tội ác nghiêm trọng ở nước này và những người bị kết tội cố tình gây hỏa hoạn có thể đối mặt án tử hình. Vụ tiến công nhằm vào Kyoto Animation vừa qua được cho là vụ giết người hàng loạt tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, thậm chí nó gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn cả vụ giáo phái Aum Shinrikyo tiến công hành khách tàu điện ngầm ở Thủ đô Tokyo bằng khí độc thần kinh sarin năm 1995, làm 12 người chết. Vụ việc này đang đặt ra những thách thức cho nhà chức trách tại “xứ sở hoa anh đào” về công tác bảo đảm an ninh, tránh để xảy ra những vụ tiến công tương tự trong tương lai.