Vị thế xã hội của nhà giáo

Thời gian gần đây, chúng ta chứng kiến ngày càng nhiều những vụ việc gây tổn hại đến giá trị và hình ảnh của ngành giáo dục. Đáng chú ý nhất là hiện tượng các thầy, cô khối giáo dục công lập xin nghỉ việc. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, công bố ngày 28/10/2022, tính từ ngày 1/1/2020 đến 30/6/2022, trong số gần 40.000 cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, có tới 16.427 lao động thuộc ngành giáo dục và đào tạo.
0:00 / 0:00
0:00
Sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tích cực học tập.
Sinh viên Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tích cực học tập.

Bất an giáo dục

Cùng với hiện tượng "chán nghề", những biểu hiện gia tăng của tình trạng bạo lực học đường cũng là vấn đề nhức nhối. Năm 2018, dư luận từng "dậy sóng" với sự kiện 231 cái tát mà một cô giáo ở Quảng Bình yêu cầu học sinh thực hiện với bạn học cùng lớp. Mới đây hơn, một thầy hiệu trưởng ở Hà Tĩnh đã bị phụ huynh học sinh bắt phải quỳ gối để xin lỗi.

Nạn chạy theo thành tích, lạm thu đầu năm, dạy thêm, học thêm, phức tạp liên quan đến các hội phụ huynh… vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Tất cả những biểu hiện "lệch chuẩn học đường" đang từng ngày, từng giờ ảnh hưởng tiêu cực đến giá trị của nghề giáo và vị thế xã hội của các nhà giáo.

Lý giải về hiện trạng lệch chuẩn học đường, đặc biệt là vị thế và vai trò của các thầy, cô giáo hiện nay, áp lực thành tích và chế độ đãi ngộ thấp được cho là hai nguyên nhân chính khiến một bộ phận thầy, cô đã có những hành xử lệch chuẩn, thậm chí xin nghỉ. Thực tế nêu trên phát lộ ra nhiều vấn đề chính sách cần sớm tìm hiểu thấu đáo để giải quyết. Bởi hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước vẫn đang trong tình trạng thiếu giáo viên, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa và bậc học mầm non và tiểu học. Tại phiên trả lời chất vấn của kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV ngày 4/11 vừa qua, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, tổng số giáo viên còn thiếu tính đến năm 2026 là 107.000, trong khi chỉ tiêu được duyệt là hơn 65.000.

Rối loạn vai trò

Xét trên bình diện xã hội, giáo dục là một trong những thiết chế xã hội căn bản nhất, được thiết lập để đáp ứng nhu cầu không thể thiếu của bất kỳ cộng đồng người nào, ở bất kỳ trình độ phát triển nào: đó là truyền dạy kiến thức, đào tạo và huấn luyện kỹ năng để cá nhân có thể tích lũy đủ năng lực thực hiện các vai trò xã hội trong suốt cuộc đời.

Các thầy, cô giáo là một vị thế xã hội, tức là chỗ đứng của họ trong cấu trúc xã hội, kết quả từ sự phân công lao động xã hội. Đi kèm với vị thế xã hội "nhà giáo" là hàng loạt các mong đợi vai trò, tiêu biểu như: giảng dạy, truyền cảm hứng, tư vấn, huấn luyện, đánh giá việc học tập của người học.

Tuy nhiên, thực tế ngành giáo dục ở nước ta hiện nay lại đang cho thấy những biểu hiện rối loạn vai trò của các nhà giáo. Có nghĩa là các thầy, cô giáo phải đảm nhiệm những vai trò gắn với nhiều hoạt động không liên quan đến vai trò chính của họ là giáo dục. Chẳng hạn như vụ việc thầy hiệu trưởng bị bắt phải quỳ xin lỗi ở Hà Tĩnh, có nguyên nhân từ việc thầy đã có những động thái không phù hợp, gây ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và phụ huynh xuất phát từ mong muốn trường mình hoàn thành việc thu tiền bảo hiểm y tế theo yêu cầu của cấp trên. Hay với trường hợp 231 cái tát đầy ám ảnh tại Quảng Bình thì cô giáo đã hành xử quá bạo lực cũng chỉ bởi lo lắng trước áp lực về thành tích thi đua.

Câu hỏi đặt ra, tại sao một vị hiệu trưởng lại phải làm những việc của một nhân viên kinh doanh bảo hiểm, tại sao một cô giáo lại phải dành quá nhiều tâm sức cho công việc của cán bộ quản lý và thi đua (?). Mở rộng ra, chúng ta có thể thấy nhiều hoạt động khác, không liên quan trực tiếp đến giáo dục nhưng các thầy, cô vẫn phải làm, thí dụ như: tìm cách gia tăng thu nhập cho bản thân, tìm kiếm thêm các nguồn lực tài chính cho nhà trường, nhà tổ chức các phong trào và cuộc thi, nhà vận động xã hội…

Ðịnh vị lại vị thế nhà giáo

Tình trạng rối loạn vai trò xuất hiện khi cá nhân phải đảm nhiệm quá nhiều vai trò trong cùng một thời gian và không gian cụ thể. Với các thầy, cô giáo thì việc yêu cầu họ phải triển khai nhiều hoạt động trong phạm vi trường học nhưng lại không trực tiếp liên quan đến giáo dục tất yếu dẫn đến sự xung đột với vai trò chính yếu của họ là giáo dục.

Rối loạn và xung đột vai trò sẽ thể hiện ra thành các hành vi lệch chuẩn. Hệ quả là bệnh chạy theo thành tích, chủ nghĩa hình thức, dạy thêm, học thêm tràn lan, lạm thu núp bóng hội phụ huynh, kinh doanh các sản phẩm ngoài giáo dục… chỉ là một số biểu hiện phổ biến, dễ thấy nhất từ sự quá tải và nhầm lẫn vai trò mà thôi. Những biểu hiện lệch chuẩn vai trò nhà giáo không đáp ứng được mong đợi xã hội, bị xã hội phản ứng và thậm chí lên án, qua đó sẽ từng bước làm giảm vị thế xã hội của nhà giáo.

Mỗi nhà giáo sẽ chỉ có thể thực hiện được, và thực hiện tốt các vai trò của mình, đáp ứng được các mong đợi từ xã hội nếu họ được đặt đúng vị trí và không bị chi phối bởi các vai trò khác ngoài giáo dục. Cũng có nghĩa, để góp phần giảm lệch chuẩn học đường với các thầy, cô giáo thì hướng can thiệp hàng đầu chính là định vị lại một cách rõ ràng các vai trò của nhà giáo, từ đó giảm các nhiệm vụ không phù hợp với vai trò của họ.

Cụ thể hơn, chính sách tiền lương cần linh hoạt để bảo đảm mức sống tối thiểu tại địa bàn mà các nhà giáo sinh sống và làm việc. Khi cuộc sống nhà giáo được bảo đảm thì chúng ta mới có thể thực hiện các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các hoạt động ngoài giáo dục để các nhà giáo toàn tâm, toàn ý với hoạt động dạy học. Khi các thầy, cô chuyên tâm với vai trò giáo dục thì vị thế xã hội của nhà giáo mới có thể được bồi đắp qua thời gian.