Vị thế mới của những nguyên liệu cũ

Việc tạo nhiều vòng đời cho một sản phẩm vật liệu xây dựng đang được xem như một xu thế phát triển tất yếu. Điều gây ấn tượng là việc nghiên cứu phát triển, đa dạng hóa vật liệu xanh ở một số nơi cho thấy sức sáng tạo vô biên của trí tuệ con người.
0:00 / 0:00
0:00
Dựng nhà với rơm đóng kiện và gỗ. Nguồn: Strawbale.com
Dựng nhà với rơm đóng kiện và gỗ. Nguồn: Strawbale.com

Chất thải cũng thành… vật liệu xây dựng

Người xưa xây dựng nhà ở bằng vật liệu được khai thác trực tiếp từ tự nhiên và có thể nói, họ tạo nên nguyên lý căn bản của xây dựng xanh, với vật liệu xanh mà chúng ta thường nói đến. Nhưng trong bối cảnh ngày nay, vật liệu xanh phải được nâng cấp nhiều về các tiêu chí: Từ sản xuất, sử dụng, độ bền đến khả năng tái chế để xác lập nhiều vòng đời.

Đất nện và rơm đóng kiện đã từng được sử dụng trong truyền thống xây dựng nhà của nhiều dân tộc trên thế giới, nay trở lại thành nguồn vật liệu xây dựng nhà ở cá nhân, không gian sinh hoạt cộng đồng ở các quốc gia phát triển. Người Pháp và Italy đã có không ít nghiên cứu về mức độ phát thải khí CO2 cũng như lợi ích rõ rệt của vật liệu này trong cách nhiệt và giữ ẩm, giúp tiết kiệm ít nhất 40% chi phí cho sưởi ấm trong mùa đông và làm mát trong mùa hè.

Việc tận dụng gỗ và sắt thép tái chế cho các công trình xây dựng và sản xuất trang thiết bị nội thất mới, thông qua việc tăng cường tính sáng tạo trong thiết kế, cũng được xem là một biểu hiện của việc sử dụng vật liệu xanh. Việc này góp phần làm giảm mức độ sản xuất nguyên liệu đầu vào của công trình/sản phẩm, tức là giảm phát thải khí, giảm lượng rác thải đồng thời kéo dài vòng đời của vật liệu sẵn có, khuyến khích, cổ vũ sự sáng tạo của con người.

Đi xa hơn nữa, một số công ty ở Nhật Bản còn phát minh ra nhiều cách thức chế tạo vật liệu xây dựng từ thức ăn thừa, trang phục và đồ dùng bằng vải không còn giá trị sử dụng.

Fabula Inc. là một công ty mới được thành lập cách đây ba năm tại Tokyo. Qua nghiên cứu, công ty này đã đưa ra những con số thống kê thú vị về sự chênh lệch giữa cường độ chịu uốn (Bending Strength) của bê-tông so các tấm vật liệu xây dựng được chế từ... bắp cải Trung Quốc (rau cải thảo), cam, chuối. “Cường độ chịu uốn của vật liệu làm từ rác thải thực phẩm của bắp cải Trung Quốc mạnh hơn bê-tông bốn lần. Một tấm mỏng 5 mm có thể chịu được trọng lượng 30 kg. Nó có tiềm năng trở thành vật liệu xây dựng trong tương lai”- đại diện công ty này thông tin. Các bước sản xuất khá đơn giản: làm khô rác thải thực phẩm, tạo thành bột, sau đó dùng khuôn và công nghệ ép nhiệt để tạo hình khối. Việc thay đổi phương pháp sấy khô và/hoặc tạo bột cũng như nhiệt độ trong quá trình ép nhiệt có thể giúp thu được nhiều mầu sắc, kết cấu, mùi thơm khác nhau cho vật liệu. Mỗi một mẩu thức ăn thừa đều có thể kể một câu chuyện mới, được tái sinh trong một vòng đời mới; đây được xem là triết lý nhân văn của những thành viên sáng lập công ty.

Hiện tại, công ty đang đợi kết quả cấp bằng sáng chế cho công nghệ này từ Viện Khoa học Công nghiệp thuộc Đại học Tokyo.

Tầm nhìn chính sách thúc đẩy phát triển vật liệu xanh

Xác định vị thế mới cho các công trình xây dựng xanh trong tiến trình phát triển là phương thức phổ biến của nhiều quốc gia, với những chính sách thiết thực và hữu hiệu nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất vật liệu xanh mà Việt Nam có thể tham khảo.

Theo thông tin từ hãng luật Dezan Shira & Associates (Dezan Shira và cộng sự), Trung Quốc đã đưa ra nhiều chính sách và quy định quan trọng trong thúc đẩy phát triển vật liệu xây dựng xanh. Trung Quốc hiện xếp 51 loại sản phẩm trong phạm vi chứng nhận sản phẩm vật liệu xây dựng xanh. Các tòa nhà văn phòng, bệnh viện và trường công được coi là những lĩnh vực chính của tăng trưởng công trình xanh.

Tháng 4/2022, nước này đã ban hành Quy tắc chung về Bảo tồn năng lượng trong tòa nhà và sử dụng năng lượng tái tạo. Đây được xem là quy định bắt buộc đầu tiên để điều chỉnh lượng khí thải carbon từ các tòa nhà và công trình xây dựng trên toàn quốc. Không chỉ kêu gọi các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng cao hơn, Quy tắc này còn đưa ra yêu cầu tất cả các tòa nhà đô thị mới phải được xây dựng theo tiêu chuẩn công trình xanh vào năm 2025 và tăng mức sử dụng năng lượng tái tạo của các tòa nhà lên 8% vào năm 2025 (so 6% vào năm 2020). Tháng 10 cùng năm, ba cơ quan, trong đó có Bộ Tài chính, đã cùng ban hành Thông tư về mở rộng phạm vi thực hiện chính sách mua sắm vật liệu xây dựng xanh của Chính phủ để cải thiện chất lượng công trình tới 48 thành phố. Thông tư cũng kết hợp các tiêu chuẩn về mua sắm của Chính phủ liên quan đến công trình xanh và vật liệu xây dựng xanh đã được công bố để tất cả các thành phố thực thi nghiêm ngặt.

Chính phủ Singapore cũng thể hiện tham vọng về một đảo quốc xanh có phát thải ròng bằng 0 vào năm 2045 với hàng loạt hành động thiết thực kể từ đầu năm 2020. Tháng 2/2021, năm cơ quan chính phủ, bao gồm Bộ Phát triển đất nước, Bộ Giáo dục, Bộ Giao thông, Bộ Môi trường và Phát triển bền vững, Bộ Công nghiệp và Thương mại đã chia sẻ trách nhiệm xây dựng và vận hành một website về Kế hoạch xanh Singapore (www.greenplan.gov.sg), nơi công bố toàn bộ chi tiết các hoạt động liên quan việc xanh hóa Singapore vào năm 2030. Chính phủ đảm nhận vai trò dẫn dắt thực hiện kế hoạch này với việc ưu tiên triển khai hành động Chính phủ xanh Singapore tại khu vực công, ưu tiên việc tiết kiệm năng lượng, gia tăng sử dụng năng lượng tái tạo một cách toàn diện. Chính phủ đã lập báo cáo tài chính hằng năm về Chính phủ xanh kể từ năm 2022, công khai trên cổng thông tin Kế hoạch xanh, cho thấy cam kết hành động mạnh mẽ của họ.