Về làng, tìm "vàng nghề"

Làng nghề Việt được coi là lưu giữ những tinh hoa. Song, nhiều sản phẩm làng nghề không bán được, hoặc thất thế trên thị trường, nhất là thương hiệu trên thị trường quốc tế. Là bởi, tinh hoa làng nghề vẫn như những "hạt bụi vàng" lẩn khuất. Có một chàng trai, suốt 16 năm nay, cặm cụi "về làng" tìm công thức cho những "hạt bụi vàng" ấy tỏa sáng.
0:00 / 0:00
0:00
"Về làng-chặng đồng hành" với mong muốn giúp các nghệ nhân "yên tâm tiếp tục tạo ra những tinh hoa".
"Về làng-chặng đồng hành" với mong muốn giúp các nghệ nhân "yên tâm tiếp tục tạo ra những tinh hoa".

"Con nuôi" làng nghề

Ngô Quý Đức lại về làng chuyên nghề đan ngư cụ Hưng Học (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh). Không dễ để tìm thông tin về ngôi làng này. Và đó cũng không phải là một làng nghề có tiếng, trên "bản đồ" nghề đan lát của Việt Nam. Nhưng đây không phải lần đầu Đức đến. Đức đã chọn lựa một cách khác lạ. Bất cứ làng nào "trong khả năng", là Đức lên đường. Làng nghề nào, cũng "cày xới" dăm lần, bảy lượt. "Bởi làng nghề nào cũng luôn có nét đẹp ẩn giấu. Ngay cả những làng nghề đan lát ngư cụ bình dị như làng Hưng Học cũng luôn có những người nắm giữ tinh hoa, những ngón nghề rất đặc biệt", Đức bảo thế.

37 tuổi, thì có tận 16 năm, gần như ngày nào cũng... về làng. Gồm đôi ba lần trực tiếp, thời gian còn lại là ngồi bên máy tính, hoặc chạy đi gặp các đối tác, nhà đầu tư. Đều vì "việc làng". Đôi khi, là hành trình cả tuần liền, trên chiếc xe máy từ làng nọ đi làng kia. Vậy làm gì mà "về làng" nhiều thế? Một câu hỏi mà Đức luôn phải hồi lâu diễn giải. Không phải ai cũng hiểu. Nghệ nhân làng nghề cũng thế. Có nghệ nhân phải "mòn lối" mới chịu sẻ chia các kinh nghiệm, các kỹ thuật. Đức tìm hiểu rất kỹ về đủ thứ nghề truyền thống. Quay phim, chụp ảnh, phỏng vấn nghệ nhân, ghi chép kỹ càng tư liệu... Rồi dựng phim, viết bài, đưa lên fanpage, lên trang web mà chính Đức bỏ tiền ra để xây dựng để quảng bá cho làng nghề. Không lấy đồng nào. Người ta không hiểu cũng phải. Thời buổi này làm gì có "bữa trưa miễn phí"? Có nghệ nhân qua trang web, qua fanpage của Đức, đối tác tìm đến đặt hàng sản phẩm, vẫn bán tín, bán nghi, gặng hỏi Đức có phải "phần trăm" không? Câu trả lời là một cái lắc đầu và nụ cười. Rất lạ. Thế nên, phải sau đôi ba lần, những nghệ nhân thôn quê mới nhận ra. Rồi trở nên thân tình, gắn bó. Đức thành "con nuôi" của làng nghề.

Sinh ra ở nội thành Hà Nội. Đức mê phố cổ, phố cũ. Chàng trai này lập ra dự án My Hanoi nổi tiếng một thời để bảo tồn văn hoá Hà Nội. Hà Nội có đặc sản phố nghề. Đức nhận ra: Phố nghề nào cũng từ làng mà ra. Đức tìm về gốc của phố là làng. Mê thì mê. Song con đường của Đức lại bắt đầu từ... những thất vọng. Làng nghề Việt được coi là lưu giữ nhiều nét tinh hoa. Tuy vậy, nhiều sản phẩm không bán được. Độ hoàn thiện của sản phẩm không cao. Những sản phẩm lưu niệm thường có tính ứng dụng thấp, lại chưa đủ "tinh" để trưng bày. Đức "về làng" tìm câu trả lời. "Nếu tính những làng "đi kỹ", thì khoảng vài trăm. Còn nếu chỉ đi một hai lần thì mình không tính hết được", Đức nhớ lại. Tinh hoa vẫn ở đó. Nhưng tinh hoa, lại như những hạt bụi vàng lẩn khuất. Không phải làng nghề nào cũng có vị trí thuận lợi, hay được hỗ trợ để phát triển. Những làng nghề "sống khỏe, làm giàu" như: Bát Tràng, Vạn Phúc, Sơn Đồng (Hà Nội), hay Đồng Kỵ (Bắc Ninh)... là thiểu số. Nghệ nhân phần nhiều ráo mồ hôi là hết tiền. Kết quả là họ chủ yếu làm ra những sản phẩm bán được trước mắt để bảo đảm sinh kế, thay vì làm những sản phẩm tinh hoa, khẳng định "đẳng cấp" văn hóa Việt. Đức tự thấy mình cần hỗ trợ nghệ nhân...

Nhiều người hỏi thu nhập đến từ đâu khi Đức làm mọi thứ miễn phí? Đức rất ngại ngùng khi nói rằng thu nhập của mình không ổn định, và gần như không đủ sống ở đô thị. Thu nhập của Đức đến từ những chuyến điền dã được tổ chức có thu phí về làng, và thi thoảng là giúp đỡ các làng nghề tham gia những liên hoan, triển lãm... Chuyện "con nuôi" của làng còn được hiểu theo nghĩa đen. Mỗi khi về làng, Đức thường được người dân "nuôi" ngày ba bữa.

Ðể những "hạt bụi vàng" tỏa sáng

Dự án "Về làng" của Ngô Quý Đức ra mắt từ lâu. Năm 2021, dịch Covid-19 khiến việc đi lại khó khăn. Nhưng Đức có thời gian đẩy mạnh truyền thông cho dự án. Trang web www.velang.vn được cập nhật thông tin đầy đủ về hơn 100 làng nghề, chủ yếu ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đấy là kho dữ liệu lớn do Đức một mình thực hiện, được phân nhóm theo địa phương, hoặc theo nhóm ngành nghề như: nghề mộc, nghề da, nghề đúc đồng, nghề gốm sứ, nghề đan lát... Trang web được kết nối với fanpage Về làng, tạo thuận lợi cho người sử dụng. Mỗi nghề đều được giới thiệu rất chi tiết về lịch sử, sản phẩm, nét đặc sắc, cách thức đi lại, liên hệ với người làng nghề... Đó là một cầu nối tin cậy cho nhiều khách du lịch, khách hàng, đối tác với làng nghề. Bản thân Đức, còn hỗ trợ nhiều làng nghề về thiết kế sản phẩm, về xây dựng mô hình du lịch, trải nghiệm, thí dụ như làng nghề tò he Phượng Dực (Phú Xuyên, Hà Nội), làng nghề điêu khắc Hiền Nhân (Thường Tín, Hà Nội)...

Nhưng với Đức, đó chỉ là việc "nhỏ", trong hành trình hướng đến cái đích lớn. "Điều cốt lõi, không chỉ là nghệ nhân sống được. Mà là cái tinh hoa được phát huy, được nhìn nhận đúng giá trị. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các nước, thí dụ như Nhật Bản được bán giá rất cao. Nghệ nhân của chúng ta có trình độ tương tự không? Câu trả lời là có. Song để nghệ nhân có thể làm được, thì cần có hỗ trợ về nhiều mặt: Thiết kế, mẫu mã, truyền thông, cách hoàn thiện sản phẩm... để có thể thích ứng, tiêu thụ được. Khi tiêu thụ được, sống được, nghệ nhân mới yên tâm để tiếp tục tạo ra những tinh hoa. Tất nhiên, điều này là rất khó", Ngô Quý Đức chia sẻ.

Đức đã chọn một con đường chông gai nhất, con đường đáng ra, cần đến sự hợp tác của nhiều ban, ngành. Trong khi Đức "độc hành". Chưa một đối tác nào đủ kiên trì để đồng hành với Đức, ngoài một số tình nguyện viên trong ngắn hạn. Đấy cũng là lý do Đức phải đi hàng trăm, hàng nghìn làng nghề, nhằm tìm một "công thức" phù hợp để những "hạt bụi vàng" ở làng nghề được tỏa sáng. "Mình hình dung về một mô hình, có sự hợp tác của nhiều bên, gồm: Nhà đầu tư, đơn vị tiêu thụ sản phẩm, nhà thiết kế, sự hỗ trợ của chính quyền... mà nghệ nhân ở vị trí trung tâm, có thể tạo ra những sản phẩm thể hiện đẳng cấp văn hóa Việt. Sản phẩm đó, phải tiêu thụ được với giá trị cao, phải khẳng định được với thế giới. Mình mong muốn thuyết phục được các bên để xây dựng được một mô hình "vừa sức", và có thể là hình mẫu để nhân rộng", Ngô Quý Đức chia sẻ.

Bắt đầu khi còn trẻ, đến khi gần… trung niên, cái mô hình Ngô Quý Đức mơ ước giờ mới dần định hình. Mới đây, Về làng đã ra mắt trụ sở trên phố Đặng Tiến Đông (quận Đống Đa, Hà Nội). Một sự bền bỉ, kiên trì hiếm thấy. Đó chưa hoàn toàn là mô hình mà Đức mong muốn. Nhưng đó là tiền đề, cho một chặng đường mới.