Theo thống kê từ Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC), Đội tuyển U23 Việt Nam là một trong những đội bóng phạm lỗi nhiều nhất (với tổng cộng 48 lần) và cũng là tập thể nhận nhiều thẻ phạt nhất (tám thẻ vàng và hai thẻ đỏ) sau bốn cuộc đọ sức. Vấn đề nằm ở chỗ phần lớn những tình huống bị VAR phát hiện đều xuất phát từ những thói quen thi đấu tiểu xảo và sự non kinh nghiệm của các cầu thủ Việt Nam.
Trong trận thua 0-3 trước Uzbekistan, Đức Việt có pha qua người cùng hành động vung tay chẳng khác nào đánh nguội. VAR đã phát hiện và may mắn trọng tài chỉ rút ra một tấm thẻ vàng. Hay tình huống kéo người hớ hênh của thủ môn Quan Văn Chuẩn dẫn đến quả penalty trong trận tứ kết gặp U23 Iraq, xóa tan những hy vọng tiến sâu của cả đội. Khi những sai lầm liên tiếp xảy ra với cả lứa U23 và thậm chí đội tuyển quốc gia, chúng ta cần xem xét lại vấn đề ngay từ thực tế ở các giải đấu trong nước.
VAR được thử nghiệm ở giai đoạn 2 mùa giải 2023 và được sử dụng chính thức dưới sự giám sát chặt chẽ của Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) tại mùa giải này. Mỗi vòng đấu có khoảng ba đến bốn trận được áp dụng. Mới nhất, hai trận đấu Cúp Quốc gia (gồm Hà Nội gặp Đà Nẵng ngày 28/4 và Nam Định so tài với Bình Dương ngày 30/4) cũng đã sử dụng công nghệ VAR.
Việc ứng dụng công nghệ VAR đã giúp các trận đấu trở nên công bằng hơn, hỗ trợ các trọng tài ra phán quyết chính xác hơn. Tuy nhiên, khi VAR chưa thể "phủ sóng" ở tất cả các trận đấu, các câu lạc bộ có phần coi nhẹ việc chấn chỉnh lối chơi tiểu xảo ngay từ công tác huấn luyện. Các cầu thủ vẫn chơi bóng bằng cái đầu nóng và cố tình thực hiện những động tác thừa.
Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Nguyễn Minh Ngọc khẳng định: Nhờ sự hỗ trợ của VFF và FIFA, VPF sẽ đưa thêm hai xe VAR nữa nâng tổng số xe lên con số 4 về phục vụ các giải quốc gia. Đồng thời, Ban tổ chức sẽ cố gắng sắp xếp lịch thi đấu sao cho tất cả các trận đều sử dụng VAR. Thời điểm dự kiến áp dụng 100% VAR là ở mùa giải V-League 2024-2025 khởi tranh vào tháng 9 tới.