Văn minh, lành mạnh khi đi lễ chùa

Lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa của người Việt, từ truyền thống được nối sang đương đại. Dịp đầu xuân Quý Mão 2023, nét đẹp đó tiếp tục được duy trì sau mấy năm ảnh hưởng dịch bệnh, việc tổ chức nghi lễ ở các cơ sở thờ tự được hạn chế số người, thu hẹp quy mô.
0:00 / 0:00
0:00

Nay khi việc lễ chùa trở lại đông đảo hơn, bên cạnh những nét văn minh, lành mạnh như báo chí, dư luận đã phản ánh, thì đã xuất hiện một số hiện tượng, hình ảnh phản cảm. Ngoài tình trạng tập trung đông người như đã thấy, thì hiện tượng thương mại hóa, giá cao, tốn kém trong việc đi lễ chùa đã xuất hiện, nhất là ở một số cơ sở thờ tự quy mô lớn. Từ đây, cùng với những cảnh báo của báo chí và giới chuyên môn thời gian qua, một vấn đề không hề nhỏ đang được đặt ra cấp bách hơn: Có hay không hiện tượng kinh doanh hóa hoạt động lễ chùa ở một số cơ sở thờ tự, cũng như trong đời sống xã hội?

Thực tế, rất nhiều các hoạt động trong đời sống xã hội nói chung đều có gắn với các yếu tố thương mại, có kẻ mua người bán, có dịch vụ, giá cả. Kể cả với các tour, tuyến du lịch tâm linh, du lịch văn hóa có yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo. Cũng như, khi đi lễ, đi hội thì khách thập phương, du khách hay các phật tử cũng vẫn chuẩn bị các điều kiện vật chất, chi phí một cách thiết thực. Tuy nhiên, ở đây cần có sự đánh giá, để phân biệt mục đích của các hoạt động tổ chức, duy trì nghi lễ tại cơ sở thờ tự, đi kèm với vai trò của các tổ chức, cá nhân phụ trách, trông nom, nhất là tại những cơ sở thờ tự mới được xây dựng hoặc đã mở rộng, có kiến trúc đồ sộ, quy mô hoành tráng. Đó là: Quan tâm săn sóc đời sống tâm linh lành mạnh của quần chúng hay tập trung thu lợi từ việc đi lễ của khách thập phương với nhiều khoản chi phí dịch vụ và giá cả đắt đỏ, cao đến mức bất hợp lý?

Cần có sự vào cuộc tìm hiểu, nghiên cứu của các đơn vị chuyên môn. Cần sự kiểm tra, đánh giá nghiêm túc của các cơ quan chức năng ngành văn hóa, quản lý thị trường, chính quyền địa phương… trên cơ sở pháp luật để phát hiện và xử lý những sai phạm, những biểu hiện thương mại hóa, lạm dụng lòng tin và phong tục đi chùa của người dân để thu lợi một cách thiếu minh bạch, trái quy định pháp luật cũng như trái với đạo đức xã hội, văn hóa truyền thống.

Và không thể thiếu sự tỉnh táo của quần chúng. Người dân ta rất cần ý thức tự trang bị thông tin, tri thức cần thiết khi đi lễ. Nên tìm hiểu trước về cơ sở thờ tự với thực tế chi phí, giá cả liên quan; cảnh giác trước những nguy cơ chi tiêu tốn kém cho những hình thức nghi lễ nặng nề, rườm rà, nhuốm màu sắc mê tín dị đoan. Và trên tất cả, cần lắm việc nhen lên cho mình một tinh thần nhẹ nhàng, thư thái khi đi lễ chùa, để khoan hòa kính Phật, vãn cảnh, mong bình an, thanh tịnh. Như vậy thì mới khỏi bị cuốn vào những nhu cầu thỏa mãn đời sống tâm linh ngày càng phát sinh thêm; cuốn vào tâm lý đám đông với sự bắt chước, so bì; cuốn vào những chi phí tốn kém không cần thiết… Đó đều là những thứ mà nhà Phật khuyên con người ta nên tránh.