Cần nhấn mạnh rằng, Đề cương văn hóa ra đời trước khi Đảng ta giành được chính quyền hơn hai năm - điều đó phản ánh sự nhạy bén chính trị, bắt nguồn từ một thực trạng đất nước đang bị "một cổ ba tròng" của phong kiến, thực dân Pháp và phát-xít Nhật đua nhau thống trị và đàn áp nhân dân ta. Sự phối hợp của các thế lực ngoại xâm không chỉ là việc tìm cách vơ vét tài nguyên, bóc lột sức lao động đến tận xương tủy, mà đi theo đó là hàng loạt những thủ đoạn với dã tâm làm hủy hoại tinh thần của nhân dân ta, xóa bỏ các truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, để chúng dễ bề ru ngủ, triệt tiêu ý thức phản kháng của nhân dân; trong khi đó, chúng ra sức đề cao văn hóa ngoại bang. Vì vậy, bản Đề cương là sự cảnh báo cần thiết và kịp thời đối với toàn dân tộc, bóc trần mối nguy hại của chính sách văn hóa phản động, như tuyên truyền, giới thiệu, phô trương văn hóa của thực dân và phát-xít, đề cao chủ nghĩa Đại Đông Á, mua chuộc nhà văn có tài, hăm dọa các nhà văn tiến bộ có tư tưởng cách mạng; xuất bản hàng loạt tài liệu nhồi sọ, thực hiện chính sách kiểm duyệt ngặt nghèo, tuyên truyền chủ nghĩa ái quốc mù quáng…
Trước hàng loạt nguy cơ đó, bản Đề cương chỉ rõ, muốn hoàn thành cách mạng chính trị, Đảng ta phải đồng thời lãnh đạo cách mạng văn hóa; cách mạng giải phóng dân tộc chỉ có thể thực hiện thành công khi Đảng nắm lấy ngọn cờ văn hóa. Nhiệm vụ cần kíp của những người cách mạng, nhất là những nhà văn hóa mác-xít là phải đề cao tinh thần chống phát-xít, thực dân, phong kiến câu kết nô dịch tinh thần, thực hiện chính sách ngu dân. Muốn vậy phải xây dựng văn hóa tân dân chủ, đấu tranh với những loại triết học Âu-Á tập trung đề cao vai trò giai cấp thống trị; phải đẩy mạnh tuyên truyền làm cho thuyết duy vật biện chứng và thuyết duy vật lịch sử chiến thắng. Về văn nghệ, cần đề cao xu hướng tả thực xã hội chủ nghĩa, bảo vệ và làm giàu tiếng nói và chữ viết dân tộc… Tất cả các hoạt động đó đều dựa trên ba nguyên tắc: Dân tộc, khoa học, đại chúng. Đảng cũng nhấn mạnh, mặt trận chính trị và mặt trận văn hóa có vị trí quan trọng như nhau. Có thể nói, những luận điểm cơ bản nêu trong Đề cương đã được thực thi khẩn trương ngay sau khi Đảng ta giành được chính quyền vào tháng 8/1945. Sau ngày Tuyên ngôn Độc lập một ngày, ngày 3/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, thông qua sáu nhiệm vụ cấp bách, trong đó có ba nhiệm vụ liên quan văn hóa - đó là diệt giặc dốt; xóa bỏ tệ nạn thuốc phiện và thực hiện chính sách lương - giáo đoàn kết. Tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta vừa được 10 tháng, thì ngày 24/11/1946, Bác Hồ đích thân chủ trì Hội nghị Văn hóa toàn quốc, khẳng định lại những luận điểm trong Đề cương Văn hóa và chỉ rõ những việc cần làm trước mắt với phương châm: "kháng chiến hóa văn hóa" và "văn hóa hóa kháng chiến". Nhân cuộc Triển lãm hội họa 1951 tại chiến khu Việt Bắc, Bác gửi thư căn dặn: "Văn hóa văn nghệ cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy". Sau này, nói chuyện với các nhà báo, Bác lại khẳng định: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén...".
Tròn 80 năm qua, những tư tưởng chỉ đạo cơ bản nêu trong Đề cương văn hóa năm 1943, vẫn giữ nguyên giá trị thời sự. Sau Đại hội VI của Đảng vào năm 1986, chúng ta triển khai Cương lĩnh đổi mới đất nước được 12 năm, thì Đảng ta đề ra Nghị quyết "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc". Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII nêu trên, Đảng ta tiến hành tổng kết và ban hành Nghị quyết mới với tên gọi: "Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Những Cương lĩnh và Nghị quyết của Đảng nêu trên là sự cụ thể hóa và tiếp nối những quan điểm cơ bản của Đề cương Văn hóa năm 1943. Nền văn hóa Việt Nam đã huy động được sức mạnh toàn dân tộc, góp sức khơi thông tư tưởng và nhận thức nhiệm vụ chính trị của đất nước trong từng thời kỳ lịch sử, phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm vượt lên mọi hy sinh gian khó, tạo nên thắng lợi vang dội của các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.
Bước vào thời bình, công tác văn hóa tiếp tục có những đóng góp tích cực. Nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn; các sản phẩm văn hóa ngày càng đa dạng, phong phú. Văn hóa trong chính trị và kinh tế bước đầu được coi trọng và phát huy hiệu quả tích cực. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập có bước phát triển mới. Nhiều tấm gương sáng trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã được lan tỏa, góp sức thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, cùng với những thành tựu đó, vẫn tồn tại những hạn chế, yếu kém nổi bật chậm được khắc phục, như nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, vị trí quan trọng của văn hóa còn mờ nhạt, chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế và chính trị. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Sự chênh lệch về văn hóa giữa các vùng, miền còn lớn. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, bất cập. Chất lượng đội ngũ trực tiếp làm văn hóa còn thiếu và yếu. Việc tiếp nhận các thành tựu văn hóa trên thế giới thiếu chọn lọc, có hiện tượng bắt chước, lai căng…
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong phần nói về văn hóa, đã chỉ rõ những nguyên nhân hạn chế, bất cập nêu trên; từ đó nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc... và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc... sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam…; Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại;... phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất". Đảng ta đồng thời chỉ rõ, trung tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế. Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ đóng vai trò quan trọng.
Nhằm triển khai mạnh mẽ vào cuộc sống những quan điểm đó để phát huy thành tựu và khắc phục nhanh những hạn chế, thiếu sót nêu trên, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gợi mở một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là việc tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước về văn hóa. Khắc phục tư tưởng "duy kinh tế", chỉ tập trung cho kinh tế, mà ít quan tâm đến văn hóa. Sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi. Nâng mức đầu tư một cách hợp lý từ nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời khơi thông các nguồn lực xã hội… Hết sức coi trọng nhiệm vụ xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa tương xứng với yêu cầu và nhiệm vụ mới. Đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng, đồng thời tôn vinh tài năng và cống hiến của đội ngũ văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa… Quan tâm hơn nữa đến việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc kết hợp với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại. Coi trọng việc xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội, phát huy những giá trị tích cực về thuần phong, mỹ tục của gia đình và xã hội. Kiên trì đấu tranh chống tham ô, tham nhũng, tiêu cực, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Cần tập trung sức nghiên cứu xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới…
Thực hiện thật tốt những ý kiến chỉ đạo trên đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thật sự làm cho "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" (Lời Bác Hồ năm 1946), bảo đảm sự trường tồn của văn hóa song hành cùng sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam ta.
Hà Nội, tháng 1/2023