Dù vậy, các cầu thủ trẻ của chúng ta vừa trải qua một giải giao hữu có thể coi là thành công tại Trung Quốc. Cho dù chỉ có được 3 trận hòa nhưng U22 Việt Nam gây bất ngờ lớn, bởi các đối thủ là những đội mạnh gồm Hàn Quốc, Uzbekistan và Trung Quốc, thậm chí nếu trọng tài không thiên vị chủ nhà thì U22 Việt Nam đã thắng Trung Quốc và lên ngôi vô địch giải Tứ hùng CFA Team 2025.
Thành phần chính của U22 Việt Nam hiện tại vốn là các cầu thủ U20 từng đánh bại cả Qatar và Australia ở vòng đấu bảng cúp châu Á hồi 2 năm trước. Nếu tính trong vòng một thập kỷ qua, bóng đá Việt Nam sản sinh ra 2 thế hệ cầu thủ trẻ, gồm lứa U20 giai đoạn 2017-2018 với những cái tên tiêu biểu như Quang Hải, Văn Hậu, Tuấn Anh, và lứa U20 giai đoạn 2022-2023 của những Khuất Văn Khang, Bùi Vỹ Hào. Lứa Quang Hải là lứa trẻ rất tài năng mà phải mất nhiều thập kỷ bóng đá nước nhà mới có được. Đối với lứa cầu thủ trẻ hiện tại, có thể tài năng chưa thật sự xuất sắc như lứa Quang Hải, song cũng đã từng bước khẳng định được bản thân. Nếu tính tới yếu tố tổng hòa như nói trên để nghĩ về mức độ thành công của lứa U22 hiện tại thì điểm khác biệt so với thế hệ đàn anh là họ không có nhiều cầu thủ chơi ở V.League, đồng nghĩa với việc cơ hội đến với ĐTVN sẽ hẹp đi ít nhiều. Đây là chuyện mâu thuẫn bởi U22 là lứa kế cận của đội tuyển quốc gia. Cơ hội cho cầu thủ trẻ ở V.League còn ít hơn nữa, bởi mới đây VFF đã thông báo về việc sẽ tăng suất ngoại binh cho giải V.League.
Giải pháp ở đây có thể là tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ tham dự các giải đấu, cả quốc nội và quốc tế, càng nhiều càng tốt. Đây là việc của nhà quản lý và phải làm bằng được thì mới có lực lượng bổ sung dồi dào cho ĐTVN, bởi không thể cứ chờ những “Xuân Son” xuất hiện theo tư duy "chờ táo rụng". Phải dựa trên thực lực nội tại mới chính là cách để bóng đá nước nhà phát triển ổn định và bền vững.