Lý do là vì ông này đã xuê xoa, kiểm tra qua loa 3 trọng tài FIFA, cụ thể là chạy có 4 vòng mà vẫn ghi là 6 vòng để hoàn tất bài kiểm tra. Sở dĩ vụ việc làm người ta quan tâm hơn là bởi những trọng tài nói trên là trọng tài cấp FIFA, đứng hạng cao nhất trong giới trọng tài về mặt chuyên môn nghiệp vụ.
Theo cách suy luận logic thì câu chuyện về sự kiểm tra mang tính "ăn gian" nói trên là một trong những nguyên nhân khiến giới cầm còi môn bóng đá ở Việt Nam bị mất uy tín cả về đạo đức lẫn chuyên môn. Có thể thấy điều đó ở các giải đấu trong nhiều năm qua khi mùa giải nào trọng tài cũng bị kêu ca, đến mức trở thành cái gọi là “vấn nạn”. Chưa nói đến vấn đề về tư tưởng, chỉ nội việc trọng tài chưa đủ năng lực chuyên môn, chẳng hạn không đủ thể lực (do cách kiểm tra qua loa đại khái) cũng đã khiến việc ra quyết định dễ xảy ra sai lầm vì không theo sát được tình huống. Để khắc phục, cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có việc áp dụng công nghệ VAR. Được coi như “mắt thần” nhìn thấy hết mọi tình huống trên sân, công nghệ VAR khiến người ta yên tâm nhất. Vấn đề là ở chỗ, kể cả có VAR, người quyết định cuối cùng vẫn là trọng tài trên sân. Như đã thấy ở mùa V.League năm nay, trọng tài ở một vài trận sau khi xem lại VAR đã đưa ra quyết định gây tranh cãi. Có trận cơ quan quản lý phải thừa nhận trọng tài đã sai, dù có áp dụng VAR.
Trước đây khi công nghệ còn chưa được áp dụng trên sân cỏ bóng đá, người ta thường có câu “trọng tài cũng là con người” với hàm ý về sự sai sót mang tính con người “có thể hiểu và thông cảm được”. Tuy nhiên, câu nói đó chỉ áp dụng với những trọng tài đáp ứng được năng lực chuyên môn và có sự công tâm. Sai sót của trọng tài hoàn toàn có thể được hiểu và thông cảm, miễn là họ tự tu dưỡng để đạt hai phẩm chất ấy và không có sự tiếp tay của những “điểm tối” như bài kiểm tra của ông Phó Ban trọng tài đã nói ở đầu bài.