Ước mơ bình dị

Buổi tối, Chi nhắn: “Tụi mình chỉ có một cuộc đời để sống thôi, phải không?”. Lần đầu Chi nhắn vậy, tôi còn nghĩ sẽ có sự thay đổi nào đó với Chi. Mà đối với cuộc sống hiện tại của Chi, chỉ có hai thứ đang phải lựa chọn, đó là bỏ chồng hoặc bỏ việc.
0:00 / 0:00
0:00
Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG
Minh họa: ĐOÀN ĐỨC HÙNG

Bỏ chồng thì khó rồi, vì chẳng có lý do gì hợp tình hợp lý để Chi bỏ Quang. Quang hiền khô. Ngoài tính hơi vô tư ra thì anh ấy chẳng có điều gì khiến Chi khó chịu. Trước khi lấy chồng, Chi từng nói với tôi rằng, cô ấy có thể lấy chồng nghèo, nhưng phải là người đàn ông tình cảm, cùng nhau đi qua những thăng trầm, giống như một người đồng hành vậy. Vì Chi sợ một mình. Có một điều ám ảnh nào đó từ tiềm thức, để mỗi khi một mình cô cảm giác chông chênh mà chẳng lý giải được tại sao.

Chi lấy Quang, đúng mẫu người cô ấy muốn. Quang hiền lành, không thích đám đông ồn ào. Từ ngày lấy vợ, Quang chỉ đi đâu khi có vợ đi cùng. Quang có tiệm điện, chuyên sửa chữa các loại thiết bị điện tử ngay tại nhà. Có ngày, anh ngồi im một chỗ không lên tiếng. Thỉnh thoảng Chi phải gọi xem Quang có bị gì không. Đến khi Quang lên tiếng, cô mới yên tâm. Tiệm điện của Quang có lẽ là tiệm điện cuối cùng còn tồn tại ở khu này. Cũng chẳng nhờ vậy mà đông khách. Thời này có mấy ai còn xài quạt bàn, bàn ủi gì nữa đâu. Mà nếu còn xài, có hư hỏng gì họ cũng thay cái mới cho nhanh, xài cho mượt mà. Chi nói Quang hay là chuyển nghề, nhưng anh ấy nói có biết làm nghề gì đâu.

Chi có năng khiếu trong việc kết nối với đám đông. Nhằm lúc thời bán hàng online lên ngôi, Chi bỏ việc trong lĩnh vực kinh doanh, chuyển qua bán hàng online. Công việc có tự do hơn so với đi làm, nhưng bận túi bụi cả ngày. Có lần tôi hỏi Chi có thấy hài lòng với cuộc sống không? Chi trả lời nhẹ tênh, có biết đâu. Cứ tất bật cả ngày, xong lăn ra ngủ. Thức giấc lại thấy một ngày tất bật chờ sẵn… Chẳng còn biết vui hay buồn nữa. Nhưng không làm thì lấy đâu tiền nuôi con?

Chi kể, ông chồng vô tư lắm, hôm bữa Tết, hai vợ chồng về quê nội. Bà nội hỏi sao không sinh đứa nữa đi cho bé Na có em chơi? Tối đó đi ngủ, chồng thủ thỉ, hay là mình sinh thêm đứa nữa đi em? Chi hỏi tiền đâu nuôi con mà sinh? Quang chỉ cười hì hì mà chẳng nói gì. Đàn ông vậy, hỏi có chán không cơ chứ?

Rồi Chi than, cuối cùng mình sống vì gì? Lấy chồng, sinh con rồi nuôi con thôi hay sao? Vậy cuộc đời của mình đi đâu rồi? Mình đã làm gì với cuộc đời của mình? Chẳng phải ai cũng chỉ có một cuộc đời để sống thôi sao?

Than thở đã, Chi quay sang hỏi: “Lê thì sao? Mà nói thật Lê đừng buồn, Lê nhanh chán quá đó. Hồi đi làm thì muốn nghỉ việc, làm tự do cho thảnh thơi. Đến khi nghỉ việc lại muốn có gì đó để bận rộn. Ngược đời!”.

Chi nhắc đến chuyện nhanh chán, khiến tôi nhớ đến vụ nghỉ việc ở công ty gần đây nhất. Dạo đó, mỗi buổi sáng đến văn phòng, bao giờ cũng thấy Quân ngồi sẵn với ly cà-phê đen đá. Quân xách theo trong lúc tới công ty, vì không thích ngồi quán. Tôi nói với Quân, mình phải hít thở ở nhiều không gian thì mới chịu được. Chứ cả ngày chỉ có đi làm ở văn phòng, chắc không sống nổi. Khi đó, Quân nói tôi xòe tay ra cho Quân xem thử. Quân nhìn mấy đường chỉ tay của tôi, nói rằng tôi là người thích dịch chuyển, mọi thứ luôn phải mới mẻ…

Sau đó tôi nghỉ việc thật. Hôm đi ăn chia tay đồng nghiệp, Quân áy náy nói: “Đáng ra Quân sẽ đổi nội dung khác tích cực hơn, biết đâu Lê không nghỉ việc”. Quân cho rằng, có khi nào tôi bị ám thị bởi lời Quân nói…

Tôi nói với Quân ý nghĩ nghỉ việc nó thường trực trong đầu mình, từ sau vài tháng làm việc ở công ty, mà đã kéo lê đến gần hai năm là bền bỉ lắm rồi. Giọng nói cùng vẻ mặt của tôi khi ấy sảng khoái lắm, khiến Quân quên luôn áy náy khi nãy, hùa thêm: “Thấy chưa, đã nói Lê luôn thích sự mới mẻ mà!”.

Tôi kể với Chi về lần tình cờ gặp lại Quân trong lúc đi dạo bộ công viên. Ngạc nhiên chưa, Quân vẫn làm việc tại đó, gần 5 năm rồi chứ ít gì. Chi bảo, đó là sự ổn định. Người trưởng thành họ nhắm đến ổn định. Rồi Chi chép miệng: “Như hai đứa mình, mãi chẳng trưởng thành nổi. Giờ mỗi tối đi ngủ, Chi chỉ ước sáng mai dậy không phải bán buôn gì, thong dong đi ăn sáng, uống cà-phê. Tự do như Lê vậy đó!”. Tôi nhận ra, cuộc sống nhàm chán của người này lại trở thành mơ ước của người kia.

Con người cứ phải gắn chặt với những ràng buộc để đổi lấy sự an toàn nào đó cho mình.

***

Nửa đêm, Chi lại nhắn: “Tụi mình chỉ có một cuộc đời để sống thôi, phải không?”. Tôi bị đánh thức nhưng cũng không khó chịu với bạn, chỉ nhắn hỏi lại: “Chuyện gì nữa đây?”. Chi nhắn lại rất nhanh: “Tụi mình đi du lịch đi. Muốn sống cho bản thân, mặc kệ mọi thứ!”. Tôi cũng nhắn lại: “Ok”, rồi tắt máy.

Vì như mọi lần, Chi nhắn vậy thôi chứ sáng ra cô ấy sẽ thay đổi ý định. Chi nói bán hàng online cũng như mở cửa hàng truyền thống vậy, ngưng bán một ngày là mất khách ngay. Vậy nên cả ngày loay hoay với việc nhận đơn, đóng gói, trả lời tin nhắn và cả cãi cọ với khách hàng. Mà khoa học chứng minh rồi, chỉ cần làm việc trên máy liên tục ngày này qua ngày kia thôi là đã sinh ra bao nhiêu chứng bệnh, chưa kể những áp lực khác…

Nhưng sáng sớm, Chi xuất hiện trước căn hộ tôi. Cái kiểu nhấn chuông như báo cháy là tôi nhận ra nó. Tôi nhìn ra sau xem, ngoài cái vali to đùng thì có bé Na theo sau không. Chi cười tươi, trả lời luôn: “Giao nhiệm vụ cho chồng chăm con rồi!”. Hai đứa mừng rỡ ôm nhau như trẻ nhỏ thoát khỏi phụ huynh kèm cặp. Vậy là được đi chơi sau biết bao lần dự định rồi thất bại.

Trong lúc Chi lấy ngũ cốc chế sữa vào, pha ly cà-phê đá cho cả hai, tôi tranh thủ xếp hành lý cho chuyến đi bất ngờ này.

Cuộc sống mà, phải luôn có những bất ngờ thì mới thú vị!

***

Ngày thứ ba thức dậy trong homestay của vùng cao nguyên có nhiệt độ giảm 10 độ so với thành phố tôi đang sống. Đây gần như là địa điểm trong mơ của chúng tôi, những người trẻ sống nơi đô thị chung quanh chỉ toàn bê-tông, thiếu hẳn thiên nhiên. Những lúc chán công việc, chỉ muốn bỏ lại hết để về nơi này. Cảm giác như ngày xưa, mỗi lần bị bạn bè ức hiếp, chạy vội về sà vào vòng tay mẹ.

Nơi này, mỗi sáng thức giấc nhìn ra cửa sổ thấy sương mù giăng kín. Không gian mát lành dễ chịu ấy như đánh thức mọi xúc cảm bị chìm xuống tầng sâu nhất. Vậy nên, nơi đây còn là bức tranh có tác dụng chữa lành mà chúng tôi tự vẽ ra, để vượt qua những khó khăn hiện tại, để luôn hy vọng cuộc sống phía trước sẽ là những món quà xứng đáng…

Tôi mở cửa, hít hà cho đã luồng không khí mát lành giữa cỏ cây hoa lá chung quanh sân vườn. Tranh thủ chụp ít tấm ảnh mà chủ thể là những hạt sương trong veo.

Cách đó không xa, nghe giọng Chi đang nói chuyện với chị làm vườn - là người phụ nữ có dắt đứa nhỏ chừng tuổi bé Na theo. Chị ta giải thích: “Để nó ở nhà một mình cũng tội. Chồng ấy hả, ngày nào cũng rượu, ma men mà, đâu còn nhận ra con mình. Chị biết không, hồi con bé còn nhỏ, có lần giao con cho ổng, ai ngờ ổng ngồi nhậu với bạn. Lúc em vào phát hiện ra cái mền đang cuốn kín đầu con bé, lôi ra người tím tái. May mà nó còn thở. Tưởng đâu sau dạo đó ổng bỏ rượu chứ, ai ngờ vẫn vậy. Thôi con mình thì mình giữ, cho chắc”.

Hôm sau, tôi thấy con bé con chị làm vườn đã cuốn lấy Chi, thân thiết. Chi cũng ôm chặt nó cho ấm. Kể với nó rằng, nhà cô ở thành phố, có bạn Na bằng tuổi con. Có dịp nào đó vào thành phố, đến nhà cô chơi nha! Đứa trẻ gật đầu hào hứng.

Hình như tán chuyện về chồng cũng là nhu cầu cần thiết của đa số bà vợ. Tôi nghĩ, họ có sự đồng cảm cùng nhau, nhất là khi kể xấu chồng. Nói với một người lạ càng thích. Lần này, tôi nghe giọng Chi nhỏ thật nhỏ: “Lạ lắm, cứ nghĩ bỏ hết mà đi cho ổng biết tay. Nhưng không phải vậy. Đi đến đâu đẹp, ăn món gì ngon lại nhớ tới con, tới chồng. Chắc cái số mình nó vậy, gắn với người đàn ông đó như thể là định mệnh. Mà nghĩ lại, ảnh cũng hiền lành, thương vợ, thương con. Dịp nào đó, cả nhà em sẽ lên đây một chuyến” - rồi Chi quay sang đứa trẻ: “Khi đó, con đến chơi với bé Na nhà cô nha!”.

Như mọi ngày, bữa sáng của hai đứa diễn ra tại chiếc bàn xinh lọt thỏm trong khu vườn toàn cây xanh. Nhưng cảm giác hồ hởi có phần giảm đi so với ban đầu. Chi đưa gắp mì vào miệng, ngậm một lúc rồi nói: “Mì hôm nay trụng sống hay sao đó, Lê thấy vậy không?”. Tôi vẫn thấy ổn. Có lẽ do Chi ngủ không ngon giấc đêm qua.

Ăn xong bữa sáng thì sương tan loãng hơn. Tôi hỏi Chi: “Đã muốn về chưa?”. Chi im lặng một lúc, rồi giọng thỏ thẻ, hiền khô: “Tưởng đâu ở không sướng, mà cái số cực hay sao, ở không cứ thấy thừa thãi thế nào”. Tôi cười chọc: “Vậy là đi chuyến này về sẽ khép lại điệp khúc mỗi người có một cuộc đời để sống rồi phải không?”. Chi thừ người ra, nghĩ ngợi gì đó mà tôi cũng không đọc được.

***

Thật lâu tôi với Chi không liên lạc với nhau. Khi tôi mới nhận ra điều đó thì tin nhắn của cô ấy đến trong buổi chiều, lúc tôi vừa họp xong cùng team để chốt đề cương cho kịch bản mới.

Chi nhắn mấy dòng rồi chuyển sang gọi cho nhanh, giọng vui hơn mọi khi. Chi kể, chồng đã chịu mở shop online bán linh kiện điện tử. Mấy bữa nay có ông anh đến kèm các khâu chụp ảnh, giới thiệu cho chỗ lấy hàng. Ảnh nói với anh bạn là, các khâu còn lại đã có vợ hỗ trợ nên không cần học, coi sướng không - Chi mở giọng trách móc mà tôi nghe có thanh sắc của niềm tự hào.

Rồi Chi nhận ra mầu tường mới, ồ à lên thích thú, Chi bảo: “Nhìn tươi sáng hẳn. Thấy chưa, mình có thể tự làm mới hết mọi thứ, nếu thấy nhàm chán mà, phải không?”. Tôi gật đầu, chuyển góc máy sang ban-công trồng đầy cây xanh, có cả bụi hồng nở hoa rất đẹp. Chi gật gù: “Tuyệt lắm!”.

Hôm ấy, tôi thấy ánh hoàng hôn trước nhà đẹp hơn thì phải.