Ứng phó lũ quét, nhìn từ quy hoạch dân cư

Tuy mới bắt đầu vào mùa mưa nhưng mưa lũ xảy ra tại nhiều địa phương từ bắc vào nam đã gây ra hàng loạt vụ sạt lở đất gây thiệt hại về người và tài sản. Thiên tai bất thường vẫn có thể tiếp tục diễn ra thời gian tới, vì vậy vấn đề đặt ra về lâu dài cần có những giải pháp hữu hiệu để phòng tránh tai nạn cực kỳ nguy hiểm này?
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều nhà dân ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái bị sạt lở do nước lũ. Ảnh: Lò Quang Vinh
Nhiều nhà dân ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái bị sạt lở do nước lũ. Ảnh: Lò Quang Vinh

Liên tiếp xảy ra sạt lở nghiêm trọng

Vụ nước cuốn theo đất đá từ trên đồi vùi lấp nhiều ô-tô ở xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội vừa qua, theo ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, nguyên nhân được xác định do lượng nước lớn tập trung ở đường cứu hỏa chảy xuống và gây sạt lở. Ông Ngọc cho biết thêm, trên địa bàn xã Minh Phú có ba tuyến đường bê-tông do người dân tự làm. Đối với các homestay, khu nghỉ dưỡng nằm dọc con đường bê-tông ở xóm Ban Tiện, cơ quan chức năng xác định có vi phạm trật tự xây dựng. Huyện đang rà soát để xác định rõ ranh giới, chỗ nào là đất của người dân, chỗ nào quy hoạch rừng, để lập hồ sơ xử lý các hạng mục vi phạm.

Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, mưa lớn, sạt lở đất chỉ trong hai ngày 6 và 7/8 tại các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái làm ba người chết, hai người bị thương, 30 nhà sập, 169 nhà bị hư hỏng, ảnh hưởng; 146 ha lúa, hoa màu bị thiệt hại. Trong khi đó, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông, trong hai ngày 6 và 7/8, sạt lở đất đã làm 24 nhà hư hại. Lực lượng chức năng đã đưa 130 hộ dân di dời khỏi khu vực sụt lún, sạt lở đất.

Các ý kiến chuyên gia nhận định, các vụ sạt lở, lũ tại các địa phương gần đây ngoài do mưa lớn, nguyên nhân tiếp theo chắc chắn là từ hoạt động can thiệp của con người như đô thị hóa, di dân, phá rừng, xây dựng nhà ở trên địa hình đồi, dốc. Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhìn nhận, sạt lở đất liên quan cường độ mưa, dòng chảy, thảm thực vật… với tác động của con người. Chẳng hạn, việc xây dựng những công trình lớn như thủy điện trên lưu vực các con sông ở miền trung dù muốn hay không cũng đã gây ảnh hưởng tới rừng, tới thảm thực vật, làm mất khả năng giữ nước. Vì vậy, khi triển khai dự án ở thượng nguồn, cần phải tính toán một cách tổng thể để có thể ứng phó hiệu quả hơn với tình trạng biến đổi khí hậu, qua đó giảm nhẹ thiên tai.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) nhận định, trước đây Tây Nguyên chưa thấy hiện tượng lũ ống, lũ quét nhưng hiện nay đã bắt đầu xuất hiện. Nguyên nhân của hiện tượng này chủ yếu do phát triển kinh tế-xã hội và phân bố dân cư làm phá hủy hệ thống giữ gìn tự nhiên. Khi dân cư tập trung rất nhiều vào các khu vực ven sông, ven suối để ở, kéo theo đó là xây cơ sở hạ tầng, đường sá đã gây nên những hệ lụy tất yếu, trong đó chủ yếu là những vụ sạt lở nghiêm trọng.

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

Theo góc nhìn của Tiến sĩ Đinh Quốc Dân, Phó Viện trưởng Khoa học Công nghệ Xây dựng (Bộ Xây dựng), để tránh xảy ra các sự cố sạt lở tương tự thời gian tới, theo đúng quan điểm "không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế" tại Quyết định số 450/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chúng ta nên nhìn lại mật độ xây dựng các công trình nằm trên triền núi (như của Đà Lạt hay Sa Pa trước kia). Đồng thời, tham khảo các cách quản lý, quy hoạch và xây dựng của một số thành phố nằm trên núi của thế giới như Công quốc Monaco trong lãnh thổ Cộng hòa Pháp, các thành phố được xây dựng trên các triền núi tại Cộng hòa Italy.

Dưới góc độ là chuyên gia môi trường, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Đức Hải, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam đề xuất ý kiến các dự án đầu tư nói chung và dự án xây dựng hạ tầng du lịch nói riêng theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020 cần có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt hoặc cam kết môi trường; trước khi hoạt động cần có giấy phép môi trường. Đối với dự án xây dựng hạ tầng trong điều kiện địa chất phức tạp cần có giải pháp kỹ thuật phòng ngừa sự cố môi trường. Thời gian tới, cơ quan quản lý các địa phương cần rà soát, kiểm tra lại tất cả các dự án xem đã có đủ những nội dung đó không, nếu thiếu, cần yêu cầu khắc phục ngay để tránh tạo ra các sự cố tương tự trong tương lai. Cùng với đó, đối với các dự án xây dựng hạ tầng du lịch cần có đánh giá tác động môi trường và báo cáo đó phải được cơ quan quản lý môi trường thẩm định. Nếu không có báo cáo hoặc báo cáo đó không được thẩm định nghiêm túc thì chủ dự án và cơ quan quản lý môi trường phải chịu trách nhiệm. Bên cạnh đó, việc thiết kế, xây dựng các công trình phát triển kinh tế cần có sự hòa hợp với thiên nhiên, tránh phá vỡ cảnh quan. Bởi, con người không thể sống tách biệt với thiên nhiên mà phải dựa vào thiên nhiên để sinh tồn và phát triển.

Điều quan trọng nhất đối với công tác phòng tránh lũ quét, sạt lở đất hiện nay là phải thay đổi nhận thức của người dân, chính quyền các địa phương về nguy cơ sạt lở đất. Nếu người dân tiếp tục bạt đồi, núi để xây nhà trong khi chính quyền không có biện pháp can thiệp, yêu cầu thực hiện đúng quy định nhà nước thì những vụ đổ tường chắn, taluy sạt trượt gây chết người như mới đây vẫn sẽ xảy ra. Về lâu dài, chúng ta cần xây dựng xong bản đồ phân vùng có nguy cơ sạt lở ở các tỉnh miền núi trên toàn quốc (khu vực Tây Nguyên và một số tỉnh miền núi khu vực Nam Trung Bộ chưa được lập bản đồ), đồng thời xây dựng các mô hình cảnh báo sớm sạt lở đất tại các tỉnh miền núi trên cả nước để cảnh báo sớm nguy cơ.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 732/ CĐ-TTg, ngày 8/8/2023 về việc tập trung phòng, chống, giảm thiệt hại do sạt lở đất, bờ sông, bờ biển và lũ quét.

Thủ tướng yêu cầu bộ trưởng các bộ, ngành, chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và thủ trưởng cơ quan liên quan tiếp tục nắm chắc tình hình, chủ động triển khai các biện pháp cần thiết, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển. Kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch xây dựng và hoạt động xây dựng, nhất là việc xây dựng nhà cửa, công trình ở khu vực địa hình sườn dốc, ven sông, suối, kênh rạch, ven biển, vùng có nguy cơ xảy ra tai biến địa chất. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm việc chặt phá rừng, nhất là rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm, triệt để các trường hợp vi phạm các quy định về quản lý sử dụng đất; quản lý, bảo vệ rừng; hoạt động xây dựng (nhất là hoạt động xây dựng trái phép trên đất rừng phòng hộ, đặc dụng); khai thác, tập kết khoáng sản trái phép... để giảm nguy cơ rủi ro thiên tai, hạn chế xảy ra sạt lở, lũ quét, ngập úng. "Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và pháp luật nếu thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng và tài sản của nhân dân", Công điện nêu rõ.

Từ nay đến cuối năm, theo Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), có khả năng xuất hiện khoảng 8-10 cơn bão/áp thấp nhiệt đới, trong đó có khoảng bốn đến năm cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Chủ yếu tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ (từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 9) và từ Trung Trung Bộ đến các tỉnh phía nam (từ tháng 10 đến tháng 12).