1 Đầu tháng 5/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang ban hành Kế hoạch 20/KH-UBND về thực hiện Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023-2025. Mục đích nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số; tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống, thu hẹp khoảng cách về dịch vụ giữa nông thôn-thành thị phù hợp định hướng chuyển đổi số của tỉnh, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Lê Ô Pích, giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh phấn đấu tối thiểu 97% số xã đạt chuẩn chỉ tiêu 8.4 có ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành của Tiêu chí số 8 về Thông tin và Truyền thông (theo Bộ Tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới). Có ít nhất 70% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn chỉ tiêu 9.5 của Tiêu chí số 9 về An ninh trật tự-Hành chính công (theo Bộ Tiêu chí). Có ít nhất 70% số xã có hợp tác xã, 70% số huyện có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực của huyện và 50% số các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số.
![]() |
Bắc Giang phấn đấu xây dựng đội ngũ nhà nông chuyên nghiệp. |
2 Thực tế, trước đó tại một số địa phương cũng đã triển khai xây dựng mô hình hiệu quả, thiết thực.
Năm 2022, thôn Khả Lý Thượng, xã Quảng Minh, huyện Việt Yên được giao nhiệm vụ xây dựng mô hình "thôn thông minh". Theo quy định của Bộ Tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu và thôn thông minh, Khả Lý Thượng phải hoàn thành hai chỉ tiêu, gồm: Thôn phải có từ 25% số dân sử dụng định danh cá nhân điện tử trở lên và xây dựng ít nhất một mô hình sản xuất ứng dụng quản lý nông nghiệp thông minh, hoặc mô hình triển khai các ứng dụng giao dịch trực tuyến trên sàn giao dịch điện tử. Bà Nguyễn Thị Đăng, Bí thư Chi bộ thôn Khả Lý Thượng chia sẻ: "Khi nhận nhiệm vụ, Chi ủy Chi bộ, Ban quản lý thôn không khỏi lo lắng bởi công việc xây dựng thôn thông minh chưa có tiền lệ. Việc áp dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số hay đăng ký xây dựng định danh cá nhân điện tử cũng cần phải có điện thoại thông minh. Tuy nhiên, ở làng quê, không phải ai cũng có và biết sử dụng các phần mềm liên quan. Song, với quyết tâm học hỏi, chúng tôi đã làm tốt công việc".
Quảng Minh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 và đạt chuẩn nâng cao năm 2021. Đầu năm 2023, Quảng Minh được công nhận là xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh vì bảo đảm các tiêu chí: Thu nhập, có mô hình thôn thông minh, có ít nhất một lĩnh vực nổi trội (an ninh trật tự). Nhờ ứng dụng chuyển đổi số kết hợp với biện pháp tuần tra, đấu tranh, tuyên truyền, tình hình an ninh địa bàn được giữ vững, người dân yên tâm sinh sống, làm ăn. Cùng đó, mọi thủ tục hành chính ở lĩnh vực này đều được niêm yết công khai, gắn mã QR, giải quyết đúng quy định. Công an xã phối hợp Công an huyện tổ chức cấp định danh điện tử cho hơn 25% số công dân thôn Khả Lý Thượng, góp phần đưa thôn trở thành thôn thông minh đầu tiên của tỉnh.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình trong thời gian tới, huyện Việt Yên đặt ra mục tiêu đến năm 2025 có hơn 85% số hồ sơ công việc cấp huyện, 65% số hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Phấn đấu có khoảng 70% số xã có hợp tác xã, 90% số xã có mô hình liên kết gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% số các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. Có ít nhất 90% số xã cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu như y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân.
3 Xã Việt Lập, huyện Tân Yên lựa chọn thôn Đồng Sen là mô hình điểm xây dựng "thôn thông minh", đầu tư nguồn lực để thúc đẩy chuyển đổi số. Một trong những mục tiêu của địa phương là hỗ trợ Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sâm nam núi Dành ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số. Theo đó, các thành viên Hợp tác xã được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Thân Hải Đăng, Giám đốc Hợp tác xã chia sẻ: "Chúng tôi chủ động trong cung cấp thông tin về nông sản lên hệ thống như diện tích, thời gian trồng, thời gian thu hoạch, quy trình chăm sóc... Đối tác, khách hàng chỉ cần quét mã QR là có thể truy xuất nguồn gốc, nhờ đó giá trị sản phẩm được nâng lên".
Về vấn đề này, ông Hà Minh Quý, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để công việc ngày càng đi vào thực chất, có chiều sâu, bền vững, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về chuyển đổi số cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và nhân dân trong tỉnh.