Ứng dụng công nghệ để hạn chế rủi ro, lãng phí

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra sâu rộng trên toàn thế giới và ngay tại nước ta hiện nay đòi hỏi lĩnh vực khoa học-công nghệ cần bứt phá hơn bao giờ hết. Vậy nhưng, trên thực tế, đây lại là lĩnh vực còn khá nhiều những bất cập như lãng phí nguồn lực, chảy máu chất xám, các đề tài "cất ngăn kéo", tồn đọng và kéo dài.
0:00 / 0:00
0:00
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân là một trong 120 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ trong Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XV vừa qua. Ảnh: Thủy Nguyên
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân là một trong 120 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ trong Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XV vừa qua. Ảnh: Thủy Nguyên

TẠI phiên chất vấn và trả lời chất vấn Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XV vừa qua, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đã nhận được 120 ý kiến đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn. Một con số kỷ lục, chứng tỏ đây là lĩnh vực "nóng" đang được xã hội đặc biệt quan tâm.

Cuối năm 2022, trong Báo cáo trước Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, bên cạnh nhiều thành tích mà ngành đã đạt được, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng thẳng thắn thừa nhận, nhiều dự án bị dừng triển khai do nguyên nhân chủ quan, như công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án Chuẩn đo lường quốc gia 2016-2020 không tiên lượng hết sự thay đổi về công nghệ, dẫn tới nhiều chuẩn còn lại không được đầu tư do không còn phù hợp về công nghệ, dự toán vượt tổng mức đầu tư, phải xin dừng dự án, ảnh hưởng tới mục tiêu và hiệu quả của dự án. Về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, số cơ sở đã hoàn thành sắp xếp còn thấp, đến năm 2021 chỉ hoàn thành 14 cơ sở trong số 44 cơ sở nhà đất phải sắp xếp. Người đứng đầu lĩnh vực trọng yếu này cũng lý giải, hoạt động khoa học-công nghệ có độ trễ, khó định lượng, tách bạch nên việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí không tránh khỏi thiếu sót.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Thu Hà, thành viên Đoàn giám sát đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ cần đánh giá hiệu quả của một số đề tài, nhiệm vụ khoa học-công nghệ ngay ở địa phương. Bởi thực tế, nhiệm vụ khoa học-công nghệ hiện nay của Bộ mới tập trung chủ yếu ở các đề tài cấp quốc gia, cấp nhà nước, nhưng việc nắm tình hình tại các địa phương vẫn chưa có số liệu tổng thể. Thực tế, có nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học ở các địa phương sau khi triển khai không có sản phẩm; hoặc sản phẩm không có tính khả thi, không triển khai được, gây lãng phí lớn. Vị đại biểu này cũng đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ quan tâm hơn nữa đến lĩnh vực khoa học-công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương; cần đánh giá hiệu quả đầu tư, doanh nghiệp sử dụng đất trong khu công nghệ cao đã bảo đảm các tiêu chí hay chưa?...

Vấn đề không chỉ ở Bộ Khoa học và Công nghệ. Qua giám sát tại 15 bộ, 15 địa phương, các cơ quan tư pháp và làm việc với Chính phủ, nhiều thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng, sự lãng phí trong sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học-công nghệ vẫn chưa được lượng hóa, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nghiệm thu xong lại cất ngăn kéo; có sự trùng lắp đề tài ở nhiều địa phương; có nguy cơ thất thoát, lãng phí từ việc xử lý, thu hồi tài sản hình thành trong quá trình nghiên cứu, đầu tư về khoa học-công nghệ…

Cùng thời điểm đó, tại buổi làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội với Chính phủ và các bộ, ngành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai, thành viên Đoàn giám sát cho biết, qua giám sát tại các địa phương, bộ, ngành có thể thấy nguồn lực ngân sách nhà nước đầu tư cho khoa học-công nghệ rất lớn. Ở không ít đề tài nghiên cứu khoa học sử dụng ngân sách nhà nước, tỷ lệ đưa vào ứng dụng rất thấp, có những đề tài tiêu tốn nhiều tiền nhưng hiệu ứng thực tế không có.

QUAN sát thực tiễn và phân tích các chính sách thời gian qua liên quan khoa học-công nghệ, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang cho rằng, riêng lĩnh vực này, các khoản chi rất lớn, tuy nhiên hạn chế là chưa có hệ thống giám sát tập trung, chủ yếu được thực hiện dựa trên các hoạt động chuyên trách của Quốc hội. Chính vì thế, vai trò giám sát của Bộ Khoa học và Công nghệ cần được nâng cao hơn, minh bạch hơn thông qua ứng dụng các công nghệ mới (thí dụ như công khai thường xuyên trên các cổng thông tin điện tử), có đánh giá, báo cáo định kỳ cho các đại biểu Quốc hội và cử tri được biết. Thêm vào đó, có lẽ cần tách bạch nhiệm vụ quản lý của nhà nước với nhiệm vụ nghiên cứu, theo hướng tạo ra các quỹ nghiên cứu khoa học-công nghệ để khuyến khích các tổ chức, chuyên gia - dù thuộc nhà nước hay không - đăng ký "đấu thầu" ý tưởng của mình. Nhà nước chỉ nên giữ vai trò "gác cổng", đánh giá tính khả thi của dự án, và cấp vốn nghiên cứu, thay vì trực tiếp thực hiện như hiện nay.

Đề xuất giải pháp, nhấn mạnh vào yếu tố liên kết, liên ngành, nhất là vấn đề ứng dụng khoa học-kỹ thuật trong khâu kiểm tra, giám sát, thống kê - Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh cho rằng, thời điểm này, việc không thể chậm trễ hơn là quản trị rủi ro đối với các công trình nghiên cứu khoa học; đồng thời làm tốt công tác thống kê như một căn cứ quan trọng để rút kinh nghiệm; đánh giá đúng nhân sự và chuẩn bị nguồn nhân lực xứng tầm phục vụ nghiên cứu khoa học-công nghệ. Vị chuyên gia này cũng thẳng thắn, "tiền là một vấn đề quan trọng, song nếu không nắm được nhu cầu của xã hội thì có tiền chẳng biết làm gì, hoặc làm ra những thứ vô bổ".

Ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học cũng chỉ ra, khá nhiều bất cập trong nghiên cứu khoa học, trong đó có thực trạng chưa bám sát, chưa theo kịp những định hướng lớn phát triển kinh tế-xã hội của đất nước như việc đổi mới mô hình tăng trưởng, xây dựng các trụ cột phát triển kinh tế, tăng năng suất; sự hợp tác giữa các nhà khoa học, các viện, trường trong nghiên cứu liên ngành còn hạn chế; chưa liên kết hiệu quả các phòng thí nghiệm trọng điểm và hình thành mạng lưới nghiên cứu, hợp tác với doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp để huy động vốn và chuyên gia, làm cho nghiên cứu khoa học gắn với thực tế hơn. Vấn đề lựa chọn và đánh giá nghiệm thu các đề tài, đề án nghiên cứu khoa học cũng còn nhiều bất cập.