Ukraine, Nga nhất trí bảo đảm an toàn hàng hải

Trong các cuộc đàm phán riêng rẽ với Mỹ tại Saudi Arabia, Nga và Ukraine nhất trí bảo đảm an toàn hàng hải, loại bỏ việc sử dụng vũ lực và ngăn chặn sử dụng tàu thương mại cho mục đích quân sự ở Biển Đen, đồng thời Moscow và Kiev thống nhất không tấn công vào các cơ sở năng lượng của nhau.
0:00 / 0:00
0:00
Một cuộc đàm phán giữa phái đoàn Mỹ (trái) và Ukraine tại Saudi Arabia. Ảnh: DEFFENSE NEWS
Một cuộc đàm phán giữa phái đoàn Mỹ (trái) và Ukraine tại Saudi Arabia. Ảnh: DEFFENSE NEWS

Mở đường cho các cuộc đàm phán hòa bình rộng hơn

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, trọng tâm của các cuộc thảo luận giữa Mỹ với Nga và Ukraine là bảo đảm an toàn hàng hải ở Biển Đen - một phần trong nỗ lực ngoại giao mà Washington hy vọng sẽ giúp hai bên xung đột sớm có các cuộc đàm phán hòa bình rộng hơn nhằm kết thúc chiến tranh. Thỏa thuận ngừng bắn liên quan khu vực Biển Đen và cơ sở hạ tầng năng lượng có hiệu lực ngay lập tức từ ngày 25/3.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov nhấn mạnh tới việc cần có nước thứ ba để giám sát việc thực thi các thỏa thuận này. Bên cạnh đó, Ukraine cũng khẳng định, sẽ coi bất kỳ động thái triển khai tàu hải quân nào của Nga vượt quá khu vực phía đông Biển Đen là vi phạm tinh thần của các thỏa thuận và Kiev có quyền tự vệ trước hành động này.

Liên quan vấn đề thực thi lệnh ngừng bắn, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, nước này và Mỹ đã nhất trí để bên thứ ba như Thổ Nhĩ Kỳ giám sát một số khía cạnh của thỏa thuận ngừng bắn trong tương lai giữa Nga và Ukraine. Ông Zelensky cũng cho rằng, cần làm rõ tại hội nghị thượng đỉnh về Ukraine sắp tới ở Paris (Pháp) về việc những quốc gia nào sẽ đóng góp lực lượng để giám sát các thỏa thuận hòa bình tại Ukraine.

Về cơ sở hạ tầng năng lượng thuộc diện tạm dừng tấn công, Điện Kremlin nêu rõ danh sách các cơ sở của Nga và Ukraine đã được hai bên Nga - Mỹ thống nhất gồm: Nhà máy lọc dầu, đường ống dẫn dầu, khí đốt và các cơ sở lưu trữ, bao gồm các trạm bơm, cơ sở hạ tầng phát và truyền tải điện như nhà máy điện, trạm biến áp, máy biến áp và hệ thống phân phối, nhà máy điện hạt nhân, đập thủy điện.

Nga nêu điều kiện nối lại Sáng kiến Biển Đen

Trong cuộc đàm phán giữa Nga và Mỹ, Washington cam kết giúp khôi phục quyền tiếp cận thị trường thế giới cho xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga. Các nhà đàm phán Nga đã lưu ý với phía Mỹ về nguyên nhân khiến Nga rút khỏi thỏa thuận mang tên Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen, đồng thời cho biết, Moscow bày tỏ hy vọng “sẽ không có sự mơ hồ nào trong lần này”. Trong trường hợp Nga nối lại việc tham gia thỏa thuận trên, nước này cần thấy các bảo đảm được xác định rõ ràng và theo hình thức phù hợp hơn đối với tất cả các bên liên quan.

Trả lời phỏng vấn Kênh 1 truyền hình Nga, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov cho biết, Moscow mong muốn không có bên nào tìm cách loại Nga khỏi các thị trường ngũ cốc và phân bón. Nga khẳng định, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với các công ty tham gia xuất khẩu và vận chuyển lương thực, phân bón của nước này phải được dỡ bỏ như một điều kiện tiên quyết cho thỏa thuận an ninh hàng hải trên Biển Đen.

Điện Kremlin cho hay, việc thực hiện thỏa thuận sẽ đòi hỏi phải dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với ngân hàng phục vụ các công ty nông nghiệp Rosselkhozbank của Nga và khôi phục quyền truy cập của ngân hàng này vào hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT. Moscow nêu rõ lệnh trừng phạt đối với các nhà xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga, các công ty bảo hiểm phục vụ vận chuyển lương thực và phân bón, các hạn chế về tàu thuyền và hoạt động tài trợ thương mại cũng sẽ phải được dỡ bỏ.

Sáng kiến Biển Đen cho phép cung cấp ngũ cốc của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen, bảo đảm bình thường hóa xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga sang các thị trường toàn cầu. Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Rosselkhozbank là nguyên nhân khiến Nga rút khỏi Sáng kiến Biển Đen vào tháng 7/2023. Việc nối lại Sáng kiến Biển Đen có ý nghĩa quan trọng với Moscow trong bối cảnh Nga dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 40 triệu tấn lúa mì ra thị trường toàn cầu trong mùa vụ này, chủ yếu tới các khách hàng truyền thống ở Trung Đông.