Mục tiêu đa dạng hóa thương mại

Tổng thống Brazil Lula da Silva đang có chuyến công du Nhật Bản và đây là chuyến thăm thứ ba của ông trong tư cách nguyên thủ quốc gia Brazil tới nền kinh tế lớn thứ tư thế giới. Không chỉ củng cố nền tảng truyền thống của quan hệ hai nước, chuyến thăm còn nhằm mở rộng quan hệ đối tác, trong bối cảnh xu hướng bảo hộ thương mại đang nổi lên.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng thống Brazil Lula da Silva (thứ hai, trái sang) tại lễ đón ở Tokyo. Ảnh: REUTERS
Tổng thống Brazil Lula da Silva (thứ hai, trái sang) tại lễ đón ở Tokyo. Ảnh: REUTERS

Nhà vua Nhật Bản Naruhito và Hoàng hậu Masako đã chủ trì lễ đón Tổng thống Brazil Lula da Silva và phu nhân tại Cung điện Hoàng gia ở Thủ đô Tokyo hôm 24/3. Đây cũng là cuộc đón tiếp đầu tiên dành cho các nguyên thủ các nước thăm Nhật Bản, kể từ sau chuyến thăm trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 5/2019.

Trong chuyến thăm kéo dài ba ngày, Tổng thống Lula da Silva cũng có cuộc trao đổi với Thủ tướng nước chủ nhà Ishiba Shigeru; tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Brazil-Nhật Bản, sự kiện quy tụ các đại diện của khoảng 500 doanh nghiệp từ cả hai nước trong các lĩnh vực thực phẩm, nông nghiệp, hàng không vũ trụ, năng lượng, thép...

Năm 2025 đánh dấu mốc 130 năm Brazil và Nhật Bản thiết lập quan hệ ngoại giao (5/11/1895-5/11/2025). Quan hệ Brazil-Nhật Bản có nền tảng lịch sử, dựa trên sự gắn kết truyền thống về giao lưu nhân dân. Với hơn hai triệu người, cộng đồng người gốc Nhật Bản tại Brazil là cộng đồng lớn nhất và Nhật Bản là nơi sinh sống của cộng đồng người Brazil lớn thứ năm trên thế giới, với khoảng 211 nghìn người.

Hai nước cũng vừa kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và đối tác toàn cầu (năm 2014). Hai bên tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thương mại và đầu tư, phối hợp trong các vấn đề quốc tế và tại các diễn đàn đa phương. Brazil và Nhật Bản đều là thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Tại LHQ, cùng với Đức và Ấn Độ trong Nhóm G4, Brazil và Nhật Bản ủng hộ và thúc đẩy cải tổ Hội đồng Bảo an LHQ.

Tháp tùng Tổng thống Lula da Silva thăm Nhật Bản lần này là phái đoàn gồm các lãnh đạo Thượng viện, Hạ viện là hơn 10 Bộ trưởng, cùng đoàn đại biểu doanh nghiệp gồm 100 người, cho thấy Brazil coi trọng quan hệ với Nhật Bản, mong muốn tiếp tục củng cố nền tảng hợp tác truyền thống 130 năm qua, đồng thời thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên và tìm kiếm các cơ hội hợp tác mới, nhất là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Đại sứ Eduardo Saboia, Vụ trưởng Vụ châu Á-Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Brazil cho biết: “Hai nước có nền tảng quan hệ vững chắc, về giao lưu con người và kinh tế, nhưng cần tiến xa hơn”. Theo đại sứ, kỳ vọng lớn nhất trong chuyến thăm là mở cửa thị trường Nhật Bản cho các sản phẩm Brazil, nhất là thịt bò và thịt lợn tươi sống, cũng như thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại giữa Nhật Bản với Khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), mà Brazil là một trong những thành viên sáng lập. Hai nền kinh tế có tính bổ trợ cao, các nhà đầu tư Nhật Bản có kinh nghiệm với thị trường Brazil và đang đứng trước cơ hội mở rộng hợp tác đầu tư.

Nhật Bản là đối tác thương mại, thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Brazil tại châu Á, với tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước năm 2024 đạt khoảng 11 tỷ USD. Nhật Bản cũng là nhà đầu tư lớn thứ hai của Brazil tại châu Á. Theo Ngân hàng Trung ương Brazil, đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Brazil đạt 35 tỷ USD và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ chín tại Brazil.

Xét phạm vi toàn cầu, Nhật Bản chỉ xếp thứ 11, trong khi Trung Quốc mới là đối tác thương mại lớn nhất của Brazil và sự phụ thuộc của Brazil về thương mại với Trung Quốc gia tăng trong những năm gần đây. Brazil là nước xuất khẩu thép lớn thứ hai vào Mỹ sau Canada, đạt 4 triệu tấn vào năm 2024.

Tuy nhiên, sau khi nhậm chức tháng 1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp dụng chính sách thuế quan mới, áp thuế lên tới 20% đối với hàng hóa Trung Quốc, đồng thời tuyên bố sẽ đánh thuế thép và nhiều mặt hàng nhập khẩu khác. Theo Giáo sư Karina Calandrin tại Trường Kinh doanh Ibmec ở Sao Paulo, chính sách thuế quan của Mỹ đang khiến Brazil gặp rủi ro lớn và dễ bị tổn thương hơn.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Lula da Silva cho thấy rõ mục tiêu của Brazil nhằm đa dạng hóa thương mại, tìm kiếm thị trường mới cho những sản phẩm có thể bị hạn chế vào Mỹ, đồng thời tìm cách giảm sự phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu hàng đầu trước nguy cơ bất ổn do xung đột thương mại gây ra.