Tương lai bất ổn của Guinea

Ngày 5/9 vừa qua, một đơn vị đặc nhiệm thuộc quân đội quốc gia Guinea đã tiến hành đảo chính, bắt giữ Tổng thống Alpha Condé (83 tuổi) và quyết định giải tán chính phủ. Sau khi ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn quốc, lực lượng quân đội nước này tạm thời tiếp quản chính phủ. Vụ việc khiến tình hình chính trị, kinh tế - xã hội tại một trong những quốc gia chậm phát triển nhất Tây Phi này trở nên khó đoán định hơn bao giờ hết.

Lực lượng đặc biệt của quân đội Guinea trên đường phố Thủ đô Conakry. Ảnh: AFP
Lực lượng đặc biệt của quân đội Guinea trên đường phố Thủ đô Conakry. Ảnh: AFP

Trong video gửi cho hãng tin AFP (Pháp), một sĩ quan quân đội được cho là người đại diện của lực lượng đảo chính cho biết: “Chúng tôi đã quyết định giải tán chính phủ và xóa bỏ Hiến pháp sau khi bắt giữ Tổng thống”. Đoạn video cũng cho thấy Tổng thống Condé đang ngồi trên một chiếc ghế sofa giữa các sĩ quan quân đội tại Thủ đô Conakry. Cùng ngày, người phát ngôn của lực lượng đảo chính cũng tuyên bố trên truyền hình quốc gia về việc áp đặt lệnh giới nghiêm trên toàn quốc cho đến khi có thông báo mới. Đồng thời, các thống đốc của địa phương sẽ được thay thế bằng các sĩ quan quân đội. 

Với dân số 13 triệu dân, Guinea là một trong những quốc gia chậm phát triển nhất thế giới. Mặc dù đất nước Tây Phi luôn tự hào về nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nhưng từ lâu người dân nước này luôn gặp nhiều khó khăn vì những bất ổn chính trị. Người đứng đầu lực lượng đảo chính Mamady Doumbouya sau đó đã xuất hiện trên truyền hình. Khoác trên mình lá cờ quốc gia, ông Doumbouya nói rằng, việc quản lý yếu kém của chính phủ là nguyên nhân chính thúc đẩy cuộc đảo chính. “Chúng tôi sẽ không giao phó chính trị quốc gia cho một cá nhân nữa, thay vào đó là quyền quyết định của mọi người dân. Đây không phải là một cuộc đảo chính quân sự. Chúng tôi ở đây để giải phóng người dân”, ông Doumbouya khẳng định. 

Ông Alpha Condé lãnh đạo đất nước từ năm 2010 với tư cách là Tổng thống được bầu cử dân chủ đầu tiên tại Guinea. Chính phủ của ông đã giúp thúc đẩy khai thác và xuất khẩu một lượng lớn khoáng sản, đặc biệt là bauxite. Tuy nhiên, các hoạt động khai thác bauxite đã làm gián đoạn cuộc sống và sinh kế của nhiều người ở vùng nông thôn. Ngoài ra, sự thất vọng của người dân cũng gia tăng trong nhiều năm khi khối tài sản thu được từ xuất khẩu bauxite không giúp được đất nước thoát nghèo. Theo một cuộc thăm dò ý kiến vào tháng 10/2020, nhiều người dân cho rằng tính minh bạch của cuộc bầu cử Tổng thống đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì bạo lực và cáo buộc gian lận. Mặc dù Tổng thống Condé đã giành được nhiệm kỳ thứ ba nhưng kết quả bầu cử gây nhiều tranh cãi, đặc biệt sau khi Hiến pháp mới được Quốc hội thông qua tháng 3/2020 cho phép ông này vượt quá giới hạn hai nhiệm kỳ làm Tổng thống.

Phản ứng trước vụ việc, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên án cuộc đảo chính và kêu gọi trả tự do lập tức cho ông Conde. Trong tuyên bố chung mới đây của Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS), Tổng thống Ghana, Nana Akuffo-Addo, Chủ tịch ECOWAS, bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc đảo chính, cũng như hậu quả của nó đối với hòa bình và ổn định khu vực. Ông Akuffo-Addo tái khẳng định “sự phản đối với bất kỳ thay đổi chính trị nào bằng các biện pháp vi hiến và lên án bằng các điều khoản mạnh mẽ nhất đối với cuộc đảo chính này”. Cùng với đó, phái đoàn của ECOWAS sẽ đến Guinea để gặp gỡ các lãnh đạo  của lực lượng đảo chính. Hiện, ECOWAS đã đình chỉ tư cách thành viên của Guinea. Khi phái đoàn cấp cao kết thúc sứ mệnh, ECOWAS có thể sẽ xem xét lại quyết định đình chỉ tư cách thành viên của Guinea.

Mặc dù chính quyền quân sự tạm thời tuyên bố rằng cuộc đảo chính là vì lợi ích tốt nhất của người dân, nhưng họ đã từ chối đưa ra lịch trình trả tự do cho Tổng thống Condé. Ông Mamady Doumbouya đã cam kết thành lập một chính phủ chuyển tiếp và đoàn kết, song không cho biết thời điểm hoặc cách thức thành lập chính phủ.