Tưng bừng những “ngày hội”

Tới đây, ở hai đầu cầu sẽ diễn ra Ngày hội Giáo dục Đại học Pháp “Bienvenue en France!” 2022. Tại Thủ đô là địa chỉ khách sạn Pullman - 40 Cát Linh diễn ra ngày 8; còn ngày 9 sẽ diễn ra tại khách sạn Rex (141 Nguyễn Huệ, quận 1, TP Hồ Chí Minh).
0:00 / 0:00
0:00
Tưng bừng những “ngày hội”

Đây là cơ hội mọi người có thể tìm hiểu thấu đáo, trao đổi trực tiếp với đại diện các trường đại học Pháp có mặt tại Việt Nam. Năm nay, ngày hội quy tụ 28 cơ sở giáo dục cấp đại học. Hiện tại, có hơn 6.000 sinh viên Việt Nam đang học tập và nghiên cứu tại Pháp.

Cũng vào dịp này, sẽ có một loạt các “lễ hội” mang tính viễn tưởng, siêu thực hay trừu tượng trong các ngành mỹ thuật và phim ảnh. Khởi đầu ngay khu vực hồ Gươm là triển lãm tranh sơn dầu “Những hành tinh mới của Agnes” của họa sĩ Dương Thùy Dương (khai mạc cuối tháng 9 và kéo dài đến tận 30/10 tại Mơ Art Space, 136 Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm). Tác giả sinh năm 1979 tại Hà Nội, theo học mỹ thuật và ở lại Berlin, Đức. Lấy cảm hứng từ trường phái siêu thực, cô tạo nên hình khối của phong cảnh trừu tượng. Khi xem tranh, có thể sinh ra những trạng thái cảm xúc như giấc mơ đến miền không tưởng, với những ảo giác về một hành tinh lạ nguyên thủy, vượt ra ngoài những quy định vật lý, hóa học.

Còn tại các rạp phim CGV khắp các thành phố lớn ở nước ta, hai bộ phim khoa học-dã sử-viễn tưởng nổi tiếng thế giới được khởi chiếu lại, bắt đầu từ cuối tháng 9 sang hết tháng 10. Đầu tiên là phim “Avatar”, sản xuất năm 2009 tại Mỹ, do James Cameron viết kịch bản và đạo diễn. Phim lấy bối cảnh vào giữa thế kỷ 22 khi con người rời dần Trái đất bị ô nhiễm và hết năng lượng, một phần con người chuyển sang đang định cư ở một hành tinh khác mang tên Pandora, để khai thác khoáng chất có giá trị là unibtanium. Việc mở rộng khai thác mỏ đe dọa đến sự tồn tại của tộc người khổng lồ có đuôi ở bản địa Pandora và chiến tranh đã xảy ra. Phim được đầu tư 237 triệu USD, phát hành trên toàn thế giới và thu về hơn 2 tỷ USD cho nhà sản xuất. Sau đó, tại giải Oscar 2000, “Avatar” đã đoạt ba giải xuất sắc gồm: Quay phim, hiệu ứng hình ảnh và chỉ đạo nghệ thuật xuất sắc.

Bộ phim thứ hai là “Chúa tể của những chiếc nhẫn: Tình huynh đệ” (phần 1 trong ba phần phim được sản xuất năm 2001, do Peter Jackson đạo diễn và đoạt bốn giải Oscar năm 2002). Phim dựa theo bộ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn nổi tiếng người Anh John Ronald Reuel Tolkien (1892-1973).