Tưng bừng cuối năm...

Khởi đầu tháng cuối năm là những ngày tưng bừng các sự kiện lễ hội, diễn đàn văn hóa, trao giải du lịch, báo chí như… “nan cánh quạt xòe ra” cho đến hết tháng.
0:00 / 0:00
0:00
Tưng bừng cuối năm...

Cần nhắc tới là Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc Tây Bắc vừa khai mạc (2/12) tại quảng trường Hùng Vương (TP Việt Trì, Phú Thọ). Ngày hội lần thứ XV này do tỉnh Phú Thọ đăng cai với 7 tỉnh tham gia: Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La… Cùng trong ngày cuối tuần qua, lần đầu tiên UBND tỉnh Lai Châu ở cực Tây Bắc phối hợp khai mạc tuần văn hóa - du lịch Lai Châu tại TP Hồ Chí Minh. Tuần văn hóa mang tên “Về với những đỉnh núi Lai Châu kỳ vĩ” nhằm giới thiệu với bà con Tây Nam Bộ miền đất, con người Lai Châu với các giá trị văn hóa, ẩm thực đặc sắc. Đó là hình ảnh sắc màu văn hóa của 20 dân tộc tại Lai Châu, cùng với trình diễn trực tiếp khèn dân tộc H’Mông; hát then, đàn tính, múa xòe, múa sạp… của người Tày, Thái. Ngoài ra, là hình ảnh hệ thống 32 di tích lịch sử văn hóa và danh lam, thắng cảnh, tiêu biểu như áng minh văn mà Vua Lê Lợi cho khắc trên vách đá Pu Huổi Chỏ, được công nhận là Bảo vật quốc gia (từ 2016).

Còn tại TP Hồ Chí Minh, cuối tuần qua Sở Du lịch thành phố vừa tổ chức Lễ trao Giải thưởng báo chí viết về du lịch thành phố và cuộc thi “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo du lịch năm 2022”. Ban tổ chức đã nhận được 119 tác phẩm của hơn 60 tác giả và nhóm tác giả đến từ 34 cơ quan báo chí trên cả nước. Qua xét duyệt, ban tổ chức đã trao 3 giải nhất; 3 giải nhì; 3 giải ba; 15 giải khuyến khích cho 24 tác phẩm dự thi ở ba loại hình báo chí: Phát thanh-Truyền hình; Báo in-Báo điện tử và Phóng sự ảnh.

Có một sự kiện đáng chú ý khác ở Hà Nội là triển lãm “Nghệ thuật dệt bản địa” diễn ra tại địa chỉ 56-60 Nguyễn Thái Học do nhóm Craft Link tổ chức khai mạc (ngày 4/12). Khán giả có thể chiêm ngưỡng một góc nhìn văn hóa dệt ở các nhóm dân tộc thiểu số trải dài trên chiều dài đất nước từ Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ. Đó là các nghệ nhân nhóm H’Mông đến từ tỉnh Hà Giang. Nhóm nghệ nhân Thái từ tỉnh Nghệ An và nhóm nghệ nhân Châu Mạ từ tỉnh Lâm Đồng được mời đến trình diễn nghệ thuật dệt thủ công độc đáo của mỗi dân tộc. Việc trưng bày sản phẩm dệt tuyệt mỹ được trực tiếp thực hành của các nghệ nhân nhiều sắc tộc cũng chính là một bước tôn vinh di sản văn hóa của chúng ta, hướng tới giới thiệu trên tầm quốc tế và lưu giữ cho các thế hệ mai sau.