Từ trang sách mở ra

“Cô ơi, con rất thích cuốn sách này. Cô đã từng đọc chưa?”, “Cô ơi, con mới tìm được cuốn sách này hay lắm và phát hiện ra tác giả từng là học sinh trường mình. Con sẽ đọc và chia sẻ cảm nhận với các bạn”… Thấy các em hào hứng cầm sách trên tay, chúng tôi chủ động tới bắt chuyện, chị Hoàng Thị Lan, Tổ trưởng tổ Văn, Trung tâm GDTX Chu Văn An (Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) khấp khởi trong lòng. Từ những cô cậu ngó lơ thư viện, giờ nhiều em thích đọc và giới thiệu sách, với chị Lan, đó là sự thay đổi đáng mừng.
0:00 / 0:00
0:00
Thư viện Trường THPT Bùi Thị Xuân tổ chức nhiều hoạt động kết nối học sinh với văn hóa đọc.
Thư viện Trường THPT Bùi Thị Xuân tổ chức nhiều hoạt động kết nối học sinh với văn hóa đọc.

Chiếc vé đi tuổi thơ

Tự nhận mình là người không mê sách và chẳng mấy hứng thú với việc vào thư viện nhưng khi nghe nhà trường phát động cuộc thi thiết kế “Poster tôn vinh giá trị của sách”, Âu Cẩm Linh (Lớp 12A7, Trung tâm GDTX Chu Văn An) lại thấy tò mò. Linh nói, nếu đó đơn thuần chỉ là một cuộc thi viết cảm nhận về sách, em sẽ không tham gia vì chưa đủ động lực. Nhưng chính việc được thỏa sức sáng tạo sản phẩm mới mang tính nghệ thuật đã khiến em và các bạn thích thú. Ban tổ chức cuộc thi cho học sinh thoải mái chọn lựa cuốn sách mà các nhóm yêu thích rồi cùng đọc, chia sẻ cảm nhận theo cách sống động nhất trên một poster khổ A3. Các em có thể viết vẽ trên máy tính, sử dụng các phần mềm, ứng dụng hoặc làm thủ công tùy thích.

Sau nhiều ngày xuống thư viện trường tìm kiếm, bàn bạc, nhóm Linh quyết định tìm hiểu và quảng bá cuốn sách nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh mang tên “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Và chiếc poster tóm tắt sách ấn tượng của nhóm Linh đã đoạt giải nhất trong cuộc thi lần này khiến các bạn vừa bất ngờ, vừa sung sướng. Muốn chia sẻ các ý chính trong poster theo định hướng của giáo viên, Linh và các bạn chỉ còn cách đọc thật kỹ cuốn sách. “Ban đầu hơi ngại nhưng càng đọc em càng thấy hay. Cuốn sách chứa đựng khá nhiều điều thú vị. Em nhận ra, là do trước giờ bản thân chưa chọn được cuốn sách đủ hấp dẫn để đọc chứ không phải sách tẻ nhạt, nhàm chán và thư viện trường hóa ra có nhiều đầu sách chứ không chỉ sách giáo khoa, sách tham khảo như em và các bạn vẫn nghĩ”, Linh chia sẻ.

Chị Lan kể, trước cuộc thi sáng tác poster tôn vinh sách, từ năm 2019 đến nay, các giáo viên trong Câu lạc bộ Văn học thuộc Trung tâm đã bàn nhau nghĩ ra khá nhiều dự án, cuộc thi để đưa sách đến gần hơn với học trò. Lúc thì tổ chức cuộc thi làm video học đường hoặc audio giới thiệu cuốn sách các em thích nhất, khi lại phát động các em viết cảm nhận về cuốn sách “gối đầu giường” của mình hoặc đơn giản là tổ chức buổi hướng dẫn cách bố trí, sắp xếp kệ sách ngay giờ sinh hoạt dưới cờ cho tất cả học sinh tại trung tâm. Mỗi học kỳ vài hoạt động, từng chút một, các giáo viên tổ Văn tìm cách giới thiệu các đầu sách hay, tổ chức giao lưu tác giả cũng như hướng dẫn học sinh cách tiếp cận thư viện dù biết không hề đơn giản. Thư viện trường nằm ở góc khuất, kho sách nghèo nàn, cơ sở vật chất không bảo đảm, có thể lý giải được vì sao các em chẳng ngó ngàng. Thế nhưng, lúc thư viện mới khang trang với hàng trăm đầu sách hay đưa vào hoạt động, thời gian đầu, vẫn vắng bóng người đọc khiến nhiều thầy cô thắc mắc liệu trường đã làm sai chỗ nào?

Biết học sinh ngại ghé thư viện vì nghĩ “Chẳng có gì thú vị trong đó”, chị Lan cùng đồng nghiệp tổ Văn tích cực đề xuất nhiều chương trình kết nối ngay tại không gian chung nhằm giúp trò hiểu tại nơi đây có khá nhiều điều thú vị chứ không đơn thuần chỉ là địa điểm đến đọc và mượn sách về nhà. Tháng đọc sách được tổ chức ngay sau đó đã dần thay đổi cách nghĩ của nhiều học sinh. Mỗi tuần, giáo viên sẽ bố trí đưa các em xuống thư viện tham gia đọc sách, viết nhật ký đọc sách hoặc chia sẻ cảm nhận về các đầu sách mà các em thật sự quan tâm.

Từ việc xuống thư viện vì điểm thi đua, sau nhiều dự án tiếp cận sách, không ít học sinh tại trường đã chủ động tham gia các hoạt động liên quan đến sách mà không cần điểm cộng hay phần thưởng động viên. Các em xuống vì cần tìm sách, cần bổ sung thêm thông tin, nội dung làm bài tập nhóm hoặc đọc truyện giải trí sau giờ học căng thẳng. Chị Lan vui vẻ cho hay: “Trước đây, nghe giáo viên nhắc đến sách, học ở trung tâm hờ hững lắm nhưng giờ đây rất nhiều em đã chủ động tìm đến chia sẻ với thầy cô về những cuốn sách thú vị mà các em vừa đọc hoặc chủ động đề xuất nhiều đầu sách các em quan tâm nhưng thư viện chưa có. Trước đây, các em chỉ thích đọc ngôn tình thôi, giờ thì đa dạng thể loại. Thay vì áp đặt, nhà trường tạo ra nhiều sân chơi để học sinh có thiện cảm, tự giác hình thành thói quen đọc sách. Rồi sau đó, dần dần các em sẽ cảm nhận cái hay, sự bổ ích của trang sách”.

Tiết đọc sách không còn buồn chán

Từ năm học này, tiết đọc sách tại thư viện với thời lượng 45 phút/tuần đã được lồng vào thời khóa biểu của học sinh khối 10, 11 tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Quận 1). Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú triển khai hoạt động này trong chương trình vì muốn giảm áp lực học tập cho các em, đồng thời giới thiệu hoạt động của thư viện - nơi theo ông đánh giá là các em đều biết nhưng chưa thật sự quan tâm - và mong muốn xa hơn là hình thành thói quen đọc sách, văn hóa đọc trong môi trường giáo dục. “Phải làm sao để học sinh chịu đến thư viện trước đã, mọi thứ từ từ tính sau. Thư viện đẹp, mát mẻ, đầy đủ máy móc thiết bị, đa dạng đầu sách mà không có người đọc thì coi như không hiệu quả. Chúng ta phải đưa các em đến đây, hướng dẫn các em cách chọn đầu sách phù hợp và tổ chức nhiều hoạt động liên quan đến tìm hiểu tri thức, kỹ năng. Học sinh đến thư viện có thể đọc sách, tìm kiếm thông tin trên máy tính hoặc học nhóm, làm bài tập… sao cũng được, miễn các em bước vào không gian này và thấy được sự tiện ích, sự hỗ trợ hết mình của nhà trường”, ông Phú phân tích thêm.

Không chỉ tìm đủ cách đưa học sinh đến thư viện, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân còn đưa ra hình thức kỷ luật “chẳng giống ai”. Với những trò vi phạm quy chế nhà trường, thay vì yêu cầu viết kiểm điểm, hạ hạnh kiểm…, ông Phú cho các em vào thư viện, chọn một cuốn sách trong tủ Hạt giống tâm hồn hay Người con hiếu thảo, tự ngồi đọc rồi sau đó viết bài cảm nhận, nộp lại cho giáo viên. Ông nói, muốn áp dụng hình thức kỷ luật tích cực này để trò có thời gian nghĩ về các lỗi đã vi phạm và đọc những mẩu truyện hay rồi từ từ thay đổi nhận thức.

Thư viện của Trường THPT Bùi Thị Xuân rất rộng và đẹp với khoảng 14 nghìn đầu sách đa dạng thể loại, đề tài nhưng vào thời điểm chưa triển khai nhiều hoạt động kết nối, thi thoảng mới có em ghé vào tránh nóng hoặc chờ gia đình đến đón sau giờ học. Theo cô Phan Thị Thu Thủy, nhân viên thư viện trường, từ ngày đẩy mạnh hoạt động trực tuyến của đội ngũ “Đại sứ tri thức” trên trang fanpage, hoạt động của thư viện trở nên mới mẻ, thú vị hơn nên thu hút được nhiều học sinh tham gia. Đội ngũ “Đại sứ tri thức” gần 50 học sinh yêu sách tại trường tình nguyện đăng ký tham gia, triển khai nhiều hoạt động trực tuyến và trực tiếp với mục tiêu lan tỏa những điều thú vị từ thư viện. Một ban phụ trách hoạt động trực tiếp sẽ thu xếp thời gian xuống thư viện phụ cô thủ thư cho các bạn trong trường mượn trả sách vào giờ ra chơi, giờ tan học. Vào mỗi tháng, tình nguyện viên trong ban sẽ cùng nhau lên ý tưởng để triển khai hoạt động tại thư viện như trang trí bìa sách, làm đồ đánh dấu sách, làm giấy tái chế, giới thiệu sách…

Vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh, thư viện Trường THPT Bùi Thị Xuân tập trung triển khai chuỗi hoạt động kết nối trực tuyến và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh. Có năm ban được bố trí để đa dạng hóa hoạt động đưa sách đến với người đọc trên fanpage. Từ khâu thực hiện video, thiết kế hình ảnh, viết bài giới thiệu sách đến các hoạt động quảng bá khác đều do các tình nguyện viên cùng nhau thực hiện, tạo nên “làn gió mới” khiến các em thấy gần gũi. Đến nay, các kênh kết nối này ngày càng phát triển, tạo thành những chuyên mục quen thuộc giúp học sinh trong trường biết thêm nhiều nội dung, thông tin thú vị liên quan đến văn hóa đọc và phát triển tri thức.

Là người định hướng và hỗ trợ về mặt chuyên môn cho gần 50 “Đại sứ tri thức” của thư viện trường, chị Thủy cảm nhận rõ sự thay đổi ngày càng nhiều của học sinh sau từng chương trình do các tình nguyện viên chung tay triển khai. Để bạn trẻ yêu sách giới thiệu và lan tỏa các hoạt động thú vị liên quan đến văn hóa đọc đang là hướng nhà trường chọn nhằm tạo ra mạng lưới kết nối chặt chẽ, nơi có các chương trình thú vị, phù hợp với nhu cầu, sở thích của từng em. Thông qua nhiều kênh kết nối, chị Thủy cũng đề xuất được các hướng đổi mới lên ban giám hiệu nhà trường. Trong đó chú trọng bổ sung nguồn sách và hoạt động trải nghiệm theo yêu cầu thực tế học trò.