Điền kinh Việt Nam

Từ SEA Games tới ASIAD

Lần thứ ba liên tiếp xếp hạng nhất toàn đoàn với 22 huy chương vàng, 11 huy chương bạc và bảy huy chương đồng, điền kinh Việt Nam vẫn duy trì được vị thế tại đấu trường SEA Games. Song, khả năng vươn xa hơn, tới những tấm huy chương tại sân chơi châu lục, lại vẫn là một câu chuyện khác.

Nguyễn Thị Huyền (thứ hai, từ trái sang) và Quách Thị Lan (ngoài cùng, bên phải) là những niềm kỳ vọng vàng tại ASIAD sắp tới.
Nguyễn Thị Huyền (thứ hai, từ trái sang) và Quách Thị Lan (ngoài cùng, bên phải) là những niềm kỳ vọng vàng tại ASIAD sắp tới.

Bội thu nhưng chưa trọn vẹn

Trong số 22 huy chương vàng giành được ở SEA Games 31, có tới 12 nội dung chúng ta bảo vệ thành công kết quả của kỳ đại hội trước tại Philippines. Bên cạnh đó, hai kỷ lục đã được thiết lập thuộc về Nguyễn Thị Oanh (3.000m chướng ngại vật nữ) và Lò Thị Hoàng (ném lao). Ngoài những nội dung không có đối thủ, Đội tuyển điền kinh Việt Nam cũng xuất hiện những nhà vô địch mới như Hoàng Nguyên Thanh (marathon nam), Nguyễn Hoài Văn (ném lao nam), Bùi Thị Nguyên (100m rào nữ), Lò Thị Hoàng (ném lao nữ), Nguyễn Linh Na (bảy môn phối hợp nữ).

Như nhận định của giới chuyên môn, các vận động viên Việt Nam cải thiện thành tích đáng kể so kỳ SEA Games 30. Đây là kết quả ít nhiều gây bất ngờ khi hơn hai năm qua, các tuyển thủ không có cơ hội đi tập huấn nước ngoài cũng như thiếu vắng nhiều giải đấu cọ xát trong nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dù vậy, cũng có những sự thất bại đáng tiếc, khi các nội dung được kỳ vọng không bảo vệ được tấm huy chương vàng trên sân nhà như: 400m nam, 4x400m nam, 4x400m hỗn hợp, 100m nữ.

Đặc biệt, ở đường chạy ngắn 100m và 200m nam-nữ, Việt Nam không có một đại diện nào đủ sức tranh huy chương vàng, sau khi chân chạy chủ lực Lê Tú Chinh bị chấn thương. Đây cũng chính là nỗi lo lớn của điền kinh nước nhà trong thời gian tới.

Khát khao vươn tầm châu lục

Dù giành được những thành công vang dội ở đấu trường khu vực, mục tiêu vươn tầm châu lục mới là khát khao đích thực của điền kinh Việt Nam. Nếu nhìn nhận sân chơi ASIAD như thước đo chính xác nhất, tất cả các nội dung của nam chưa thể cạnh tranh huy chương vàng châu lục. Trong khi đó, các nội dung của nữ "sáng cửa" hơn, đơn cử như cự ly 400m rào nữ với hai gương mặt Nguyễn Thị Huyền và Quách Thị Lan (đương kim vô địch châu Á).

Bên cạnh đó, dù Việt Nam không bảo vệ được huy chương vàng SEA Games ở nội dung 4x400m hỗn hợp do Trần Nhật Hoàng chấn thương, thành tích hiện tại (3 phút 19 giây 37) cũng đã vượt qua mức đoạt huy chương bạc ASIAD 2018 (3 phút 19 giây 52). Các nội dung 400m nữ của Nguyễn Thị Huyền, 1.500m nữ của Nguyễn Thị Oanh hay 100m rào nữ của Bùi Thị Nguyên cũng tiệm cận thành tích huy chương đồng.

Như vậy, điền kinh Việt Nam hoàn toàn có khả năng tranh chấp ít nhất một tấm huy chương vàng ở kỳ ASIAD sắp tới. Vấn đề đặt ra là các chân chạy sẽ được đầu tư như thế nào để vượt tầm khu vực?

Nguyên Vụ trưởng Thể thao thành tích cao, từng là Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam nhiều kỳ SEA Games, ông Nguyễn Hồng Minh, khẳng định: "Nếu Việt Nam muốn tiến lên đấu trường châu lục và thế giới, phải xem xét lại thành tích của từng môn thể thao, xem lại chỉ số của từng vận động viên, xem có khả năng cạnh tranh hay không".

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, phụ trách bộ môn điền kinh của Tổng cục Thể dục-Thể thao chia sẻ: "Chúng ta phải lựa chọn con người theo từng nội dung và phải có chiến lược tính toán cụ thể. Điền kinh Việt Nam không thể cứ dựa vào 22 tấm huy chương vàng SEA Games, để rồi ngủ quên trong chiến thắng. Ngay sau Đại hội, Đội tuyển điền kinh Việt Nam sẽ chuẩn bị kỹ càng cho Giải vô địch thế giới sắp diễn ra vào tháng 7 tới".

Tin vui với đội ngũ vận động viên và Ban huấn luyện Đội tuyển điền kinh là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang khẩn trương hoàn thành Chiến lược phát triển Thể dục-Thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 trình Chính phủ. Trong đó, hai môn điền kinh và bóng đá được xác định là trọng điểm đầu tư để nhắm đến các mục tiêu cao hơn, như tranh chấp huy chương tại ASIAD và sân chơi Olympic.

Từ sự khẳng định vững chắc vị thế số một khu vực, điền kinh xứng đáng nằm trong diện "quy hoạch trọng điểm" của chiến lược phát triển thể thao Việt Nam. Đây là cơ sở để các nhà quản lý tập trung đầu tư đúng hướng, từng bước nâng tầm, với kỳ vọng củng cố khả năng cạnh tranh từ một đến hai tấm huy chương vàng.