Từ câu chuyện của một đô thị

Dọc bờ nam sông Hương, thành phố Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), hiện có ít nhất ba địa chỉ mỹ thuật hiện đại: Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng, Trung tâm nghệ thuật Điềm Phùng Thị và tượng chân dung Phan Bội Châu. Huế còn có nhiều địa chỉ của mỹ thuật khác nữa mà nếu có dịp thăm Huế, người yêu mỹ thuật không thể bỏ qua. Song, ở đó, câu chuyện về sự thiếu hụt nhân lực chất lượng cao cũng được nhận diện rất rõ.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên bản tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng hòa cùng thiên nhiên trong khuôn viên Không gian Lưu niệm Lebadang. Nguồn: Không gian Lưu niệm Lebadang
Phiên bản tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng hòa cùng thiên nhiên trong khuôn viên Không gian Lưu niệm Lebadang. Nguồn: Không gian Lưu niệm Lebadang

Ðiểm hội tụ

Huế là nơi sinh ra hoặc nơi gắn bó của nhiều nhân vật tài danh trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam: Lê Bá Đảng (1921-2015), Điềm Phùng Thị (1920-2002), Lê Thành Nhơn (1940-2002)… Huế là một trong ba địa phương trên cả nước có riêng một trường mỹ thuật với bề dày lịch sử: Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế được thành lập năm 1957, nay là Trường đại học Nghệ thuật thuộc Đại học Huế. Thành phố này luôn có sự tiếp nối thế hệ sáng tác nghệ thuật tạo hình, là trung tâm giao lưu mỹ thuật của khu vực miền trung.

Gần đây, đô thị này xuất hiện nhiều địa chỉ mới của mỹ thuật, mở cửa rộng rãi đón khách tham quan với đa dạng chương trình hoạt động. Không gian Điểm hẹn Liên văn hóa trên đường Bạch Đằng, bên sông Đông Ba, mới được khai trương hồi tháng 4/2023 bằng triển lãm tranh của một họa sĩ đến từ Hà Nội, sau đó là triển lãm ảnh về Hà Nội của một nhiếp ảnh gia người Đức, trình diễn kịch thể nghiệm… do GS, TS Thái Kim Lan khởi dựng từ cơ sở vật chất thuộc gia tộc của bà.

Ở ngoại ô, tại thôn Kim Sơn, xã Thủy Bằng, Không gian Lưu niệm Lebadang được xây dựng và đưa vào hoạt động từ tháng 4/2019. Bề ngoài, đây là một công trình kiến trúc cảnh quan được phát triển dựa trên một tác phẩm cắt giấy của họa sĩ Lê Bá Đảng, do chính vợ của ông chọn lựa. Từ ý thức xây dựng Không gian từng bước xứng tầm với tên tuổi của họa sĩ, trước khi tiến hành dự án này, các thành viên sáng lập đã dành nhiều thời gian tham quan, khảo sát nhiều mô hình bảo tàng nghệ thuật, nhà lưu niệm trên thế giới. Tọa lạc trong khuôn viên hơn 16.000 m2 với thiết kế, trưng bày và phương thức vận hành tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế chung, Không gian Lưu niệm Lebadang nhanh chóng trở thành một địa chỉ văn hóa mới, nổi tiếng của Huế, thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước. Đây là công trình do một số cá nhân cùng sáng lập, đầu tư và vận hành.

Cần nhiều nguồn lực mới

Không khó để nhận ra, hầu hết các địa chỉ nói trên của mỹ thuật Huế đều dành cho những tác giả, tác phẩm, bộ sưu tập đã được khẳng định giá trị qua thời gian. Huế thiếu vắng không khí của sinh hoạt mỹ thuật hiện tại, biểu hiện bằng đa dạng điểm đến, như gallery, nhà triển lãm, không gian thể nghiệm.

Bảo tàng Mỹ thuật Huế được thành lập từ năm 2018. Ngoại trừ hai tòa nhà Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng và Điềm Phùng Thị vốn dành riêng giới thiệu hai tên tuổi mỹ thuật lớn này, Bảo tàng vẫn chưa có tòa nhà trưng bày cố định cho bộ sưu tập tác phẩm mỹ thuật có liên quan mật thiết với Huế (mang chủ đề về Huế hoặc của họa sĩ sinh sống ở trong và ngoài nước là người Huế) và có các sự kiện, triển lãm chuyên đề nhằm thu hút đông đảo hơn sự quan tâm của công chúng sở tại.

Họa sĩ Nguyễn Thành Trung là nhân vật hiếm hoi chủ động tạo dựng không gian cho họa sĩ, nghệ sĩ thị giác hôm nay ở Huế và các địa phương khác hội tụ, chia sẻ sáng tác mới, gặp gỡ công chúng. Nhưng anh phải liên tục thay đổi địa chỉ và kèm theo đó là tên của không gian, từ Nam Ai, Secret Studio đến hiện tại là Flamink. Lý giải về sự không ổn định này, anh Trung cho biết: Do phải thuê mặt bằng, thuê nhân sự nên bắt buộc phải tính toán tài chính chặt chẽ, trong đó việc thuê mặt bằng là tốn kém nhất, kèm rủi ro là không ổn định lâu dài, bởi những thay đổi bất ngờ từ phía chủ nhà hoặc bởi khó khăn kinh doanh. Flamink hiện ở một nơi yên tĩnh, nhỏ xinh và chủ nhân cũng tiết kiệm mọi chi phí bằng cách tự mình làm tất cả mọi việc, thêm sự trợ giúp của các tác giả tham gia, tùy theo sự kiện.

Theo anh Trung, trong vài năm trở lại đây, một số người Huế muốn có tranh trưng bày trong nhà hoặc sưu tập đã thay đổi dần quan niệm về cách mua: Họ ra triển lãm, phòng trưng bày để mua tác phẩm mỹ thuật thay vì mua trực tiếp từ chính họa sĩ. Sau ba phiên triển lãm, hội chợ nghệ thuật tại Flamink, một số tác phẩm đã được bán cho người địa phương. Mong muốn lớn nhất của họa sĩ là có thêm nhiều không gian lớn, nhỏ như Flamink để công chúng cảm thấy "thoải mái, tự do và thường xuyên được sống trong hơi thở của nghệ thuật địa phương và xa hơn là của cả nước". "Điều này có tác động kiểu như mưa dầm thấm lâu đến nhận thức của công chúng. Thí dụ, 10 năm trước, nếu có mua tranh thì họ chỉ mua bản in, bản sao chép nhưng nay, họ đã đến phòng tranh thưởng lãm và mua rồi" - anh Trung bày tỏ. Rõ ràng, mô hình không gian như Flamink không thể đem lại lợi nhuận lớn cho chủ nhân nhưng những đóng góp của nó vào đời sống văn hóa địa phương lại là đáng kể.

Để duy trì và dần phát triển theo hướng bền vững, các không gian nghệ thuật mới và ngoài công lập như Flamink cần có nguồn lực đầu tư ổn định cả về cơ sở vật chất và con người. Theo anh Trung, nếu có được sự hỗ trợ về địa điểm từ chính quyền sở tại, như cho thuê mặt bằng lâu dài với giá ưu đãi, sẽ có nhiều hơn những cá nhân như anh tích cực tham gia tổ chức các không gian tương tự, góp phần làm cho đời sống mỹ thuật khởi sắc hơn.

GS, TS Thái Kim Lan cũng chỉ có một trợ lý làm việc chính thức, các hoạt động chưa được đều đặn, định kỳ, chưa có chương trình tiếp thị, quảng bá hình ảnh cụ thể. Mong muốn lớn nhất của bà là giới thiệu được nhiều hơn họa sĩ Huế tại Điểm hẹn Liên văn hóa. Nhưng như vậy, càng cần có được nhân sự điều hành đáng tin cậy, có cái nhìn tổng quát về tình hình văn hóa, có khả năng lên chương trình hoạt động ít nhất là theo từng năm. "Phải nói là rất khó khăn trong việc tìm người"- bà Lan cho biết.

Có thể nói, Huế đã và đang hội tụ nhiều yếu tố để trở thành một thành phố của nghệ thuật. Trước sự vận động mới của đời sống xã hội, hy vọng rằng, chính quyền địa phương sẽ thúc đẩy nhanh chóng hơn nữa các chính sách đặc thù về đào tạo nhân lực tại chỗ, hỗ trợ cơ sở vật chất cho những nỗ lực phát triển đời sống mỹ thuật của đô thị đang định hướng phát triển theo mô hình thành phố sáng tạo này.